Ngày 26/3/2016, Báo điện tử Laodong.vn trong bài: “"Di dời nhà dân, dành đất cho doanh nghiệp làm biệt thự": Thanh Hoá thu hồi đất có đúng luật?” nêu câu hỏi:
“Chính quyền tỉnh Thanh Hóa thu hồi đất của 28 hộ dân cho FLC xây dựng dự án khu đô thị mới có “vì lợi ích quốc gia, công cộng” hay không?”.
Bài báo nêu ý kiến của một người dân ở khu vực bị thu hồi:
“Bây giờ thu đất ở có sổ đỏ của chúng tôi rồi lại giao cho FLC làm nhà để kinh doanh bất động sản thì vô lý quá!”
Báo Tuoitre.vn viết:
“Hai dự án "khủng" về du lịch nghỉ dưỡng của FLC tại Thanh Hóa và Bình Định vừa bị thanh tra Bộ Xây dựng kết luận có nhiều sai phạm, từ chủ đầu tư đến Uỷ ban nhân dân tỉnh và các sở ban ngành”. [1]
Báo Nông nghiệp Việt Nam (Nongnghiep.vn) ngày 1/6/2017 trong bài “Vùng nguy hiểm dưới chân Dự án FLC Hạ Long” viết:
“Hãy khoan nói chuyện tập đoàn này phớt lờ hàng loạt quy định của pháp luật, sau hơn một năm, những hệ lụy từ dự án đang tra tấn người dân vùng phụ cận”.
Vậy FLC Hạ Long đã “tra tấn người dân vùng phụ cận” thế nào?
Báo Danviet.vn ngày 4/8/2016 viết:
“Để hàng nghìn m3 đất đá từ Dự án Quần thể Du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long trôi xuống gây ngập lụt khu dân cư nghiêm trọng, Tập đoàn FLC đã bị yêu cầu tạm dừng dự án.
Người đưa ra quyết định tạm đình chỉ là ông Phạm Hồng Hà - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hạ Long (Quảng Ninh)”.
Không những thế, như phản ánh trên báo Laodong.vn:
“Thành phố Hạ Long đã phải tức tốc tổ chức di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đối với 4 hộ dân thuộc khu 7 phường Hồng Hải, bởi lượng đất đá tràn xuống từ dự án sân golf của Tập đoàn FLC”. [2]
Sau mỗi trận mưa lớn, lượng bùn, đất lên tới hàng trăm m3 đổ tràn xuống các khu dân cư, đường giao thông dưới chân dự án FLC Hạ Long (tháng 8.2016). Ảnh: T.N.D (Ghi chú của báo Laodong.vn) |
Công ty cổ phần tập đoàn FLC được nêu trong hàng loạt bài báo kể trên kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, sàn giao dịch bất động sản, tư vấn đầu tư, và tư vấn tài chính doanh nghiệp, dịch vụ, du lịch, truyền thông, sân golf…
Đánh giá tổng thể hoạt động của Tập đoàn FLC, xin trích dẫn một phần tài liệu trên Từ điển Bách khoa toàn thư mở wikipedia.org: [3]
“Về phía Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, cơ quan thanh tra cho biết chủ đầu tư có nhiều sai phạm về quy hoạch xây dựng...
Đặc biệt, tại FLC Sầm Sơn, chủ đầu tư còn tổ chức thi công và đã đưa vào sử dụng khi chưa có giấy phép công trình khách sạn 7 tầng với tổng diện tích hơn 4.000m2.
Công trình khách sạn cao 15 tầng, diện tích hơn 75.000 m2, khu resort, hạ tầng kỹ thuật cũng được tiến hành thi công khi chưa có giấy phép.
Nhiều công trình không có nghiệm thu công tác phòng cháy chữa cháy.
Ô nhiễm môi trường dự án sân golf tại Quảng Ninh là trách nhiệm của FLC |
Tình trạng thi công khi chưa có giấy phép, chưa được phê duyệt đánh giá tác động môi trường, không có nghiệm thu công tác phòng cháy chữa cháy cũng xảy ra với một loạt công trình tại dự án FLC Quy Nhơn.
Đơn vị tư vấn, khảo sát, giám sát, nhà thầu thi công của 2 dự án này cũng được cơ quan thanh tra đánh giá là chưa có giấy phép…”.
Đến đây thì một vấn đề đã hiện rõ ràng mà bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy, đó là vì sao với nhiều sai phạm được báo chí phanh phui như vậy mà FLC vẫn tồn tại và càng ngày càng bành trướng sang nhiều lĩnh vực kinh doanh khác?
Chính quyền các địa phương, các cơ quan quản lý cấp bộ đóng vai trò gì trong việc góp phần vào sự lớn mạnh của FLC?
Đặt bối cảnh người dân thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) làm chuồng vịt trong vườn nhà bị chính quyền lập biên bản phạt 1,5 triệu đồng [4] bên cạnh những công trình rộng tới 75.000 m2 của FLC xây dựng khi chưa có giấy phép để thấy tiêu chuẩn kép mà cơ quan công quyền áp dụng đối với người dân gây nên bất bình đẳng xã hội như thế nào.
Vì sao những sai phạm trong xây dựng của FLC - trải rộng từ Quảng Ninh, Hà Nội đến Thanh Hóa, Bình Định,… lại chưa được các cơ quan công quyền xử lý dứt điểm trong thời gian dài như vậy?
Kỷ cương phép nước đang doanh nghiệp bị coi thường hay chính quyền đang tiếp tay cho sai phạm của doanh nghiệp?
Tại Hà Nội, việc băm nát quy hoạch Thủ đô có phải chỉ là sai phạm của bộ phận quy hoạch thuộc Ủy ban nhân dân thành phố hay cũng còn vì những “chiêu thức” mà các doanh nghiệp như FLC, Mường Thanh, Vinaconex 2,… vận dụng khiến các quan chức chính quyền không thể mạnh tay?
Theo quy định của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, huyện, xã chịu trách nhiệm cấp phép xây dựng trên địa bàn tùy thuộc vào hạng mục công trình (Nghị định 64/2012/NĐ-CP và các văn bản bổ sung), Sở Tài nguyên Môi trường quản lý đất đai, Sở Quy hoạch Kiến trúc quản lý quy hoạch (tại một số thành phố), Thanh tra xây dựng giám sát quá trình xây dựng công trình.
Làm được như FLC, Mường Thanh, Vinaconex 2,… rõ ràng cần đến sự “trợ giúp” của nhiều cơ quan quản lý.
Chỉ riêng tại Thủ đô Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ, trong giai đoạn 2002-2014 thành phố Hà Nội bị thất thu ngân sách ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng.
Số tiền mà ngân sách thất thu ấy liệu chỉ rơi vào túi nhà đầu tư hay còn chuyển sang các “túi” khác?
Việc một vài nơi chính quyền sử dụng lực lượng vũ trang cưỡng chế thu hồi đất liệu có phải chỉ do người dân thiếu hiểu biết dẫn đến chống lại quyết định của chính quyền hay còn bóng dáng của nhóm lợi ích khiến quyền của dân chưa được tôn trọng?
Để xảy ra tình trạng vi phạm quy hoạch tại bán đảo Linh Đàm, tại 80B Lê Trực, tại tòa nhà HH-01 dự án FLC Garden City [5] (do Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Alaska làm chủ đầu tư chưa có Giấy phép xây dựng nhưng đến tháng 4/2017 đã xây dựng tới tầng 18), … rõ ràng thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân Hà Nội mà cụ thể là lãnh đạo các sở, ngành được phân công quản lý?
Theo kết luận, hầu hết dự án ở giai đoạn này Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xác định giá tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư, đưa vào một số khoản chi không đúng quy định pháp luật, như chi phí dự phòng, thuế VAT, chi phí giải phóng mặt bằng… để giảm trừ.
Điều này dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi, trong khi ngân sách nước bị thất thu ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng. [6]
Trong kết luận đã công bố, “Thanh tra Chính phủ đề nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ.
Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, có biện pháp xử lý đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đối với những hành vi nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm, yêu cầu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý”. [6]
Chỉ mới thanh tra ở 38 dự án chọn mẫu (ngẫu nhiên?) trong tổng số 204 dự án (tỷ lệ 18,62%), đã phát hiện thất thoát ước tính tới 6.000 tỷ đồng, bình quân mỗi dự án thất thoát khoảng 158 tỷ đồng.
Giả sử mức độ thất thoát là tương đương tại tất cả các dự án thì số tiền ngân sách thất thu sẽ vào khoảng 32.200 tỷ đồng.
Số tiền này lớn gần gấp 3 lần số tiền mà doanh nghiệp thép Formosa đề bù cho bà con miền Trung (11.500 tỷ đồng) sau sự cố xả chất thải độc hại ra biển.
Liệu người dân có thể an tâm khi thiệt hại đã rõ ràng nhưng kết luận của Thanh tra Chính phủ về hoạt động quản lý của chính quyền Hà Nội chỉ mới dừng ở mức “yêu cầu kiểm điểm nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm” thì mới chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý”.
Công trường còn ngổn ngang, FLC Garden City đã ép dân nhận nhà |
Xác định thất thoát tới 6.000 tỷ đồng mà lại chưa dám khẳng định “có dấu hiệu tội phạm”, chưa dám đề nghị khởi tố vụ án?
Liệu có xảy ra chuyện sau khi “kiểm điểm” tất cả lỗi đều do điều kiện khách quan, do “hạn chế năng lực chuyên môn” và … hòa?
Hơn nữa, lãnh đạo Hà Nội giai đoạn 2002-2014 nhiều người đã nghỉ hưu, một số còn được trao huân chương vì thành tích công tác.
Nếu yêu cầu kiểm điểm thì kiểm điểm ai và ai đứng ra triệu tập những quan chức cấp rất cao (đã nghỉ hưu) ấy kiểm điểm?
Cần phải sòng phẳng thế này, lách luật là đặc tính cố hữu của doanh nhân, nói như một nhà giáo cao tuổi:
“Có ông xuất thân bình thường, nhưng sau vài chục năm có vài ba bốn tỷ đô-la Huê Kỳ, nếu không lách luật xin cứ xử nghiêm người viết bài này”. [7]
Vấn đề là nếu quan chức chính quyền không tiếp tay liệu luật có dễ bị lách?
Báo Vov.vn đưa tin, Hà Nội dự kiến xây thêm 5 cầu mới là “cầu Tứ Liên (17 nghìn tỷ đồng), cầu Đuống (6 nghìn tỷ đồng), cầu Trần Hưng Đạo (7 nghìn tỷ đồng), cầu Giang Biên (6 nghìn tỷ đồng) và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (2.466 tỷ đồng), tổng cộng khoảng 38 nghìn tỷ đồng.
Vì vốn đầu tư các dự án này quá lớn, ngân sách thành phố không làm được nên phải mời đầu tư theo hình thức PPP, BOT, BT. [8]
Nếu những người lãnh đạo Hà Nội giai đoạn 2002-2014 không làm thất thoát ngân sách như cách tính sơ bộ nêu trên (32.200 tỷ đồng) thì Hà Nội có đến mức phải đổi đất lấy hạ tầng cho 5 chiếc cầu dự kiến?
Khuyến khích doanh nhân đầu tư là chủ trương đúng nhưng có nên để cho những FLC, Mường Thanh, Vinaconex 2,… bòn rút tài sản nhà nước làm giàu cho doanh nghiệp bất chấp gây hại cho lợi ích của người dân và ngân sách địa phương?
Câu hỏi này không chỉ dành cho lãnh đạo Hà Nội mà cũng cần được Chính phủ trả lời.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tuoitre.vn/hai-du-an-khung-cua-flc-co-hang-loat-sai-pham-1356754.htm
[3]https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_ty_C%E1%BB%95_ph%E1%BA%A7n_T%E1%BA%ADp_%C4%91o%C3%A0n_FLC
[4]http://nld.com.vn/dia-phuong/lam-chuong-nuoi-vit-bi-phat-15-trieu-dong-20160806100536814.htm
[8]http://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-se-xay-them-cac-cay-cau-bac-qua-song-hong-song-duong-670392.vov