Tích hợp liên môn từ đình làng đến cửa sông, cửa biển

06/10/2017 07:11
Lại Cường
(GDVN) - Chủ trương tích hợp liên môn đã từng nổi sóng dư luận thời gian qua. Vẫn còn nhiều trường còn loay hoay trong việc dạy và học tích hợp môn đạt hiệu quả.

Tuy vậy, với cách tổ chức dạy và học tích hợp liên môn của trường Trung học cơ sở Trương Công Định (quận Lê Chân, Hải Phòng) có thể coi là điển hình về cách áp dụng sáng tạo trong việc dạy và học tích hợp liên môn.

Với mô hình mới, ban đầu tuy có nhiều bỡ ngỡ khi áp dụng thế nhưng từ tình hình thực tế địa phương cùng với sức sáng tạo nhiệt huyết của thầy và trò trường Trương Công Định, các mô hình dạy học tích hợp được sáng tạo, gần gũi, đạt hiệu quả cao.

Lớp học trải nghiệm ngay tại đình Kênh (Ảnh: Trường Trương Công Định)
Lớp học trải nghiệm ngay tại đình Kênh (Ảnh: Trường Trương Công Định)

Trong năm học 2016 – 2017, trường Trung học cơ sở Trương Công Định nhận danh hiệu tập thể xuất sắc, dẫn đầu khối Trung học cơ sở trong toàn quận, vinh dự nhận cờ thi đua “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm học 2016 – 2017”.

Trong những thành công nổi bật của trường có sự đóng góp của việc mô hình học dạy học tích hợp.

Thay vì những bài giảng “chay” trên lớp, các lớp học tích hợp liên môn được các thầy cô giáo dàn dựng thành những chuyên đề sâu sắc, sinh động và nhiều sắc màu.

Cô Nguyễn Thị Hồng Sim, hiệu phó phụ trách chuyên môn của nhà trường cho biết, ngay tại đình Kênh các lớp học theo chủ đề, tích hợp liên môn như Lịch sử, Địa lý, Mỹ thuật, Sinh học và Ngữ văn đều tổ chức bằng phương pháp mới cho học sinh.

Tích hợp liên môn từ đình làng đến cửa sông, cửa biển ảnh 2

Có rất nhiều những người thầy luôn hết lòng vì học sinh thân yêu

Nói về nội dung các chuyên đề, cô hiệu phó Hồng Sim cho biết, không chỉ là chuyến tham quan dã ngoại để nghe thuyết giảng, nhiều bài học được xây dựng thành sân khấu do chính các em nhập vai thành các nhân vật.

Trước đó, sau khi chọn đề tài, thầy cô giao nhiệm vụ cho các nhóm học sinh để các em tự tìm hiểu kiến thức cơ bản, rồi đưa học sinh đến các di tích. Cuối cùng, thầy trò cùng nhau chọn kịch bản, dựng hoạt cảnh, coi như một báo cáo về chuyên đề.

Lịch trình học được sắp xếp 1 tháng 1 lần học sinh sẽ được ra các khu di tích lịch sử để thực hành trò chơi dân gian, học viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ.

Trải nghiệm tại các di tích lịch sử đã tạo ra hứng khởi cho học sinh (Ảnh: Trường Trương Công Định)
Trải nghiệm tại các di tích lịch sử đã tạo ra hứng khởi cho học sinh (Ảnh: Trường Trương Công Định)

Từ các không gian di tích cụ thể các chuyên đề đã được chọn lọc và sáng tạo như: Tiếng trống Kim Sơn tổ chức ở đình làng Kim Sơn, xã Tân Trào nói về phong trào chiếm kho thóc của phát xít Nhật ở Kiến Thụy; Kiến Thụy xưa và nay ở Trường Trung học cơ sở Đại Hợp, (Huyện Kiến Thụy); Vương triều nhà Mạc ở Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc...

Cũng theo chia sẻ của cô hiệu phó Hồng Sim, các lớp học không bị bó hẹp ở trong các không gian di tích lịch sử mà nó còn mở rộng ra rất nhiều lĩnh vực khác. Những lớp học địa lý ngay tại cửa sông, cửa biển, bằng những ví dụ trực quan sinh động khiến các em rất hào hứng đón nhận khiến thức.

Không chỉ tích hợp môn khoa học xã hội tại các di tích, các môn khoa học tự nhiên còn được truyền tải bằng những phương pháp mới hết sức sáng tạo.

Các thí nghiệm về vật lý như sự dãn nở của kim loại, nhiệt, cũng được truyền tải bằng những chuyến đi thực tế. Các lớp học được tổ chức ngay tại đường ray, toa tàu hoặc xưởng sắt không còn là chuyện gặp đối với học sinh trường Trương Công Định.

Các môn học như Ngữ Văn, Giáo dục công dân cũng được thực hiện trải nghiệm tại làng trẻ SOS, trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội…

Tiếp thu bài học và thể hiện sinh động ngay trên sân khấu (Ảnh Trường Trương Công Định)
Tiếp thu bài học và thể hiện sinh động ngay trên sân khấu (Ảnh Trường Trương Công Định)

Những hoạt động học tập trải nghiệm tại khu di tích những di tích lịch sử ngay tại quê hương được học sinh các khối tiếp thu một cách chủ động.

Thầy cô góp lương tặng bảo hiểm cho học sinh nghèo

Ban giám hiệu trường Trương Công Định đã phát động chương trình san sẻ trách nhiệm bằng hình thức tặng bảo hiểm cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với hoạt động này, năm học vừa qua, các thầy cô trong trường đã trao tặng 25 thẻ bảo hiểm cho học sinh khó khăn. Đây là hoạt động vô cùng thiết thực của tập thể giáo viên trường Trung học cơ sở Trương Công Định. 

Để có được trương trình học như vậy, cô giáo Sim cho biết, trước hết, để các lớp học được thực hiện một cách nghiêm túc, thành công và tiết kiệm, nhà trường đã cùng ban phụ huynh đạt được sự đồng thuận cao.

Về mặt chuyên môn, phát huy tinh thần sáng tạo, dân chủ của các giáo viên, các buổi học liên môn được xây dựng giáo án từ đầu năm học nhằm phù hợp với cả khung chương trình học.

Nhờ những sáng tạo này, trường Trung học cơ sở Trương Công Định đã vinh dự có 2 thầy cô đạt giải nhất cấp thành phố và giải ba cấp quốc gia trong “Cuộc thi dạy học tích hợp”.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Đỗ Hồng Phong, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nếu nói các em tiến bộ như thế nào thì thú thực nhà trường chưa có đánh giá, tuy nhiên, nhìn vào kết quả của giáo dục năm học 2016 – 2017, thầy và trường Trung học cơ sở Trương Công Định lấy đó làm tự hào. Trong năm học vừa qua nhà trường không có học sinh bị hạnh kiểm trung bình và yếu về học lực có 2 học sinh xếp loại yếu còn kém là 0%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thái độ của học sinh cùng với sự hợp tác và giúp đỡ của phụ huynh học sinh, các hoạt động tích hợp môn ngoài trời như vậy nhà trường sẽ tiếp tục soạn ra những chuyên đề tốt hơn nữa nhằm phục vụ các bài học trên lớp.”

Cũng trong năm học 2016 - 2017 vừa qua, trường Trung học cơ sở Trương Công Định cũng đã được Ủy ban nhân dân quận Lê Chân tặng giấy khen đơn vị có thành tích Xuất sắc trong phong công tác Bồi dưỡng giáo viên giỏi, học sinh giỏi tại lễ Biểu dương toàn quận.

Trong năm học 2016 - 2017, tỷ lệ học sinh lớp 9 thi đỗ vào trường Trung học phổ thông hệ quốc lập (nguyện vọng 1 và 2) đạt 93%.

Học sinh thi đỗ vào trường chuyên năng khiếu Trần Phú có 10 em (Các lớp chuyên Văn, Anh, Lý, Sinh, Tự nhiên, Xã hội, Pháp)

Năm học 2017 - 2018 đã bắt đầu, thầy và trò trường Trương Công Định quyết tâm tăng cường kỷ cương, nề nếp trường học nhằm xậy dựng lớp học thân thiện nâng cao chất lượng giáo dục. 

Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học nhằm hình thành phát triển năng lực thực tiễn, phát huy tính chủ động sáng tạo trong học sinh, đổi mới kiểm tra theo hướng bám sát, chuẩn bị kỹ năng.

Theo thông tin từ hội đồng sư phạm của trường, trong năm học 2017 - 2018 này, hoạt động học tập tích hợp liên môn và học tập trải nghiệm của học sinh trường Trương Công Định đã được hoàn thiện từ khối 6 đến khối 9.

Đây là những con số rất đáng khích lệ của trường Trung học cơ sở Trương Công Định nói riêng và ngành giáo dục quận Lê Chân nói chung.

Lại Cường