Thông tư 33/2017/TT-BTMT, có hiệu lực từ ngày 5/12/2017, bổ sung thêm trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất.
Ngay sau khi thông tin sổ đỏ phải ghi tên các thành viên trong gia đình đã gây nhiều tranh cãi và nhiều ý kiến cho rằng, thông tư trên là một "hủ tục ngành tài nguyên". Bởi vừa qua Chính phủ đã và đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, bỏ sổ hộ khẩu mà thông tư mới lại ghi thêm thông tin vào sổ đỏ sẽ gây phiền phức và khó hiểu.
Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng, mục đích của việc ghi tên đầy đủ các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ sẽ giúp gì cho người dân hay chỉ làm vấn đề thêm phức tạp, người dân lại bị “hành” khi làm sổ đỏ, từ đó phát sinh những tiêu cực và cuối cùng vẫn người dân chịu thiệt.
Việc bổ sung thông tin các thành viên hộ gia đình trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 5 như sau:
“Đối với hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)".
Nhiều người lo lắng cho rằng, thông tư 33 của Bộ Tài nguyên và Môi trường bắt ghi đầy đủ tên thành viên trong gia đình vào sổ đỏ. Ảnh:C.F |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Mai Tiến Dũng chuyên về lĩnh vực bất động sản (Đoàn Luật sư Hà Nội) về quy định mới này.
Luật sư Mai Tiến Dũng cho rằng: “Thông tư mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường có một điểm mới so với các quy định cũ là ghi đầy đủ các thành viên trong hộ nông nghiệp được giao đất.
Trước đây, khi Nhà nước giao đất cho hộ nông nghiệp thì một người trong hộ kinh doanh đó sẽ đại điện đứng tên quyền sở hữu mảnh đất đó.
Nhưng với thông tư mới này, các thành viên khác trong gia đình từ lớn tới nhỏ sẽ cùng có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tránh việc xảy ra tranh chấp pháp lý sau này”.
Còn đối với tài sản riêng vẫn thực hiện theo quy định như cũ, tức chỉ cần ghi tên chủ hộ, sau này khi mua bán thì chủ hộ toàn quyền mua bán và sổ đỏ này không phải ghi tên các thành viên trong gia đình như con cái…”.
Để doanh nghiệp bòn rút tài sản nhà nước, tra tấn người dân - lỗi tại ai? |
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng: “Thông tư này không có gì mới so với các quy định cũ.
Trước đây, luật quy định hai điều khác nhau, một điều về tên vợ hoặc tên chồng làm chủ hộ, còn một điều về những ai có chung quyền sử dụng đất thì đều phải ghi thống nhất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thống tư mới bây giờ sẽ gộp hai điều này lại cho thống nhất.
Cách hiểu thông tư mới này quy định cứ sổ đỏ là mọi thành viên trong gia đình đều ghi tên vào là sai”.