Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành với một số thay đổi đáng chú ý như miễn học phí tới cấp trung học cơ sở.
Tuy nhiên, tại hội nghị “Đánh giá kết quả phối hợp công tác pháp chế giữa Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2017 nhằm hoàn thiện pháp luật về giáo dục”, diễn ra vào ngày 1/12, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục cần bổ sung miễn học phí ở cấp mầm non.
Theo ông Ngô Văn Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện toàn bộ cấp tiểu học ở nước ta không phải đóng học phí.
Còn cấp mầm non và trung học cơ sở vẫn phải đóng học phí, đi kèm với chế độ miễn giảm cho các hoàn cảnh khó khăn được quy định trong danh mục.
Tuy nhiên, chính sách học phí hiện nay bộc lộ một số hạn chế.
Đề xuất miễn học phí cho trẻ mầm non học trường dân lập (Ảnh minh họa: Báo Gia Lai) |
Cụ thể, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, khoản 2 điều 11 quy định:
Nhà nước thực hiện chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Nhưng hiện nay chỉ mới thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh tiểu học. Các cấp học còn lại vẫn phải đóng học phí.
Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là học sinh vùng núi, vùng khó khăn.
Hiện nay, các gia đình học sinh ở vùng nông thôn, vùng núi có thu nhập tương đối thấp, mặc dù mức thu học phí không cao nhưng cũng gây khó khăn cho các gia đình.
Nếu miễn học phí thì nhà trường có được hỗ trợ ngân sách bị hụt? |
Ngoài ra, cử tri cả nước thông qua các đại biểu Quốc hội cũng mong muốn được miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở...
Để chuẩn bị cho đề xuất miễn học phí cấp trung học cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu tại 18 nước, đại diện cho 4 châu lục.
Các nước được nghiên cứu có thu nhập thấp, thu nhập cao, thu nhập trung bình.
Trong đó, 4/18 nước miễn hoàn toàn học phí đối với tất cả các cấp học.
Có 6/18 nước miễn học phí hoàn toàn cho học sinh mầm non.
Có 18/18 nước miễn học phí hoàn toàn cho học sinh tiểu học.
Có 11/18 nước miễn học phí hoàn toàn cho cấp trung học cơ sở.
Có 8/18 nước miễn học phí hoàn toàn cho cấp trung học phổ thông.
Như vậy, nghiên cứu của các nước cho thấy, có 33% các nước miễn học phí mầm non, 61% các nước miễn học phí cấp trung học cơ sở và 44% các nước miễn học phí hoàn toàn cấp trung học phổ thông.
Về việc miễn học phí, tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Long - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam cho biết, phụ huynh học sinh mong chờ được miễn học phí từ lâu.
Nếu miễn đóng học phí thì nên mở rộng đối tượng miễn học phí đến cấp mầm non.
Học sinh giỏi không học sư phạm, có phải chỉ vì lương giáo viên quá thấp? |
"Nếu không phải tất cả trẻ mầm non thì ít nhất là đối tượng đang thực hiện phổ cập là trẻ mầm non 5 tuổi.
Hướng tới chúng ta sẽ phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ 4 tuổi vì vậy, chúng tôi cũng mong muốn mở rộng đối tượng không phải đóng học phí này.
Đối tượng này cũng đã được nhiều nước trên thế giới miễn học phí" - ông Long nói.
Còn ông Bùi Đình Thanh - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cho biết, ở Hà Nam, mỗi năm học phí cấp trung học cơ sở chỉ thu được 7,7 tỷ đồng, trong khi đó đóng góp ngân sách toàn huyện đạt gần 500 tỷ đồng mỗi năm.
Vì vậy, việc miễn đóng học phí ở cấp trung học cơ sở không đáng bao nhiêu so với mức đóng góp nên việc miễn học phí là cần thiết. Điều này rất được người dân mong chờ và nếu có thể thì nên mở rộng thêm cả cấp mầm non.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định, hiện nay, ở một số tỉnh thành phố lớn, dân cư đông các trường công lập không đáp ứng được cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện cho học sinh học tập.
Nếu các cháu học sinh không vào được công lập, mầm non thì phải vào tư thục, dân lập thì số tiền phải đóng rất lớn.
Từ đó, ông Dũng đề xuất, cần phải hỗ trợ cho cả những học sinh thuộc diện được miễn học phí như trẻ mầm non mà phải học tại các trường tư thục, dân lập.
“Chúng tôi rất kì vọng vào sự thay đổi của Dự thảo luật lần này. Về vấn đề học phí, tôi đồng tình và đề xuất mở rộng diện miễn học phí ra cả cấp mầm non.
Số tiền đóng góp từ học phí (miền núi hiện chỉ 35.000 đồng/học sinh và đồng bằng 150.000 đồng/học sinh), con số rất nhỏ nên Bộ cần xem xét lại", ông Dũng nói.
"Chúng tôi tính chi phí giáo dục cho một học sinh khoảng 1,5 triệu mỗi cháu ở trường công lập, gồm lương, cơ sở vật chất, chi thường xuyên thì có thể hỗ trợ 1 phần số tiền này cho các cháu học ở trường tư thục, dân lập", ông Dũng nêu ý kiến.