Hội thảo quốc tế phát triển năng lực trường sư phạm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 22/11.
Tại đây, Giáo sư Đinh Quang Báo đã có tham luận về nội dung bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Tòa soạn trích đăng tham luận này trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông mới đang được xây dựng.
Yêu cầu năng lực sư phạm đối với giáo viên khoa học tự nhiên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông cần:
Dạy Khoa học tự nhiên sẽ là giáo viên Vật lý, giáo viên Hóa học, giáo viên Sinh học.
Ở trung học cơ sở, dạy môn Khoa học tự nhiên có thể do một giáo viên đảm nhiệm (nếu giáo viên đó có đủ kiến thức chuyên sâu về Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc 3 giáo viên về 3 môn cùng phối hợp dạy.
Việc phân công dạy môn Khoa học tự nhiên có thể khác nhau, nhưng đều phải tổ chức dạy học tích hợp theo các nguyên lí tự nhiên và qúa trình khám phá tự nhiên.
Dạy Khoa học tự nhiên sẽ là giáo viên Vật lý, giáo viên Hóa học, giáo viên Sinh học.... (Ảnh minh họa: VTV.vn) |
Như vậy, điều quan tâm ở đây là người dạy phải có tri thức khái quát về các nguyên lí tự nhiên dù giáo viên đó có đủ chuyên sâu về cả 3 phân môn đó hay chỉ một trong ba.
Có thể đào tạo, bồi dưỡng giáo viên về 1 trong 3 chuyên ngành Vật lí, Hóa học, Sinh học vừa để dạy môn Khoa học tự nhiên ở trường trung học cơ sở, vừa dạy được các môn phân hóa chuyên sâu các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học ở trường trung học phổ thông.
Từ đó, Giáo sư Đinh Quang Báo đánh giá: “Luận cứ khoa học cho điều khẳng định này là: một chuyên gia Vật lí hay Hóa học hay Sinh học không thể không có hiểu biết đại cương về các nguyên lí, quá trình tự nhiên vì chỉ có thể có tri thức sâu một chuyên ngành trên nền tri thức rộng.
Hiểu biết một chuyên ngành khoa học, công nghệ phải vượt ra khỏi phạm vi chuyên ngành khoa học đó là yêu cầu của khoa học, công nghệ hiện đại”.
Cần phải làm rõ chủ trương tích hợp 3 thầy 1 sách |
Biết rộng cái khái quát để tìm hiểu sâu cáí chuyên ngành và tìm hiểu sâu để có tri thức rộng là quan hệ nhân-quả, là phẩm chất “2 trong 1” của nhà khoa học, là năng lực tất yếu phải có của người giáo viên khoa học trong nhà trường phổ thông thời đại công nghiệp 4.0, khi giáo dục tích hợp STEM, STEAM đang là xu thế giáo dục mới.
“Đội ngũ giáo viên của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới phần lớn đều được đào tạo chuyên sâu về một chuyên ngành của lĩnh vực khoa học tự nhiên, chỉ khác là giáo viên các nước tiên tiến thường được đào tạo có nền tri thức rộng ngay khi đào tạo chuyên sâu một chuyên ngành”, Giáo sư Báo nhận xét.
Học tập kinh nghiệm đó để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên khoa học tự nhiên có năng lực dạy học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trước mắt, trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần có nội dung đào tạo tri thức đại cương về khoa học tự nhiên, trong đó các nguyên lí tự nhiên và quá trình tìm hiểu tự nhiên phải là nội dung cốt lõi.
Trên cơ sở vốn tri thức đại cương đó, giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng năng lực dạy học môn Khoa học tự nhiên theo định hướng hình thành tri thức phổ thông, cốt lõi nền tảng ở giai đoạn giáo dục cơ bản và môn Vật lí, Hóa học, Sinh học theo định hướng phân hoá nghề nghiệp ở trung học phổ thông.
Bồi dưỡng sư phạm tích hợp cho giáo viên phải:
- Là nội dung cốt lõi vì giáo dục tích hợp là phương thức hình thành năng lực học sinh;
- Là cách giảm tải tích cực để tăng đồng thời cả chất lượng và khối lượng tri thức cho học sinh;
- Là con đường tích cực hóa hoạt động học;
- Là cơ sở để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông chia làm hai giai đoạn: giáo dục cơ bản và giáo dục phân hóa định hướng nghề nghiệp.
Từ đó, vị giáo sư này đưa ra công thức khái quát để hình thành năng lực cho học sinh bằng dạy học tích hợp là:
Năng lực = Kiến thức + Kỹ năng + Thái độ + Tình huống
Trong đó:
+ Kiến thức là hiểu biết về tự nhiên là nguyên liệu;
+ Kỹ năng là hoạt động gia công trí tuệ để kết nối kiến thức theo môt loogic nhất định;
+ Thái độ là điều kiện, động lực tâm lí của học sinh để tổ chức vận dụng kiến thức, kĩ năng đó;
+ Tình huống là nhiệm vụ nhận thức thường được biểu thị bằng câu hỏi, bài tập, bài toán dự án.
Như vậy, giáo viên có năng lực dạy học tích hợp là người biết lựa chọn kiến thức, kĩ năng và thiết kế tình huống nhận thức để tổ chức học sinh huy động, lựa chọn kết nối kiến thức, kĩ năng theo một logic nhất định để giải quyết vấn đề thỏa mãn nhu cầu nhận thức.