LTS: Trước những thông tin trong bài viết "Phòng về... thanh tra" của tác giả Nhật Duy, cô giáo Thuận Phương có chia sẻ một số ý kiến phản biện.
Theo cô Thuận Phương, việc thanh tra quá nhiều gây ra những áp lực nặng nề cho cả thầy và trò. Trong khi, nhiều vấn đề cần thanh tra như lạm thu, biển thủ công quỹ thì không được chú ý sát sao.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Trong bài viết “Phòng về… thanh tra” của tác giả Nhật Duy đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tác giả đã dẫn ra một số minh chứng cụ thể về những tồn tại của các trường học như nhà vệ sinh của trường hôi dơ, cửa sổ, các bức tường, trần lớp học không sạch sẽ, giáo viên không vào điểm thường xuyên, không sử dụng đồ dùng dạy học khi lên lớp…
Nhưng khi có thanh tra về mọi việc trở nên tốt đẹp hơn để chứng minh sự cần thiết của việc Phòng Giáo dục cần thường xuyên về thanh tra nhà trường.
Cũng là giáo viên từng chứng kiến biết bao lần Phòng, Sở về thanh tra trường mình và trường nhiều đồng nghiệp, tôi không đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết đưa ra vì nhiều lẽ.
Trước hết những tồn tại ở các trường mà tác giả nêu trong bài báo thuộc trách nhiệm của Ban giám hiệu, các tổ chức công đoàn, các đoàn thể trong nhà trường.
Cô giáo Thuận Phương cho rằng thanh tra quá nhiều gây áp lực cho cả thầy và trò. (Ảnh minh họa trên Chinhphu.vn) |
Để trường lớp bê bối như thế có thể nói họ đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Chỉ khi có thanh tra về mọi chuyện mới biến chuyển đã cho thấy họ luôn làm việc mang tính đối phó.
Vậy ai có thể dám chắc khi thanh tra đi rồi mọi chuyện không trở về như trạng thái lúc ban đầu?
Thanh tra Phòng, Sở về trường chủ yếu kiểm tra về chuyên môn như dự giờ thăm lớp, xem hồ sơ sổ sách của cá nhân, của đoàn thể.
Họ thường “ra quân” rầm rộ khoảng vài chục người làm việc theo kiểu “vạch lá tìm sâu” đã gây không ít căng thẳng, áp lực cho giáo viên.
Thành phần trong đoàn thanh tra cấp Phòng chủ yếu là Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng chuyên môn các trường.
Nói hoạt động thanh tra chủ yếu là “vạch lá tìm sâu”. Bởi, việc dự giờ góp ý xưa nay có muôn vàn chuyện để nói.
Mỗi Phó Hiệu trưởng chuyên môn ngoài những quy định chung phải tuân thủ mỗi người đều có cách chỉ đạo chuyên môn theo đặc thù riêng của trường để phù hợp với đặc điểm học trò của mình.
Nhưng không ít người dự thường góp ý, theo cảm nhận riêng của bản thân đôi khi là bắt bẻ sao không thế này mà lại thế kia…
(GDVN) - Dù không muốn, không thích nhưng rõ ràng việc thanh tra vẫn cần thiết và vô cùng quan trọng trong việc đổi mới giáo dục hiện nay. |
Họ vào từng lớp dự giờ, xem từng cái biên bản họp tổ, họp hội đồng để góp ý từng hành văn theo chủ ý riêng của người thanh tra và buộc nhà trường phải sửa đổi ngay sau đó.
Nhưng đến lần thanh tra khác, gặp người khác kiểm tra họ cũng lại bắt bẻ “sao lại làm như thế?”
Trong khi đó, hoạt động chuyên môn của nhà trường cứ 2 tuần tổ trưởng kí giáo án, nửa học kì Phó Hiệu trưởng kiểm tra.
Hàng tháng liên tục dự giờ thăm lớp từ cấp tổ đến cấp trường và liên trường trong toàn thị xã. Đó là chưa nói đến tổ cốt cán cũng thường xuyên ghé thăm trường và vào lớp dự giờ góp ý.
Với những quy định gắt gao về chuyên môn như thế thì giáo viên muốn “lười”, buông xuôi cũng khó có cơ hội.
Điều cần thanh tra lại làm sơ sài
Có thể nói hoạt động dạy và học của giáo viên luôn chịu áp lực từ chuyên môn trường, tổ cốt cán đến thanh tra Phòng, Sở…
Giáo viên và học sinh luôn quay mòng mòng với việc giảng dạy và đối phó với thanh tra cũng đã mệt bở hơi tai.
Trong khi đó, còn vô vàn chuyện đáng thanh tra lại bị bỏ lơ. Đó là chuyện lạm thu, biển thủ công quỹ ở các trường học lẽ ra phải được thanh tra thường xuyên để chấn chỉnh kịp thời nhưng chuyện này thường bị xem nhẹ.
Nếu có thanh tra cũng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa” cho có. Bởi từ trước đến nay đã có trường nào bị thanh tra mà phát hiện những tiêu cực về lạm thu, biển thủ công quỹ?
Giảm việc thanh tra chuyên môn cấp Phòng cũng là giảm áp lực cho cả thầy và trò. Bởi chất lượng thật sự của học sinh không thể hiện ở việc đánh giá thông qua một tiết dự giờ hay xem hồ sơ sách.
Nếu cứ kiểm tra lắm, thanh tra nhiều như thế thử hỏi giáo viên còn thời gian nào đầu tư cho bài giảng?