Bảo kê nhà trẻ, bạo hành mầm non và bài toán thanh kiểm tra

03/12/2017 08:03
Nguyễn Cao
(GDVN) - Phải triệt tiêu được những người “tay trong” của ngành để công tác thanh, kiểm tra đi vào quy củ và thực hiện được đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

LTS: Sau hàng loạt những vụ bạo hành trẻ em đã và đang diễn ra trong thời gian qua, tác giả Nguyễn Cao thẳng thắn cho rằng, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác thanh, kiểm tra tại các cơ sở giáo dục chưa được đảm bảo, vẫn còn diễn ra mối quan hệ “tay trong” của nhiều vị lãnh đạo ở các ngành, địa phương.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Câu chuyện bạo hành tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh ở phường Hiệp Thành, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh đã khiến dư luận căm phẫn về những hành động thiếu tình người của những “cô giáo” đang làm thiên chức nuôi dạy trẻ của cơ sở này.

Tại sao khi tiếp nhận thông tin từ quần chúng, các cơ quan chức năng đi kiểm tra lại không phát hiện ra những sai phạm? Phải chăng, các khi các cơ quan chức năng kiểm tra vẫn còn ẩn chứa một điều gì uẩn khuất ở bên trong?

Hình ảnh bạo hành trẻ mầm non tại cơ sở Mầm Xanh, ảnh chụp màn hình clip của báo Tuổi Trẻ, nguồn: VOV.
Hình ảnh bạo hành trẻ mầm non tại cơ sở Mầm Xanh, ảnh chụp màn hình clip của báo Tuổi Trẻ, nguồn: VOV.

Người Việt Nam ta từ thời xa xưa đã đúc kết ra kinh nghiệm sống cho đến tận bây giờ vẫn còn đúng, đó là “đi buôn có bạn, đi bán có phường” và phải chăng đó đã là quy luật sống cho tất cả mọi người khi muốn phát triển và tồn tại với đời?

Vì thế, mà trong ngành giáo dục mỗi lần có đoàn thanh, kiểm tra thì phần nhiều các nhà trường, các cơ sở giáo dục đều đã có sự chủ động từ trước.

Các cuộc điện thoại báo tin của những người trong cuộc đã giúp cho các cơ sở giáo dục có đủ thời gian để chuẩn bị và đối phó một cách tốt nhất có thể.

Những biên bản, những báo cáo về việc thanh kiểm tra phần nhiều đều thấy tốt đẹp, đều hoạt động đúng quy định, không có vi phạm.

Thế nhưng, đến khi báo chí vào cuộc hoặc phụ huynh lên tiếng thì mọi người đều “ngớ người” về những sự thật được phơi bày.

Và cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh vừa qua là một ví dụ điển hình về sự bất cập trong công tác thanh, kiểm tra hiện nay của một số cơ quan chức năng sở tại.

Nói về công tác kiểm tra của cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh đã nói với báo chí:

“Đau lòng quá, tại đơn vị này, đầu năm tới nay, chúng tôi vừa phối hợp với phường đi kiểm 2 tra lần. Một lần vào tháng đầu tháng 9 và một lần vào ngày 22/11.

Tức là chỉ cách thời gian sự việc này bị “bung” ra đúng 4 ngày. Chúng tôi đã nhắc nhở một số điều họ thực hiện không đúng" [1].

Chính vì việc kiểm tra không thấy dấu hiệu vi phạm nên ông Hùng còn cho biết thêm:

“Khi đoàn kiểm tra đến, các cô giáo khá xởi lởi, tế nhị, niềm nở, vui vẻ và trông rất hiền từ” [1].

Bảo kê nhà trẻ, bạo hành mầm non và bài toán thanh kiểm tra ảnh 2

Bàn thêm về chuyện Phòng về thanh tra

Và rõ ràng những kịch bản như thế này rất khó để các đoàn kiểm tra có thể tìm ra những sai sót của các cơ sở giáo dục sai phạm. 

Tuy nhiên, dư luận sẽ đặt câu hỏi:

Tại sao công tác kiểm tra của Phòng giáo dục và địa phương lại được thông tin trước đến cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh?

Bởi, chủ cơ sở này đã chủ động nhắc nhở nhân viên của mình để đối phó với đoàn:

"Ngày 22/11 trước lúc Phòng giáo dục quận 12 tới kiểm tra đột xuất bà Linh đã nhận được tin và tìm cách đối phó.

Các bé được đánh thức lúc 14h để rửa mặt, chải chuốt, sau đó ngồi vào bàn ăn xế. Khác với mọi ngày, hôm đó món ăn xế được nấu bằng mì tôm với rất nhiều thịt.

Để trình diễn với cán bộ kiểm tra việc các bé ăn ngoan, vệ sinh sạch sẽ, bà Linh dặn bảo mẫu: “Em cho bọn nó ăn vài miếng thôi rồi đổ dồn hết vào một cái tô mang ra sau, chồng tô không lên nha”…[1].

Phải nói rằng với dân số hàng chục triệu người như Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thì nhu cầu về trường mầm non là rất lớn.

Với khoảng 1800 cơ sở mầm non tư thục đang hoạt động đã và đang góp phần vào tình trạng quá tải của các trường công lập và nhu cầu gửi trẻ của thành phố.

Bởi, nơi đây là nơi tập trung của nhiều công ty, xí nghiệp nên số lượng công nhân của các nơi đổ về để làm việc rất đông. Vậy nên, phần lớn các em nhỏ con công nhân phải gửi ở các điểm trông trẻ tư thục.

Một phần, các cơ sở này không quá khắt khe về độ tuổi, cũng như không cần sự ràng buộc về hộ khẩu. Chính vì nhu cầu gửi trẻ cao nên các cơ sở mầm non tư thục cũng ra đời ở khắp nơi.

Hiện nay, để thành lập một cơ sở mầm non tư thục rất đơn giản: chủ cơ sở có bằng trung cấp sư phạm mầm non, có mặt bằng là có thể mở cơ sở. Vì đầu tư cũng không nhiều nhưng mang lại lợi nhuận cũng tương đối lớn và đều đặn nên nhiều cơ sở mầm non tư thục được ra đời.

Tại Điều 5, Thông tư số 13/2015/TT/BGDĐT ngày 30/6/2015, Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục đã phân cấp quản lý như sau:

1. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập thuộc loại hình tư thục.

2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.

3. Phòng giáo dục và đào tạo có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. [2]

Bảo kê nhà trẻ, bạo hành mầm non và bài toán thanh kiểm tra ảnh 3

Phòng về… thanh tra

Quy định là vậy, nhưng với hàng trăm cơ sở sở mầm non tư thục ở mỗi quận thì việc tham mưu và kiểm tra hết các cơ sở trong quận cũng không phải là một việc dễ dàng đối với một Phòng giáo dục.

Nhất là phần nhiều các cơ sở mầm non đều có một mối quan hệ “khăng khít” với một số lãnh đạo của ngành, địa phương.

Vì thế, chỉ cần Phòng lên kế hoạch kiểm tra là các cơ sở họ gần như đã nắm được những bước đi cụ thể của cán bộ kiểm tra và tìm cách đối phó một cách tốt nhất. Vậy nên, công tác kiểm tra các cơ sở mầm non tư thục rất khó tìm ra những sai sót để xử lí.

Nghi vấn cơ sở mầm non được báo trước khi đoàn kiểm tra đến đã được bà Nguyễn Thị Thu, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đặt vấn đề khi nạn bạo hành ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh xảy ra:

"Khi có đoàn kiểm tra tới, người ta sắp xếp đâu vào đó, cho bé ngồi hát, vỗ tay, rồi cho ăn bánh… Nhưng khi đoàn kiểm tra về rồi thì chuyện gì đã xảy ra?

Ngành giáo dục nói rằng có quy định không lắp camera ở các lớp để ảnh hưởng việc học hành của các cháu. Quy định đó là của bộ hay sở giáo dục thành phố?" [3].

Không phải đến bây giờ người ta mới đặt nghi vấn về những cuộc thanh, kiểm tra được báo trước khi đoàn đến.

Vì thế, muốn chống được tình trạng bạo hành trẻ thì không có biện pháp nào tốt hơn là lương tâm của những người đang trực tiếp nuôi dạy trẻ và cần nhanh chóng lắp đặt hệ thống camera ở các điểm giữ trẻ tư thục để phụ huynh và các cơ quan chức năng có thể giám sát được tốt nhất.

Đồng thời, phải triệt tiêu được những người “tay trong” của ngành để công tác thanh, kiểm tra đi vào quy củ và thực hiện được đúng chức năng, nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/bao-hanh-tre-em-o-tphcm-khi-di-kiem-tra-cac-bao-mau-rat-hien-tu-413241.html

[2]Thông tư số 13/2015/TT/BGD ĐT

[3]https://tuoitre.vn/lap-camera-toan-bo-cac-nhom-tre-de-ngan-bao-hanh-20171127155451796.htm

Nguyễn Cao