Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã lạc hậu, lỗi thời

02/12/2017 06:38
Bùi Nam
(GDVN) - Mặt bằng kinh tế chung của các gia đình ngày càng khá lên, chính sách miễn học phí không còn đủ kích thích những học sinh giỏi vào ngành sư phạm.

LTS: Bàn về vấn đề đào tạo sư phạm, thầy giáo Bùi Nam cho rằng chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã lạc hậu.

Trong bài viết này, thầy Bùi Nam sẽ đưa ra một số giải pháp để thu hút sinh viên giỏi theo ngành sư phạm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chính sách miễn học phí, được hỗ trợ cho mượn sách giáo khoa, trang bị các thiết bị phục vụ học tập, nghiên cứu, kể cả thực tập sư phạm,… cho sinh viên các trường sư phạm để trở thành giáo viên tương lai là chính sách nhân văn, nhân đạo, đúng đắn của Đảng và nhà nước áp dụng hơn 20 năm qua.

Thực tế cũng chứng minh, trước đây chính sách trên đã thu hút rất nhiều học sinh giỏi vào các trường sư phạm.

Đầu vào các trường đại học sư phạm Thành Phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, hay các trường đại học sư phạm uy tín luôn rất cao, tỉ lệ chọi các trường sư phạm luôn luôn ở tốp đầu.

Các trường sư phạm luôn luôn là niềm hy vọng, ước mơ của các em học sinh giỏi.

Nhiều gia đình khó khăn, nhờ chính sách trên mà con em họ được đến trường, bớt đi phần gánh nặng cho gia đình, xã hội và sau đó trở những giáo viên giỏi, có nhiều cống hiến cho giáo dục.

Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã lạc hậu, lỗi thời. (Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)
Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã lạc hậu, lỗi thời. (Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)

Tôi còn nhớ những năm 2013 trở về trước, muốn vào các trường sư phạm rất khó khăn.

Có em 27 điểm/3 môn nhưng vẫn không đỗ vào sư phạm Toán, Anh văn,…

Những giáo viên ra trường đa số có việc làm và đáp ứng được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng sư phạm.

Nhưng hiện nay chính sách trên đã lạc hậu, lỗi thời không còn phù hợp.

Chính sách trên vẫn còn thực hiện nhưng việc nhiều trường cao đẳng sư phạm trên cả nước công bố mức điểm chuẩn 9 điểm/3 môn vẫn đỗ vào sư phạm (chưa kể điểm khuyến khích, ưu tiên) mà vẫn thiếu người học cho thấy dù học sinh vào sư phạm được hưởng nhiều ưu tiên trong đó có miễn học phí nhưng không mấy học sinh “mặn mà”, “thiết tha” thậm chí “thờ ơ”, “chán nản”.

Có một số học sinh vì không đủ điểm vào các trường khác nên vào học sư phạm chứ không phải do yêu thích nghề giáo, nên khi gặp nhau hỏi lý do đa số đều trả lời nguyên nhân là do “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

Thật đau xót cho môi trường sư phạm!

Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã lạc hậu, lỗi thời ảnh 2

Miễn học phí chỉ là góc nhỏ trong "cơn bĩ cực" của ngành sư phạm

Đội ngũ giáo viên không chỉ là những người có kỹ năng giảng dạy, yêu nghề, có đạo đức và quan trọng phải có kiến thức vững vàng.

Nhưng học sinh kiến thức chỉ khoảng 3 điểm/ môn mà vào sư phạm, thì rõ ràng các trường sư phạm có đưa “thần tiên” vào giảng dạy cũng không thể giúp những học sinh đó có kiến thức vững vàng để trở thành giáo viên giỏi, tốt.

Nguyên nhân…

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến tháng 12/2015 cả nước có hơn 35 nghìn giáo viên dư thừa, bên cạnh đó cả nước có hơn 120 cơ sở đào tạo giáo viên với tổng chỉ tiêu là hơn 65,323 chỉ tiêu.

Số lượng giáo viên trong cả nước đang dư thừa nhưng các trường sư phạm vì nhu cầu “để các giảng viên, giáo viên các trường sư phạm có việc làm” nên vẫn cứ ồ ạt tuyển sinh mà không theo nhu cầu của các địa phương.

Sinh viên sư phạm trên cả nước thất nghiệp còn rất nhiều, nhiều người làm trái ngành, nghề hay bỏ bằng sư phạm để làm công nhân, làm bồi bàn, phục vụ,…lãng phí rất lớn nguồn nhân lực sư phạm trong đó có rất nhiều em học giỏi, khá, tích cực.

Bên cạnh đó nhiều sinh viên ra trường thiếu kiến thức, kỹ năng nên không đáp ứng trong các kỳ kiểm tra, sát hạch hay phỏng vấn tuyển giáo viên.

Lương giáo viên mới ra trường quá thấp so với công sức các em bỏ ra cho việc học từ phổ thông đến cao đẳng, đại học.

Theo số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra mức lương khi giáo viên mới ra trường (lương bậc 1) của giáo viên mầm non, tiểu học theo là 3.264.300 đồng.

Nhưng tiền thực nhận của giáo viên chưa đến 2.500.000 đồng (sau khi trừ các khoản bảo hiểm, công đoàn, các khoản khác,…) nên không đủ để các em trang trải cho cuộc sống, học tập nâng cao trình độ chuyên môn,…

Kinh tế đất nước từng bước hội nhập và phát triển, kinh tế gia đình các em cũng khá lên, chính sách được miễn học phí không kích thích các em vào ngành sư phạm mà các em muốn có việc làm khi ra trường và nhận được đãi ngộ xứng đáng.

Do đó, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm là cần thiết, nhưng hiện nay đã không còn phù hợp cần phải thay đổi.

Giải pháp…

Tôi xin nêu ra ba giải pháp cơ bản để vừa tiết kiệm ngân sách, vừa kích thích các em học sinh giỏi vào các trường sư phạm như sau:

Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã lạc hậu, lỗi thời ảnh 3

Bốn giải pháp cứu ngành sư phạm của cô Phan Tuyết

Thứ nhất: Chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm là chính sách đúng đắn, nhân văn cần tiếp tục duy trì nhưng phải thay đổi từ hỗ trợ cho sinh viên đang học sư phạm sang hỗ trợ cho giáo viên mới nhận công tác trong ngành giáo dục.

Số liệu sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp, chưa có việc làm là rất nhiều.

Nếu tính trung bình học phí và các khoản hỗ trợ khác là 1 triệu đồng/tháng mỗi năm 10 tháng.

Nếu học đại học sư phạm là khoảng 5 năm thì mỗi sinh viên được miễn gần 50 triệu đồng.

Nếu tính chưa đầy đủ hiện nay có khoảng 26 nghìn cử nhân sư phạm thất nghiệp, chưa tính những giáo sinh mới vào trường bỏ nghề.

Tính như trên nhà nước bỏ ra số tiền rất lớn cho sinh viên sư phạm nhưng nhiều trường hợp “đổ sông, đổ biển” vì học xong các em không phục vụ trong ngành giáo dục có thể nói rất là lãng phí cả ngân sách và nhân lực.

Vấn đề này tôi xin đề xuất phương án như sau:

Sinh viên các trường sư phạm tự túc đóng đầy đủ học phí theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính, sinh viên có điều kiện khó khăn thì được ngân hàng cho vay bằng mức học phí (ngoài khoản cho vay tiêu dùng theo quy định).

Sinh viên ra trường đi dạy thì nếu công tác trong trường sư phạm ở phạm vi cả nước từ đủ 5 năm thì sẽ được hoàn trả lại 100% tiền học phí đã đóng (xóa 100% tiền đã vay) được nhận một lần hoặc trong 05 năm đầu công tác giáo viên mới mỗi tháng sẽ nhận thêm ngoài lương và một khoản hoàn trả từ học phí đã đóng tại trường sư phạm.

(Ví dụ sinh viên sư phạm học 5 năm đóng tổng học phí là 50 triệu đồng, thì khi đi dạy nhận lương và khoản hỗ trợ hoàn trả trong 5 năm đầu là 50 triệu đồng/60 tháng, khoảng hơn 800.000 đồng/tháng).

Điều đó góp phần cải thiện thu nhập của giáo viên mới ra trường, kích thích các em tích cực tìm việc làm, tránh tình trạng bỏ nghề vì nếu bỏ nghề thì sẽ không được hoàn trả học phí đã đóng.

Đây cũng là cách để chống lãng phí ngân sách bỏ ra cho sinh viên sư phạm nhưng không theo nghề.

Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã lạc hậu, lỗi thời ảnh 4

Nhân lực ngành sư phạm nhìn từ những con số

Thứ hai: Phải tăng thêm ngân sách cho giáo dục, bên cạnh việc tăng lương giáo viên phải đưa việc cải thiện cơ sở vật chất, trường lớp đảm bảo học sinh các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông được học ngày, giáo viên dạy ngày là mục tiêu quan trọng nhất, ưu tiên nhất và là việc cần làm ngay để tăng chất lượng xóa bỏ dạy thêm.

Ưu tiên nhận các sinh viên các trường sư phạm xếp loại giỏi, khá vào giảng dạy không để lãng phí và mai một nhân lực chất lượng cao.

Giáo viên chưa đủ chuẩn, không đạt yêu cầu có thể cho thuyên chuyển làm các công tác khác trong các đơn vị sự nghiệp công lập khác (Giao Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Huyện phối hợp Sở, Phòng Nội vụ thực hiện) hay cho tinh giảm biên chế.

Tăng biên chế giáo viên để đảm bảo dạy ngày và giảm sĩ số học sinh trên mỗi lớp học (hiện nay mỗi lớp có khoảng 45 – 50 học sinh trên lớp là quá đông không thể triển khai chương trình, phương pháp mới, tôi đề nghị các lớp tối đa không quá 35 học sinh)

Thứ ba: Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cấp phép việc đào tạo giáo viên về các trường sư phạm uy tín có thương hiệu như Đại học Quốc gia, các trường đại học uy tín,… không cấp phép đào tạo sư phạm cho các trường địa phương.

Chuyển giảng viên giỏi ở các trường địa phương nếu có nhu cầu về các trường sư phạm giảng dạy với nhiều chế độ đãi ngộ, thu hút.

Giao việc thống kê nhu cầu giáo viên cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gửi Bộ Giáo dục- Đào tạo để đào tạo theo nhu cầu.

Hạn chế đến mức thấp nhất sinh viên sư phạm thất nghiệp.

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cũng đã quy định lương giáo viên được xếp bậc cao nhất cũng là một cách nâng tầm vị thế người thầy, nâng tầm trường sư phạm.

Cùng với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục cộng với việc mỗi thầy cô giáo giữ gìn phẩm chất, đạo đức luôn luôn là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo, tôi tin rằng các trường sư phạm sẽ đào tạo lực lượng giáo viên có tài, có đức đáp ứng nhu cầu đổi mới và nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Lấy lại uy tín, thương hiệu của các trường sư phạm trong cả nước.

Bùi Nam