Mong quý thầy làm chương trình, sách giáo khoa mới trung thực, trách nhiệm

18/11/2017 06:43
Nhật Duy
(GDVN) - Trí thức là người luôn có thói quen lật lại vấn đề. Vì vậy, trí thức thường hay có ý kiến phản biện.

LTS: Xung quanh các tranh luận về chủ đề tích hợp 3 môn 1 sách trong chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy giáo Nhật Duy tiếp tục có bài viết phân tích những vấn đề cần làm rõ, rút kinh nghiệm từ chương trình - sách giáo khoa hiện hành.

Để rộng đường dư luận, Tòa soạn trân trọng gửi tới quý bạn đọc bài viết này và mong nhận được phản hồi từ Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng như quý thầy tham gia biên soạn chương trình.

Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Xin mời quý bạn đọc theo dõi!

Bài viết Mong Quốc hội giám sát, làm rõ kinh phí cho chương trình, sách giáo khoa của tác giả Hồng Thủy đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 01/1/2017 đã đưa ra rất nhiều những dẫn chứng, những con số cụ thể, khiến chúng tôi phải giật mình. 

“Giật mình” không chỉ vì ngân sách nhà nước đã đầu tư một khoản kinh phí khổng lồ mà còn bởi những sai sót, hạn chế của sách giáo khoa hiện hành. 

Liệu những hạn chế của sách giáo khoa hiện hành cũng như cách thay đổi chương trình và sách có được rút ra làm bài học cho chương trình và sách giáo khoa mới tới đây? 

Các thầy thí điểm “1 sách 3 thầy” lúc nào, ở đâu và kết quả ra sao?

Chúng tôi còn nhớ, trong bài Bốn câu hỏi về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa đăng tải trên Báo điện tử VnExpress ngày 10/11/2014, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - chủ biên sách Tiếng Việt, Ngữ Văn từ lớp 2 đến lớp 9 của chương trình hiện hành, cho biết: 

“Bộ sách giáo khoa hiện hành được dạy thử nghiệm 4 năm ở hàng trăm trường, với sự tham gia của hàng trăm nghìn giáo viên và học sinh mà khi triển khai còn bộc lộ nhiều hạn chế”. 

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể giới thiệu về chương trình mới, ảnh: Báo Điện tử VTV.vn.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể giới thiệu về chương trình mới, ảnh: Báo Điện tử VTV.vn.

Rõ ràng những băn khoăn của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết là hoàn toàn có cơ sở. 

Tiếc rằng, cũng thầy Thuyết khi làm Tổng chủ biên chương trình tổng thể mới thì dường như thầy đã quên ngay "cách làm thận trọng mà còn chưa ăn ai" của chương trình - sách giáo khoa hiện hành. 

Thầy giải thích có vẻ khá “xuôi tai”:

“Chương trình hiện hành trước khi triển khai áp dụng đại trà có từ hai đến ba năm thí điểm, sau đó có một năm chỉnh sửa rồi mới triển khai đại trà. 

Theo cách làm này, phải thí điểm cả những nội dung không khó, không mới, mất nhiều thời gian, công sức mà không tập trung được vào những vấn đề mới, vấn đề khó của chương trình mới. 

Nhằm khắc phục hạn chế này, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được tiến hành thực nghiệm ngay trong quá trình xây dựng chương trình. 

...Chương trình mới được thực nghiệm bằng các phương pháp sau: 

Thứ nhất, khảo sát thực tế trường phổ thông (đội ngũ giáo viên; nguyện vọng, khả năng và điều kiện của học sinh; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học…). 

Thứ hai, sử dụng phiếu điều tra cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. 

Thứ ba, phỏng vấn sâu giáo viên, chuyên gia giáo dục, học sinh, phụ huynh học sinh. 

Thứ tư, lấy ý kiến một số chuyên gia giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương thông qua hình thức hội thảo hoặc thư hỏi ý kiến. 

Thứ năm, lấy ý kiến rộng rãi chuyên gia giáo dục và các tầng lớp nhân dân. 

Thứ sáu, dạy thử một số nội dung mới, phương pháp mới.

Do không thực nghiệm toàn bộ chương trình nên đối với một số môn học có nội dung mới hoặc áp dụng phương pháp dạy học mới thì các nhóm xây dựng chương trình môn học biên soạn thành bài để dạy thử nghiệm, xem giáo viên thực hiện thế nào, học sinh học đạt hiệu quả ra sao,...

Việc thực nghiệm chương trình được tiến hành ngay trong quá trình xây dựng, hoàn thiện bản thảo chương trình tổng thể và bản thảo các chương trình môn học, có sự tham gia của các thành viên Ban phát triển chương trình tổng thể và Ban phát triển chương trình môn học.

Phạm vi thực nghiệm là một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đại diện 6 vùng kinh tế-xã hội trên phạm vi cả nước. [1]

“Nội dung mới, phương pháp mới” đã được các thầy “soạn thành bài” dạy thử nghiệm ngay trong quá trình xây dựng, hoàn thiện bản thảo chương trình như thầy Thuyết nói;

Vậy hà cớ gì đến giờ này các thầy không đưa ra nổi một ví dụ thuyết phục về tích hợp 3 môn Sinh - Lý - Hóa thành 1 sách Khoa học Tự nhiên?

Chương trình môn học chưa có, nhưng các nhà soạn sách đã làm xong sách giáo khoa "tích hợp" Lý - Hóa - Sinh thành Khoa học Tự nhiên để "thử nghiệm", nhưng vẫn 3 nội dung riêng biệt. Giá sách khá đắt. Ảnh chụp màn hình.
Chương trình môn học chưa có, nhưng các nhà soạn sách đã làm xong sách giáo khoa "tích hợp" Lý - Hóa - Sinh thành Khoa học Tự nhiên để "thử nghiệm", nhưng vẫn 3 nội dung riêng biệt. Giá sách khá đắt. Ảnh chụp màn hình.

Các thầy có phát phiếu điều tra, phỏng vấn sâu về vụ “tích hợp 1 sách 3 thầy” này không? Cùng với “hoạt động trải nghiệm”, đây là hai vấn đề mới toanh của chương trình mới. 

Nếu có, xin các thầy công khai số liệu về câu hỏi phỏng vấn, câu trả lời, số người tham gia và kết luận rút ra từ đó. 

Ngày 31/10 chúng tôi có bài viết: Xin hỏi tiếp Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về “tích hợp” 1 sách 3 thầy với những câu hỏi, vấn đề nêu ra rất cụ thể, chi tiết.

Tiếc rằng đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy Giáo sư và quý thầy biên soạn chương trình lên tiếng.

Nếu không có, thì chúng đành tôi xin lỗi quý thầy, đành phải nhắc lại lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết năm 2014 khi đánh giá dự thảo Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông để nhắn gửi quý thầy rằng, quý thầy đang tưởng tượng:

“Xét về hình thức, đây là một báo cáo khá chỉn chu, nhưng đọc kỹ nội dung thì có thể thấy hầu hết các tác động, nhất là tác động tích cực, đều là tưởng tượng của người viết báo cáo, không dựa trên cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn hay số liệu điều tra, thử nghiệm, khảo sát nào."

Giáo sư cảnh báo Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội:

“Tôi muốn cảnh báo để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và cả cơ quan trình đề án không bị “ru ngủ” vì câu chữ." [2]

Chúng tôi tự hỏi, phải chăng dư luận cũng đang bị "ru ngủ bởi câu chữ" của quý thầy?

Và điều lo ngại nhất, cũng như Giáo sư từng chia sẻ trên báo An ninh Thủ đô cũng về Đề án này năm 2014, đó là những người làm và ra quyết định thì không ai chịu trách nhiệm:

"Ở nước mình trước nay chả mấy ai phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai cả, ngay cả ông đương nhiệm còn chả chịu trách nhiệm nữa là ông về hưu!" [3]

Điều chúng tôi lo sợ hơn nữa, là khi triển khai một cách vội vàng chương trình sách giáo khoa mới, bao gồm 2 cái mới toanh và thử nghiệm “bí mật”, “chóng vánh” nói trên, kết cục thất bại là điều khó tránh.

Nhiều người đứng lớp như chúng tôi đã dự báo trước.

Nhưng dường như giáo viên chúng tôi cũng đã được các thầy lãnh đạo quản lý trên Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Tổng chủ biên rào trước đón sau để sang vai cho trách nhiệm nặng nề quá sức:

Mong quý thầy làm chương trình, sách giáo khoa mới trung thực, trách nhiệm ảnh 3

Thành bại của chương trình mới, xin đừng vội đá trách nhiệm xuống các thày cô

“Những người thật sự quyết định thành công của chương trình là giáo viên...

Điều mà tôi quan tâm nhất là giáo viên có sẵn sàng đổi mới không, xã hội có đồng thuận không.

Tôi nhớ trong những năm chiến tranh gian khổ, chúng ta đã đúc kết được chân lý này: 

“Dễ trăm lần, không dân cũng chịu. Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”.

Nói như vậy không phải là phó mặc mọi sự cho dân mà là đề cao yếu tố con người, yếu tố đồng chí, đồng tình.” [4]

Nghe thì êm tai, mà ngẫm sao cay đắng như lời cụ Tiên Điền:

Rằng hay thì thật là hay, 
Nghe ra ngậm đắng, nuốt cay thế nào.

Bởi những người “quyết định” như chúng tôi đặt câu hỏi không ai trả lời thỏa đáng mà chỉ loanh quanh luẩn quẩn với mấy lý luận cũ; hỏi cho rõ thì quý thầy im lặng. 

Đến giờ này chúng tôi không hình dung nổi mối liên quan để phải tích hợp Lý - Hóa - Sinh và Sử - Địa, các thầy cứ vòng vo, rồi im lặng.

Như thế, chẳng phải chúng tôi biết trước giáo giới sẽ phải thay các thầy gánh trách nhiệm nặng nề này sao?

Cung cách làm khoa học, làm giáo dục như vậy khiến chúng tôi thực sự lo ngại. 180 triệu đô la Mỹ các nhà dự án đi vay, nếu mất vẫn còn có thể kiếm lại được.

Nhưng tương lai con em nước nhà đặt cả vào tay các thầy thì sẽ ra sao? 

Xin nhắc lại bài học từ thất bại của chương trình - sách giáo khoa hiện hành để tránh vết xe đổ

Ngay sau khi áp dụng đại trà thì những bộ sách này đã có nhiều sai sót và hạn chế, để rồi Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục có những hướng dẫn điều chỉnh với một lí do “rất hay và thuyết phục” là…chuẩn bị cho chương trình sách giáo khoa mới.

Khi chương trình sách giáo khoa Tiểu học năm 2000 ra đời thì Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học lúc bấy giờ là Tiến sĩ Nguyễn Kế Hào đã đột ngột xin từ chức với một câu nói nổi tiếng: 

“Tôi từ chức vì không muốn làm điều thất đức”. 

Và Phó giáo sư Nguyễn Kế Hào còn cho biết thêm: 

“Tôi đã phản đối quyết liệt vì dự án chương trình bộc lộ rất nhiều sai lầm về cả tư duy khoa học cũng như tính thực tiễn.

Nó thực chất chỉ là phương tiện để một số người moi tiền của Nhà nước hơn là một công trình khoa học”. 

Bởi theo ông: 

“Bản chất của giáo dục là kế thừa + ổn định + đổi mới = phát triển. Mọi sự “gây sốc” chỉ làm tổn hại đến sự nghiệp giáo dục nước nhà.” [5] 

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kế Hào, ảnh: Xuân Trung / Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kế Hào, ảnh: Xuân Trung / Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Rõ ràng, những điều tiên liệu của Phó giáo sư Nguyễn Kế Hào ngày nay đã được thực tế chứng minh là đúng.

Sau khi sách giáo khoa cấp Tiểu học triển khai được 3 năm thì chiều 15/8/2005, tại Hội nghị tổng kết năm học 2004-2005, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ, thầy Nguyễn Minh Hiển đã dành hơn 1 giờ để mổ xẻ những yếu kém của ngành giáo dục. 

Trong Hội nghị tổng kết này, thầy Minh Hiển cảm thán: 

“Từ trước đến nay chúng ta vẫn nghe tiếng nói những người làm chuyên môn, những người biên soạn sách giáo khoa. Ý kiến này tốt, nhưng cần phải nghe dân, nghe dư luận. 

Tôi cho rằng, tiểu học hiện nay chắc chắn là quá tải, tình trạng quá tải này có lỗi của chương trình, sách giáo khoa." [6] 

Và sau đó, bắt đầu năm học 2005-2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức cắt giảm 15 % chương trình sách giáo khoa cấp Tiểu học. 

Cùng với việc giảm tải 15% nội dung kiến thức của sách giáo khoa là những hướng dẫn về việc thay đổi phương pháp giảng dạy, đổi mới trong thi cử thì những năm gần đây.

Sau khi nhập khẩu mô hình VNEN từ Colombia năm 2009, nhưng giữ nguyên nội dung chương trình, sách giáo khoa hiện hành, năm 2014 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT để hướng dẫn đánh giá chất lượng giáo dục. 

“Chiếc áo” mới đánh giá chất lượng giáo dục tuy đẹp, hiện đại nhưng lại quá “chật” khi khoác lên “cơ thể” chương trình - sách giáo khoa hiện hành đang béo phì, khiến cho những người phải mặc nó - thầy cô giáo dạy tiểu học toát mồ hôi, suốt ngày chỉ lo ghi chép sổ sách.

May nhờ có truyền thông phản ánh kịp thời và liên tục đấu tranh với những bất cập của Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT, mãi đến ngày 22/9/2016, 2 năm sau Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chịu sửa thành Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT. 

Nhưng chẳng thấy ai phải chịu trách nhiệm.

Phải nói rằng sự chỉ đạo thay đổi liên tục đã khiến cho giáo viên mệt mỏi và quá tải. Và, chính vì thế mà có lẽ câu nói của Phó giáo sư Nguyễn Xuân Hãn cho ta nhiều cung bậc cảm xúc về việc thay đổi sách giáo khoa: 

“Cứ đi tham khảo nước ngoài, thấy cái này, cái kia hay rồi nhặt về ghép lại thì không thể thành sách hay được.

Nhiều người cứ nói đó là hội nhập, đương nhiên phải hội nhập rồi nhưng không có nghĩa là bắt chước, chép lại...”

Trong khi đó, Phó giáo sư Nguyễn Kế Hào nhận định giáo dục của chúng ta không có tính kế thừa, phát triển không bền vững: “Người trước làm sai một ít, người sau chữa thì nó lại phát sinh ra cái sai khác.” [7]

Mong quý thầy làm chương trình, sách giáo khoa mới trung thực, trách nhiệm ảnh 5

Miếng bánh sách giáo khoa và thế chân vạc “chia ba thiên hạ”

Chính từ sự quá tải của chương trình sách giáo khoa nên đầu năm học 2005-2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã “đá quả bóng” phân phối chương trình các môn học lớp 1,2,3,4 về các địa phương với nội dung: 

“Tùy theo tình hình của từng địa phương, từng vùng mà có phương án giảm tải chương trình phù hợp, giáo viên phải chủ động.” 

Thầy Nguyễn Kế Hào đã phải lên tiếng: 

“Ở Việt Nam, phần đông giáo viên quan niệm chương trình và sách giáo khoa là là pháp lệnh, mà pháp lệnh thì phải tuân theo. 

Người viết chương trình, viết sách giáo khoa không xử lý nổi việc giảm tải thì làm sao mỗi giáo viên xử lý chính xác được? 

Nếu mỗi giáo viên xử lý theo một cách riêng của mình sẽ không còn chuẩn thống nhất, sẽ không giữ được chuẩn mực của giáo dục phổ thông.”[8]

Đối với sách giáo khoa phổ thông sau khi đưa vào giảng dạy đại trà cũng đã nảy sinh nhiều bất cập. 

Chính vì vậy, ngày 26/5/2008, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó, thầy Nguyễn Vinh Hiển đã ký Báo cáo số 146/BC/BGDĐT về kết quả đánh giá chương trình giáo dục và sách giáo khoa phổ thông năm 2008 gửi các Đại biểu Quốc hội. 

Trong bản Báo cáo này đã trình bày được những ưu điểm nhưng cũng đã chỉ ra nhiều những thiếu sót, hạn chế của sách giáo khoa năm 2000. 

Vì thế, bản báo cáo đã đưa ra 11 giải pháp trước mắt nhằm điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, đặc biệt là giải pháp thứ 2 và thứ 3: 

Rút bớt thời lượng học mỗi tuần bằng cách điều chỉnh thời gian nghỉ hè; chuyển một số môn học từ bắt buộc sang tự chọn bắt buộc, “tích hợp” môn Giáo dục công dân và Giáo dục ngoài giờ lên lớp. [9]

Cùng với việc cắt giảm về số tiết thì Bộ đã phát hành sách “Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng” cho tất cả các môn học vào năm 2010. 

Nhưng những cuốn “chuẩn kiến thức, kĩ năng” này viết rất sơ sài và chủ quan, áp đặt. 

Khi giáo viên thi giáo viên giỏi hay bị dự giờ mà chỉ đạt được như hướng dẫn “chuẩn kiến thức kĩ năng” đều bị góp ý là chưa đạt yêu cầu. Sự tréo ngoe này đang diễn ra ở các đơn vị cơ sở nhiều năm nay.

Ngoài ra, Bộ đã tiến hành tập huấn cho giáo viên về việc dạy tích hợp, dạy học theo chủ đề với một lí do rất thuyết phục là “chuẩn bị cho việc thay sách giáo khoa mới trong những năm tới”.

Vì thế, hàng loạt các cuốn sách tích hợp các môn học được ra đời và liên tục có những đợt tập huấn cho giáo viên và triển khai nội dung dạy học theo chủ đề qua mỗi năm học. 

Vậy tại sao đến bây giờ đã 17 năm trôi qua, chúng ta vẫn chưa chuẩn bị được đội ngũ chuyên gia “tích hợp”, để đến bây giờ mới “mời một số chuyên gia nước ngoài” sang giúp? [9]

Những thực tế này cho thấy, sách giáo khoa hiện hành của chúng ta có rất nhiều vấn đề mang tính hệ thống, mà chính các thầy tham gia biên soạn cũng đã phải kêu với truyền thông:

Chủ yếu là để tiện giải ngân tiền dự án mà thôi!

Bản thân chúng tôi đánh giá rất cao sự cương trực, thẳng thắn của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khi thầy còn làm Đại biểu Quốc hội.

Trong bài viết "Trí thức và một vài đặc điểm của trí thức" của thầy đăng trên tạp chí Tia Sáng ngày 23/7/2010, đặc điểm thứ 3 của người trí thức được thầy tổng kết:

“Trí thức là người luôn có thói quen lật lại vấn đề. Vì vậy, trí thức thường hay có ý kiến phản biện. 

"Chân dung học sinh mới" khi công bố chương trình tổng thể có 6 phẩm chất, 10 năng lực, khi được thông qua rút xuống còn 5 phẩm chất. "Chăm học" và "chăm làm" tích hợp thành "chăm chỉ". Ảnh: Báo Công lý.
"Chân dung học sinh mới" khi công bố chương trình tổng thể có 6 phẩm chất, 10 năng lực, khi được thông qua rút xuống còn 5 phẩm chất. "Chăm học" và "chăm làm" tích hợp thành "chăm chỉ". Ảnh: Báo Công lý.

Trong xã hội cũng như trong mỗi đơn vị, những ý kiến phản biện mang tính xây dựng đều có giá trị, ít nhất cũng giúp người được phản biện cân nhắc hoặc bổ sung, hoàn thiện chủ kiến của mình.

Nhưng ý kiến phản biện, nhất là những ý kiến quá thẳng thắn, dễ gây phản ứng tiêu cực.” 

Chúng tôi rất đồng tình với nhận định này, nên rất mong Giáo sư Tổng chủ biên và quý thầy tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới đại xá cho, nếu chúng tôi có hỏi "quá thẳng thắn".

Nhưng chúng tôi tin vào bản lĩnh của người làm khoa học của quý thầy, nhất là Giáo sư Tổng chủ biên.

Khi quý thầy đã nêu ra 2 trong 5 phẩm chất mà "người học sinh mới" phải đạt được là trung thựctrách nhiệm, thì có lẽ quý thầy sẽ không ngại trả lời những câu hỏi phản biện thẳng thắn, chân thành từ chúng tôi.

Thiết nghĩ, đó là cách để giáo viên chúng tôi phản biện tốt nhất, giúp chương trình hoàn thiện, nói như nhà binh là thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu.

Nếu có đắc tội với quý thầy mà có ích cho giáo dục nước nhà và con em chúng ta, chúng tôi cũng xin gánh lấy trách nhiệm ấy. Rất mong quý thầy hồi âm.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Thay-Thuyet-tra-loi-ve-tuoi-tho-chuong-trinh-moi-sach-Cong-nghe-giao-duc-post179001.gd

[2]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Toi-muon-canh-bao-de-Quoc-hoi-khong-bi-ru-ngu-vi-cau-chu-post149258.gd

[3]http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/se-co-nhieu-de-an-34-nghin-ty-dong-nua/547764.antd

[4]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/gs-nguyen-minh-thuyet-quan-tam-nhat-la-tinh-than-giao-vien-khi-trien-khai-chuong-trinh-pho-thong-moi-395729.html

[5]http://dantri.com.vn/xa-hoi/toi-tu-chuc-vi-bi-day-den-buoc-duong-cung-1155262308.htm

[6]https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/se-giam-tai-15-chuong-trinh-tieu-hoc-dieu-chinh-phan-ban-2039533.html

[7]http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/sgk-sai-nhieu-do-de-nguoc-20131019094151814.htm

4https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/giam-15-chuong-trinh-tieu-hoc-ai-thuc-hien-132551.htm&usg

[8]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Bao-cao-146-BC-BGDDT-ket-qua-danh-gia-chuong-trinh-giao-duc-sach-giao-khoa-pho-thong-2008-d-66412.aspx&h.

[9]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tong-Chu-bien-noi-ve-quan-diem-day-tich-hop-post180805.gd

Nhật Duy