LTS: Sau thông tin tỉnh Quảng Ngãi loại khỏi quy hoạch tất cả những người sinh từ 1976 tới nay chưa có bằng đại học chính quy, tác giả Sông Mã đã có bài viết chia sẻ quan điểm về giá trị của những tấm bằng chính quy và tại chức ở nước hiện nay.
Đồng thời, tác giả cũng cho rằng, giá trị hai tấm bằng được đặt như nhau sẽ là một điều hết sức vô lý.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mới đây, tỉnh Quãng Ngãi đã làm nức lòng dư luận khi đã loại khỏi quy hoạch tất cả những người sinh từ 1976 tới bây giờ chưa có bằng đại học chính quy, kể cả những người học tại chức nhưng đã có bằng thạc sĩ.
Tuy nhiên, việc làm này cũng nhận được không ít ý kiến phản đối, một số ý kiến khác cho rằng, việc tỉnh này đưa ra quy định nêu trên mang tính cực đoan và chưa toàn diện khi đánh giá, nhận xét bổ nhiệm cán bộ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cũng cho rằng, quan trọng nhất trong việc tuyển dụng hoặc bổ nhiệm cán bộ là việc đánh giá năng lực thực tế cán bộ đó qua kết quả công việc. Còn chuyện bằng cấp (tại chức hay chính quy) chỉ nên xem là điều kiện cần để tuyển dụng hoặc bổ nhiệm.
Cán bộ chưa tốt nghiệp đại học hệ chính quy bị loại khỏi quy hoạch ở Quảng Ngãi |
Ông cũng dẫn chứng thêm: "Ở nước ngoài, người ta không quan trọng chuyện bằng cấp trong tuyển dụng, bổ nhiệm.
Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm là những người đáp ứng được mục đích, yêu cầu công việc thông qua thi tuyển”.
Những ý kiến trên có phần đúng, có điều nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ có lẽ chưa hiểu rõ việc học đại học tại chức hay từ xa của chúng ta dễ dãi như thế nào.
Đối tượng công chức, viên chức cấp xã phường trước đây đi học tại chức phải đến 90% (nếu không muốn nói hiều hơn thế) là con cha cháu ông, chí ít cũng có mối quan hệ “dây mơ rễ má” hoặc có tiền.
Con đường đến với tấm bằng tại chức của một số cán bộ xã phường
Cán bộ xã phường nơi tôi ở hiện nay và một số địa phương lân cận hầu như đều có bằng đại học hệ tại chức hoặc từ xa mà tốt nghiệp toàn chuyên ngành “đỉnh” như Đại học Kinh tế, Đại học Luật…
Một số đồng nghiệp của tôi trích ngang lý lịch từng người như sau:
“Anh Dũng - Bí thư Đảng bộ phường trước đây mới học hết lớp 7 rồi ở nhà. Anh Tuấn - Chủ tịch phường học hết lớp 9 thi rớt lớp 10. Chị Mai - Chủ tịch hội phụ nữ xã học hết lớp 12 thi không đỗ tốt nghiệp. Anh Hùng - Chủ tịch Hội đồng nhân dân học hết lớp 12 thi không đậu đại học…
Anh Dũng, Tuấn đi học bổ túc dạng 2 năm 3 lớp, chị Mai thi lại tốt nghiệp…dù chưa có bằng 12 nhưng nhờ có mác con cán bộ, người nhờ mối quan hệ…nên đều xin vào làm ở xã với chân ban đầu là “điếu đóm”, sai vặt".
Khi có bằng tốt nghiệp 12, tất cả đều đăng kí đi học đại học như Đại học Luật, Đại học Kinh tế…
Bằng chính quy và tại chức một khoảng cách khá xa (Ảnh minh họa trên Báo cand.com.vn). |
Điều đáng nói là đi học nhưng vẫn thấy họ thường xuyên ở nhà. Có người bật mí “về làm lấy tiền chạy thầy là OK”. Có người chỉ phải học 2 ngày cuối tuần nhưng ra điểm danh xong lại chuồn về.
Ngày thi ai cũng mang hàng kí phao thi vào phòng để dở dở, chép chép. Họ bật mí rằng chắc chắn sẽ đỗ vì đề cương ra tóm gọn đến mức không thể gọn hơn.
Kiến thức ban đầu yếu, học hành lại chểnh mảng như thế thì hỏi rằng dù cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trong tay cũng có hơn gì khi chưa đi học?
Chỉ sau 2 – 3 năm nói là đi học ai cũng cầm tấm bằng đại học trên tay và con đường quan lộ bắt đầu thênh thang trước mắt.
Trước là vào quy hoạch nguồn, sau bắt đầu lên chức, từ phó bí thư đoàn xã, lên bí thư, rồi phó Chủ tịch, đến Chủ tịch…có người còn được rút lên huyện và trúng ngay những chức vụ cao nhất nơi đây.
Học chính quy hay tại chức thì đều được cấp một loại văn bằng |
Trong khi đó, những người học đại học chính quy, họ phải trải qua một quá trình miệt mài học tập. Thi đỗ vào những trường tên tuổi như Kinh tế, Luật…chẳng hề đơn giản.
Đỗ rồi còn phải mài đũng quần trên ghế hơn 4 năm trời. Ra trường còn trầy trật xin việc mãi chưa xong. Thế mà giá trị hai tấm bằng phải như nhau là một điều hết sức vô lý.
Đành rằng, trong thực tế, “có những người học tại chức nhưng khi đi làm việc thì công việc họ làm rất tốt.
Nhưng, cũng có những người tốt nghiệp chính quy bằng giỏi nhưng công việc thực tiễn chưa chắc đã tốt, bởi ngoài kiến thức được đào tạo trong trường, nó phụ thuộc vào năng lực thực tiễn cá nhân nữa”.
Nhưng đó chỉ là số ít. Bởi muốn làm tốt việc gì chúng ta cũng cần phải có nền tảng kiến thức vững vàng.
Còn kiểu học cho có, học để hợp thức hóa tấm bằng vì những mục đích khác phần lớn hiệu quả công việc mang lại không cao.
Tài liệu tham khảo:
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Can-bo-chua-tot-nghiep-dai-hoc-he-chinh-quy-bi-loai-khoi-quy-hoach-o-Quang-Ngai-post181590.gd