Cán bộ về hưu mà tài sản bất minh thì không thể ngoài vòng pháp luật

11/11/2017 06:58
XUÂN QUANG
(GDVN) - Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Cán bộ về hưu cũng là công dân và phải bị xử lý nếu có vi phạm.

Không thể áp dụng luật riêng cho cán bộ về hưu

Phát biểu không nên nhận đơn tố cáo cán bộ đã về hưu của Đại biểu Quốc hội Ngô Tuấn Nghĩa (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) khi ông cho ý kiến về dự thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi, ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Một chuyên gia trong lĩnh vực Luật hình sự (xin giấu tên) hôm 8/11 nói với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, đây là quan điểm chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là trong lĩnh vực chống tham nhũng.

Cán bộ về hưu mà tài sản bất minh thì không thể ngoài vòng pháp luật ảnh 1

Không cho dân tố cáo cán bộ về hưu, hóa ra ta làm đường băng để hạ cánh an toàn?

Vị chuyên gia nêu ví dụ: "Một đối tượng phạm tội hình sự cách đây nhiều năm, bây giờ mới phát hiện được thì vẫn bị xử lý.

Người phạm tội thì không có tuổi nghỉ hưu.

Nếu cán bộ về hưu, hạ cánh an toàn trong khi tài sản có dấu hiệu bất minh mà không được làm rõ thì nhà nước có thể sẽ thiệt hại lớn.

Tuy nhiên, việc xử lý cần áp dụng theo nguyên tắc chung.

Giả sử đối với người phạm tội hình sự, luật pháp của 10 năm trước áp dụng tử hình, nhưng nay luật sửa đổi, không áp dụng hình phạt tử hình thì sẽ không tử hình.

Đó là nguyên tắc chung của pháp luật trong việc xử lý hành vi vi phạm.

Do đó, dù người ta vi phạm lúc còn đương chức, nhưng nay mới phát hiện ra thì vẫn xử lý bình thường theo quy định của pháp luật", vị chuyên gia này nói.

Vị chuyên gia cũng không đồng tình với phát biểu Thanh tra chính phủ không muốn tiếp nhận tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử.

"Quyền khiếu nại, quyền tố cáo là những quyền cơ bản của công dân, được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện.

Do đó, cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm tiếp nhận thông tin tố cáo.

Trường hợp tố cáo có cơ sở thì cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, làm rõ.

Việc tiếp nhận tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử được xem như một hình thức tố cáo, tố giác dấu hiệu vi phạm. 

Tuy nhiên, cần phân loại đơn thư tố cáo. Tố cáo có căn cứ, tố cáo không có căn cứ và tố cáo với mục đích vu khống, bôi nhọ.

Nếu người ta lợi dụng việc tố cáo để cố tình xuyên tạc, vu khống thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật", vị chuyên gia cho biết.

"Tôi thấy rất lạ"

Phó Giáo sư Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, quan điểm không nên nhận đơn tố cáo cán bộ về hưu là rất lạ và không công bằng với người dân.

"Nghị quyết Trung ương 4 đã nói rất rõ về việc không có ngoại lệ, không có vùng cấm, không loại trừ ai trong xử lý cán bộ nếu có vi phạm.

Hiến pháp cũng quy định rõ, mọi người dân đều có quyền bình đằng trước pháp luật.

Do đó, cán bộ về hưu cũng là dân và cần xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm như mọi công dân khác. 

Cho nên không thể có luật ưu ái cho quan chức về hưu nếu phát hiện họ có vi phạm", Phó Giáo sư Bùi Thị An nói.

Phó Giáo sư Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Ngọc Quang/giaoduc.net.vn.
Phó Giáo sư Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Ngọc Quang/giaoduc.net.vn.

Về quan điểm cho rằng, tố cáo tràn lan sẽ dẫn tới tình trạng tạo điều kiện cho những phần tử xấu lợi dụng để tố quấy rồi cán bộ, Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng, không nên lo lắng điều này.

"Hiện nay, chúng ta đã có hệ thống pháp luật, công cụ thực thi pháp luật hết sức đầy đủ.

Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị trong việc chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy.

Cho nên không ai lại để chuyện tố cáo sai quy định của pháp luật ảnh hưởng tới cán bộ của mình, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu.

Cán bộ về hưu mà tài sản bất minh thì không thể ngoài vòng pháp luật ảnh 3

Hot girl Thanh Hóa bây giờ ở đâu?

Nếu tố cáo sai (chỉ việc lợi dụng việc tố cáo để xuyên tạc - PV) thì đã có luật pháp trừng trị.

Cho nên, tôi nghĩ không chúng ta không nên lo lắng rằng cán bộ bị oan, mất danh dự vì tố cáo sai.

Từ trước tới nay có rất nhiều vụ án oan mà chúng ta vẫn có thể minh xét được thì chuyện này có gì đâu mà không xử lý được" Phó Giáo sư Bùi Thị An nhận định.​

Bà An đánh giá cao vai trò giám sát của người dân, báo chí, các tổ chức chính trị, xã hội... trong việc tham gia phát hiện dấu hiệu tiêu cực của cán bộ trong thời gian qua.

"Tố cáo xét ở mặt nào đó có tác dụng ngăn ngừa, răn đe cán bộ không nên làm chuyện xấu lúc đương chức, và để họ không cảm thấy hối tiếc khi về hưu bị phanh phui vi phạm. 

Cán bộ về hưu mà tài sản bất minh thì không thể ngoài vòng pháp luật ảnh 4

Công khai tài sản cán bộ sẽ là vấn đề nóng của kỳ họp Quốc hội này

Không có gì có thể qua được tai, mắt của nhân dân.

Người dân rất công bằng khi đánh giá cán bộ. 

Những người làm hết sức mình vì nhân dân thì dân sẽ hiểu và biết đánh giá cán bộ đó như thế nào và ngược lại.

Cần phải nói thêm rằng, nếu không cho tố cáo cán bộ về hưu thì vai trò giám sát của người dân sẽ bị hạn chế đi rất nhiều", Phó Giáo sư Bùi Thị An nêu quan điểm.

Phó Giáo sư Bùi Thị An cũng cho rằng, những vụ việc cán bộ cấp cao về hưu nhưng vẫn bị đưa ra xử lý vi phạm khi còn đương chức thể hiện rõ thái độ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc đấu tranh chống tiêu cực không có vùng cấm.

Tuy nhiên, việc để cán bộ về hưu mới phát hiện vi phạm, chứng tỏ công tác giám sát, hậu giám sát có vấn đề.

"Đặt câu hỏi, tại sao cán bộ vi phạm khi đương chức, nhưng đến khi về hưu mới phát hiện vi phạm?

Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải cho việc này, nhưng quan trong hơn cả là công tác giám sát, hậu giám sát cán bộ của chúng ta chưa ổn.

Cần xem xét lại công tác giám sát, hậu giám sát của chúng ta từ những vi phạm của cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao có vi phạm trong thời gian qua.

Hình như chúng ta bỏ lửng chuyện giám sát, hậu giám sát những công việc cán bộ khi còn đương chức, trong cả quá trình làm việc của họ", Phó Giáo sư Bùi Thị An nhận định.

XUÂN QUANG