LTS: Xung quanh đề xuất đưa tác phẩm Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa Ngữ văn 11 đã có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau.
Tác giả Nguyễn Nguyên, một thầy giáo dạy văn ở bậc học phổ thông đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết thể hiện góc nhìn của mình về cách tiếp cận và phê phán vấn đề.
Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết này, nội dung và văn phong thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả.
Anh Nguyễn Sóng Hiền - một nghiên cứu sinh Trường Đại học Newcastle (Australia), gửi tới Báo Điện tử Vietnamnet bài viết đặt vấn đề không nên tiếp tục dạy tác phẩm "Chí Phèo" trong chương trình phổ thông.
Ý kiến của anh Hiền đã ngay lập tức trở thành đề tài tranh luận của nhiều người, đặc biệt là các thầy cô giáo đang giảng dạy, nghiên cứu bộ môn Ngữ văn.
Có một số ý kiến đồng tình với anh Sóng Hiền nhưng có vô vàn những ý kiến phản bác, không đồng tình.
Anh Nguyễn Sóng Hiền, ảnh: Báo Lao Động. |
Trong vô vàn những ý kiến như vậy, chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến những ý kiến của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và phó giáo sư Đỗ Ngọc Thống.
Sự lưu tâm của chúng tôi không chỉ bởi hai thầy đều là những người có học hàm, học vị cao, có vị thế trong giới nghiên cứu khoa học nước nhà;
Quan trọng hơn là hiện nay cả hai thầy đều đảm nhận một vai trò quan trong việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới.
Thầy Nguyễn Minh Thuyết là Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, còn thầy Đỗ Ngọc Thống là Tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới.
Phản biện học thuật phi học thuật
Trước “sự kiện” của anh Nguyễn Sóng Hiền đưa ra ý kiến nên đưa tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao ra khỏi chương trình Ngữ văn lớp 11, thầy Nguyễn Minh Thuyết đã đưa ra ý kiến ngắn gọn:
"Đây là một ý kiến non nớt, thô thiển, không đáng để dư luận và báo chí quan tâm bàn cãi" [1].
Khi trao đổi với thầy Đỗ Ngọc Thống, thầy Nguyễn Minh Thuyết đã phàn nàn: “Không hiểu sao bây giờ lắm kẻ muốn đốt đền quá” [2].
Và thầy Đỗ Ngọc Thống thì nêu quan điểm:
“Với tôi bài viết ấy không đáng bàn, vì hiểu về tác phẩm Chí Phèo như thế chứng tỏ trình độ tiếp nhận tác phẩm văn học của người viết rất thấp” [2].
Trước khi có ý kiến về những bình luận của thầy Nguyễn Minh Thuyết và thầy Đỗ Ngọc Thống, chúng tôi muốn nói thêm về nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.
Chúng tôi cho rằng đây là một ví dụ điển hình về sự khác biệt trong góc nhìn, nhận thức, quan điểm cần được tôn trọng, khi tác giả miêu tả Thị Nở xấu “ma chê quỷ hờn” lại “đần độn, dở hơi”, nhưng Chí Phèo vẫn yêu.
Nam Cao tôn trọng tình yêu ấy.
Dưới ngòi bút của mình, nhà văn Nam Cao đã miêu tả thị Nở như sau:
“Một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn.
Cái mặt thị thực là sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang hơn bề dài, thể mà hai má lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu má phinh phính thì mặt thị lại còn hao hao như mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng trên cổ người.
Cây đa, cây đề |
Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh như muốn chen lấn với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi; có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nẻ như rạn ra có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nở như rạn ra.
Ðã thế thị lại ăn trầu thuốc, hai môi dày được bồi cho dày thêm, cũng may quyết trầu sánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách. Ðã thế những cái răng rất to lại chìa ra: ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được một vài phần cho sự xấu.
Ðã thế thị lại dở hơi; đó là một ân huệ đặc biệt của Thượng đế chí công; nếu sáng suốt thì người đàn bà ấy sẽ khổ sở ngay từ khi mua cái gương thứ nhất.” [3]
Thôi thì, ta cứ cho rằng lúc Chí Phèo trở về nhà trong trạng thái say mèm thì mối tình với Thị Nở chỉ là chuyện một đêm đã đành.
Nhưng mấy ngày sau đó, Chí không say nữa, Chí đã tỉnh, đã nhận biết được mọi hoạt động đang diễn ra xung quanh mình vậy mà Chí vẫn yêu Thị Nở một cách đắm say.
Vậy chắc hẳn Thị Nở phải đẹp ở trong lòng Chí Phèo.
Mặc ai chê bai, ghẻ lánh Thị Nở, Chí vẫn nhìn thấy nét đẹp trong con người Thị Nở. Chí thích Thị Nở, chỉ đơn giản thế thôi.
Người lớn đang nghĩ thay, nói thay và làm thay học sinh?
Tác phẩm Chí Phèo từ lâu đã trở thành một tượng đài sừng sững trong kho tàng văn học nước nhà, xứng đáng là một kiệt tác của dòng văn học hiện thực phê phán.
Chính vì thế, khi ý kiến của anh Nguyễn Sóng Hiền đưa ra bị nhiều người phản bác là chuyện rất đỗi bình thường.
Thế nhưng bên cạnh vẫn có những quan điểm ủng hộ và xem đây là một đề xuất cần được lưu tâm trong bối cảnh dạy và học Văn hiện nay.
Là một độc giả và cũng là một giáo viên đang giảng dạy môn Ngữ văn ở trường phổ thông nên chúng tôi có phần băn khoăn về những ý kiến của thầy Nguyễn Minh Thuyết và thầy Đỗ Ngọc Thống.
Băn khoăn không phải ở chỗ chúng tôi đồng tình với đề xuất của anh Hiền, mà bởi lời nhận xét của hai thầy về anh Nguyễn Sóng Hiền khiến chúng tôi buồn man mác.
Xin hỏi tiếp Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về “tích hợp” 1 sách 3 thầy |
Theo thầy Đỗ Ngọc Thống, “dự thảo Chương trình Ngữ văn mới đã hoàn thành, chuẩn bị đưa lên mạng xin ý kiến rộng rãi”.
Đã "xin ý kiến rộng rãi" thì chắc chắn phải chấp nhận có khen, có chê, có đồng tình, có phản bác. Nếu thực sự có thành ý "xin ý kiến rộng rãi", chí ít các thầy cũng nên lắng nghe, đừng vội phản bác bằng những lời giàu cảm xúc.
Và điều này cũng đồng nghĩa với việc một khi đã lấy ý rộng rãi của dư luận thì chắc chắn sẽ có người ý kiến như thế này, người như thế khác.
Có người sẽ đồng tình với 6 tác phẩm bắt buộc mà ban soạn thảo đưa ra và chắc chắn cũng có người sẽ không đồng tình.
Ý kiến của anh Nguyễn Sóng Hiền dù khác biệt với số đông, nhưng cũng nên lắng nghe và tìm hiểu xem tại sao anh ấy đưa ra đề xuất này.
Trong bài phỏng vấn của Báo Dân Trí mà chúng tôi có dẫn ở đây, anh Hiền trần tình rằng dư luận đã hiểu sai ý mình.
Anh không phủ nhận giá trị văn học của tác phẩm Chí Phèo, mà cái anh hướng tới là đối tượng giáo dục - các em học sinh phổ thông trong xã hội hiện đại liệu đã đủ sẵn sàng đón nhận những tác phẩm như vậy?
Nói cách khác, cái anh Hiền quan tâm là đặc điểm tâm lý, đặc điểm xã hội của học sinh phổ thông và các nhà biên soạn sách giáo khoa cần có nghiên cứu kỹ lưỡng các đặc điểm này để lựa chọn, giới thiệu các tác phẩm phù hợp.
“Học sinh là trung tâm” từ lâu đã trở thành câu cửa miệng.
Nhưng các nhà hoạch định chính sách giáo dục, biên soạn chương trình sách giáo khoa đã có nghiên cứu nào đối với học sinh phổ thông xem các em mong muốn điều gì, yêu thích điều gì và không thích điều gì hay chưa?
Điều này đặc biệt quan trọng và cần thiết với tất cả các môn học, và với môn Văn lại càng quan trọng, cấp thiết hơn, bởi chúng ta vẫn nói Văn là Người.
Văn học liên quan đến sự cảm thụ cái đẹp, cái thiện, đến góc nhìn của mỗi cá nhân về xã hội, cuộc sống.
Những ngày qua các ý kiến tranh luận mới là của người lớn, chưa phải của các em học sinh.
Cho nên những đề xuất của anh Nguyễn Sóng Hiền thiết nghĩ cần được ghi nhận và xem xét một cách thấu đáo dưới góc độ tâm lý giáo dục, chứ không phải phân tích một tác phẩm văn học.
Nhân đề xuất của anh Hiền, chúng tôi đề nghị các nhà biên soạn chương trình, sách giáo khoa hãy công bố các kết quả nghiên cứu tâm lý giáo dục liên quan đến chương trình sách giáo khoa.
Hãy tìm cách hiểu trẻ em, hiểu học sinh trước khi viết sách cho các em.
Chúng tôi cũng mong sao có nhiều nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục lên tiếng, để chúng tôi được hiểu thêm tâm lý, mong muốn của trẻ em, của học sinh, thay vì người lớn ngồi tranh cãi.
Vài lời góp ý về văn hóa phản biện
Nhưng hai thầy Tổng chủ biên lại khiến những ai muốn góp ý với các thầy phải cân nhắc, đắn đo.
Bởi nếu ý kiến khác các thầy, biết đâu lại được thêm vào danh sách “kẻ đốt đền”, “non nớt, thô thiển” và “trình độ tiếp nhận tác phẩm văn học của người viết rất thấp” như anh Nguyễn Sóng Hiền đang phải gánh chịu?
Chúng ta hãy đọc lại những lời tự sự của thầy Thống- Tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới khi trả lời phỏng vấn của Báo Điện tử Vietnamnet:
“Tối hôm qua, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể) có phàn nàn với tôi rằng: “Không hiểu sao bây giờ lắm kẻ muốn đốt đền quá”.
Mong quý thầy làm chương trình, sách giáo khoa mới trung thực, trách nhiệm |
Tôi nói: Đốt đền cũng có năm bảy loại, có loại cố tình đốt đền để nổi tiếng, có loại chỉ là do vụng về, ngớ ngẩn mà làm cháy đền”.
Rồi thầy Thống đi đến đánh giá, nhận định về bài viết và trình độ của anh Nguyễn Sóng Hiền:
“Với tôi, bài viết ấy không đáng bàn, vì hiểu về tác phẩm Chí Phèo như thế chứng tỏ trình độ tiếp nhận tác phẩm văn học của người viết rất thấp”.
Cùng quan điểm với thầy Thống, thầy Thuyết chỉ nói một câu ngắn gọn khi trả lời phỏng vấn Báo Dân trí như sau:
"Đây là một ý kiến non nớt, thô thiển, không đáng để dư luận và báo chí quan tâm bàn cãi".
Có lẽ khi đọc được những ý kiến đánh giá của những “cây đa, cây đề” về mình như vậy thì anh Nguyễn Sóng Hiền sẽ bị tổn thương nhiều lắm.
Vô hình trung những câu nói như vậy của hai thầy Tổng chủ biên sẽ cản bước những người muốn đóng góp, phản biện cho việc thay sách giáo khoa trong thời gian tới.
Trong chương trình sách giáo khoa mới tới đây, tác phẩm Chí Phèo không phải là 1 trong 6 tác phẩm bắt buộc của chương trình Ngữ văn cấp phổ thông.
Điều này cũng đồng nghĩa với quyền lựa chọn của giáo viên và học trò.
Vì thế, theo chúng tôi những đề xuất của anh Nguyễn Sóng Hiền dù có “nghịch tai” đối với đa số người lớn chúng ta, nhưng biết đâu học trò sẽ có lựa chọn khác điều chúng ta vẫn nghĩ?
Đây vẫn là một vấn đề cần được lưu tâm.
Viết đến đây, chúng tôi lại nghĩ đến bài viết Lời cảnh cáo các nhà học phiệt của thầy Đoàn Lê Giang, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, đăng trên Báo Tuổi trẻ gần đây.
Trong bài viết này, thầy Giang có dẫn lại câu chuyện học giả Phan Khôi như sau:
“Năm 1930, trên Phụ Nữ Tân Văn (số 62 ngày 24-7), Phan Khôi lúc bấy giờ mới hơn 40 tuổi đã viết bài Cảnh cáo các nhà “học phiệt” nhắm tới Phạm Quỳnh, một học giả lừng danh bấy giờ.
Ông viết: “Học phiệt” là “Hạng người ấy ỷ có học rộng, tri thức nhiều, văn hay, trí thuật cũng khá, rồi tự coi mình như là bậc “thầy”, chẳng kể dư luận ra chi.
Đã hay rằng mình giỏi, song thế nào cho khỏi sự sai lầm, vậy mà họ tự phụ quá, cứ mạt sát hết.
Ừ, cái dư luận nào không chánh đáng, họ mạt sát chẳng nói làm chi; cái nầy, khi người ta công kích họ một cách chánh đáng, mà họ cũng làm thinh.
Làm thinh, không phải tỏ ra là họ phục; nhưng làm thinh, tỏ ra là họ không thèm nói với, thế mới đáng ghét.
Tôi dâng cho họ cái huy hiệu “học phiệt”, lấy nghĩa rằng họ có ý kế nghiệp nhau mà chuyên quyền trong học giới, cũng như bọn “quân phiệt”, đã nối nhau mà chiếm cứ đất đai và quyền chánh trị bên Tàu” [4].
Chúng tôi không có ẩn ý gì, ngoài mong muốn những ý kiến trao đổi học thuật xin hãy giữ sự thuần túy học thuật và đều được lắng nghe, tôn trọng.
Ở chừng mực nào đó, mỗi chúng ta đều có thể tự biến mình thành "kẻ học phiệt" lúc nào không hay, nếu những ý kiến phản biện khoa học vượt quá ranh giới của khoa học.
Muốn giáo dục thực sự phát triển, những người làm giáo dục phải học cách lắng nghe, tôn trọng các quan điểm khác biệt, tìm kiếm đồng thuận bằng lập luận khoa học, tinh thần khách quan và thái độ cầu thị.
Những miệt thị trên mạng xã hội thời gian qua xung quanh công trình khoa học của Phó giáo sư Bùi Hiền thiết nghĩ đã đủ để chúng ta nhìn lại cách ứng xử giữa con người với con người trong xã hội hiện nay.
Nếu chúng ta cứ mặc nhiên chấp nhận cách phản biện học thuật bằng lời lẽ phi học thuật nhưng lại thừa cảm xúc, công khai hoặc mang hàm ý miệt thị người khác ý kiến với mình, thì chuyện trò đánh thầy, con giết cha hay giải quyết tranh chấp bằng nắm đấm, con dao sẽ không còn là chuyện hiếm trong xã hội.
Tài liệu tham khảo:
[3] Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao
[4]https://tuoitre.vn/loi-canh-cao-cac-nha-hoc-phiet-1382197.htm