Hiệp hội gửi Thủ tướng góp ý về quy định thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giáo sư

12/12/2017 06:15
Linh Hương
(GDVN) - Hiệp hội vừa có văn bản góp ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Theo đó, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có một số ý kiến sau: 

Một là, về tình hình bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư ở nước ta 

Ở Việt Nam, việc quản lý nhà nước về chức danh giáo sư, phó giáo sư thông qua các nghị định của Chính phủ (Nghị định số 153-HĐBT ngày 25/9/1989, Nghị định số 21/CP ngày 4/3/1995, Nghị định 20/2001/NĐ-CP ngày 17/5/2001) và Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ-174).

Các văn bản quy phạm pháp luật trên có những nét chính sau:

Thứ nhất, có một tổ chức giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc xét, công nhận hoặc huỷ bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. 

Tổ chức này có ba cấp hội đồng: Hội đồng giáo sư cơ sở, Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành và Hội đồng giáo sư nhà nước. 

Thứ hai, từ nhận thức giáo sư, phó giáo sư là “học hàm” (năm 1995) chuyển sang nhận thức giáo sư, phó giáo sư là “chức danh” (năm 2001). 

Cho dù như thế, xét về thực chất việc phong tặng chức danh giáo sư, phó giáo sư chủ yếu là để ghi nhận công lao, động viên giới trí thức trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc và tôn vinh các nhà giáo, nhà khoa học.

Hiệp hội gửi Thủ tướng góp ý về quy định thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giáo sư (Ảnh minh họa: báo Vietnamnet)
Hiệp hội gửi Thủ tướng góp ý về quy định thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giáo sư (Ảnh minh họa: báo Vietnamnet)

Thứ ba, từ 2009 đến nay việc phong tặng chức danh giáo sư, phó giáo sư được thực hiện theo Quyết định 174. Có sự khác biệt với thời kỳ trước là:

- Trước khi bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư có bước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư;

-  Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ đề nghị của cơ sở giáo dục đại học ra quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Thứ tư, từ ngày khai sinh Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho đến nay, tổng số giáo sư, phó giáo sư đã được phong và công nhận ở nước ta khoảng 12.000. 

Đây là một con số khích lệ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/3 con số trên làm việc tại các trường đại học. 

Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (năm 2015) cho hay: bình quân theo quốc gia, số lượng giáo sư, phó giáo sư trên 100 sinh viên của Việt Nam là 0,21. Con số này ở Cộng hòa Áo là 0,62, Liên bang Đức là 1,7. 

Cũng tiêu chí trên, ở Đại học Pittsburgh Mỹ (năm 2014) là 13,4, Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc (năm 2013) là 2,44, Đại học Quốc gia Hà Nội là 1,69, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là 0,42, Đại học Bách khoa Hà Nội là 0,84, Đại học Y Hà Nội là 2,7, Đại học Thái Nguyên  là 0,024 [*] . 

Rõ ràng ở Việt Nam chỉ có Đại học Y Hà nội có số lượng giáo sư, phó giáo sư ấn tượng; giá trị này đang là niềm tin của nhân dân Việt Nam và một số nước trên thế giới. 

Tóm lại, lượng giáo sư, phó giáo sư của nước ta đã ít nhưng phần lớn lại chưa được bố trí chức danh theo đúng nghĩa, vì thế các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đang ở tình trạng thiếu nghiêm trọng người dẫn dắt về học thuật.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến đại học Việt Nam tụt hậu.

Hai là, xu hướng chung của thế giới về chức danh giáo sư, phó giáo sư 

Thứ nhất, giáo sư, phó giáo sư là một chức vụ học thuật. 

Chức vụ giáo sư, phó giáo sư có vai trò lớn trong trường đại học, nó dẫn dắt chung về học thuật, đặc biệt là hướng dẫn nghiên cứu sinh, sinh viên trong nghiên cứu và kiến tạo các chương trình đào tạo mới. 

Hiệp hội gửi Thủ tướng góp ý về quy định thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giáo sư ảnh 2Cần đưa việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư và quy định bằng cấp vào luật

Cho nên nếu vị trí nào đó bị trống thì nhà trường kịp thời tìm người khác đủ năng lực để thay thế. Điều này rất rõ ở các nước Âu, Mỹ, Liên bang Nga…

Thứ hai, việc chọn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư là công việc của cơ sở giáo dục đại học, nó gắn với “thương hiệu” nhà trường; ở các nước tiên tiến, tiêu chuẩn xét công nhận, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư do các trường tự đặt ra; 

Ở rất ít quốc gia trên thế giới người ta qui định về tiêu chuẩn của giáo sư, phó giáo sư, nhưng hoạt động xét công nhận, bổ nhiệm họ vẫn để cho các cơ sở giáo dục đại học tự làm. 

Cấp nhà nước chỉ tái thẩm định hoặc kiểm tra ngẫu nhiên khi cần thiết nhằm bảo đảm rằng đại học làm đúng tiêu chuẩn đã qui định (thí dụ các nước như Ba Lan, Nga, Trung Quốc). Tiêu chuẩn chung có định tính là: xuất sắc trong giảng dạy, nghiên cứu. 

Tuy nhiên, nó có sự khác nhau về định lượng, nó tùy thuộc vào lĩnh vực, ngành, thậm chí đến chuyên ngành.

Ví dụ: Ở Anh cái định tính “nghiên cứu xuất sắc” hoặc “đóng góp đặc biệt xuất sắc trong giảng dạy”- là tiêu chí chung cho các trường, nhưng về mặt định lượng sẽ là khác nhau ở các trường đại học: Oxford, UCL, Liverpool, Glasgow... 

Việc xét bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư ở Anh thường có hai bước: bước đầu tiên là hội đồng khoa, sau đó là hội đồng trường. Ứng viên qua được hội đồng khoa là khó nhất vì các khoa đều phải tự cân đối thu chi, phong thêm một giáo sư, phó giáo sư là phải trả thêm lương vì chức vụ giáo sư, phó giáo sư gắn với quyền lợi; qua được hội đồng khoa lên hội đồng trường thì khả năng thành công tới 80-90% [*].  

Ở Mỹ “tiêu chuẩn là do mỗi trường đại học tự đặt ra và áp dụng”. “Trường Cao đẳng cộng đồng thì tiêu chuẩn thấp, trường Đại học nghiên cứu thì tiêu chuẩn cao. 

Trường càng nổi tiếng thì tiêu chuẩn càng cao”. Việc bổ nhiệm chức danh  giáo sư, phó giáo sư là  theo sứ mệnh của trường và cũng là từ nhu cầu xây dựng thương hiệu của trường.

Ở Hàn Quốc bắt buộc giáo sư, phó giáo sư phải có giảng dạy nhưng không quá khắt khe là phải hướng dẫn nghiên cứu sinh, cho dù hướng dẫn nghiên cứu sinh được điểm nhiều hơn dạy đại học; 

Và các tiêu chuẩn xét công nhận bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư cũng được định lượng khác nhau ở các ngành, chuyên ngành. Mỗi trường đại học đều có hệ thống tính điểm xét công nhận giáo sư, phó giáo sư, có điểm chuẩn riêng theo ngành.[*].

Ba là, sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ

Chính phủ Việt Nam có Nghị quyết về đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục đại học giai đoạn 2006-2020, trong đó chỉ rõ “Đổi mới quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư theo hướng giao cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn và điều kiện chung do Nhà nước quy định…” (Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005- NQ-14). 

Tinh thần đó được nhất quán trong các văn kiện đại hội Đảng, nhất là văn kiện đại hội Đảng lần thứ XI, XII với trục tư tưởng cốt lõi là “tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đào tạo” (Văn kiện tr.116), “phân định công tác quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục đào tạo” (Nghị quyết 29), cơ sở giáo dục đại học được tự chủ về bộ máy, nhân sự, đương nhiên có cả nhân sự giáo sư, phó giáo sư (Luật Giáo dục Đại học).

Bốn là, về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư 

Thứ nhất, những cải tiến quản lý đáng chú ý trong Dự thảo quyết định
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư theo hướng cải tiến các quy định của nhà nước. Trong dự thảo quyết định có những nét đậm sau:

a.  Quy định “Hiệu trưởng quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với ứng viên có đủ điều kiện, phù hợp với cơ cấu vị trí cần bổ nhiệm” (Khoản 4, Điều 29). Đây là một bước tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học.

Hiệp hội gửi Thủ tướng góp ý về quy định thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giáo sư ảnh 3Giáo sư không phải là cái mác gắn suốt đời!

b. Bổ sung nhiều quy định cụ thể về tiêu chuẩn. Đọc Chương II của Dự  thảo quyết định nhận thấy tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư được định lượng ở các hoạt động giảng dạy nghiên cứu đến nhóm ngành khoa học và chú ý tới những lĩnh vực đặc thù. 

Đặc biệt một số tiêu chuẩn liên quan đến bài báo, sách do nhà xuất bản uy tín trên thế giới đăng tải được nhấn mạnh. Những quy định này xét về mặt nâng cao chất lượng là cần thiết.

c. Bổ sung về: thủ tục làm hồ sơ, quy trình công nhận, bổ nhiệm (Chương II, Chương III). Những quy định này giúp cho các cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện tốt nhiệm vụ, nhất là các đơn vị còn non về nghiệp vụ quản lý.
 
Thứ hai, một số hạn chế đáng lưu ý trong Dự thảo quyết định

a.  Cơ quan quản lý nhà nước vẫn đảm nhiệm những phần việc chính thuộc quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, hạn chế quyền tự chủ toàn diện của cơ sở giáo dục đại học. 

Xin nêu vài hiện tượng:

- Vẫn là ba cấp hội đồng. Đó là: Hội đồng giáo sư cơ sở, Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành và Hội đồng giáo sư nhà nước. 

Vai trò của Hội đồng giáo sư cơ sở thực ra không mang tính quyết định. Thường thì cứ 100 ứng viên thì Hội đồng giáo sư cơ sở chỉ loại chưa đầy 10% còn Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành và Hội đồng giáo sư nhà nước đưa con số này lên xấp xỉ 25% [*].

Tiêu chuẩn rất tỉ mỉ, rõ ràng, ứng viên đã được Hội đồng giáo sư cơ sở bỏ phiếu thông qua với tỷ lệ cao mà vẫn phải bỏ phiếu lại ở Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành và Hội đồng giáo sư nhà nước. Điều này mang đến cảm nhận lá phiếu của Hội đồng giáo sư cơ sở không được tin tưởng.

- Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành đóng vai trò chính trong quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Tại Khoản 8, Điều 14 dự thảo quy định “Hội đồng giáo sư nhà nước có bộ phận giúp việc là Văn phòng và các Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành do Chủ tịch Hội đồng giáo sư nhà nước thành lập và quy định tổ chức và hoạt động”. 

Hiệp hội gửi Thủ tướng góp ý về quy định thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giáo sư ảnh 4Giáo sư, Phó Giáo sư có vai trò quan trọng với sự phát triển của đất nước

Cho dù giúp việc nhưng quyền của Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành được nâng lên, cụ thể:

+ “Xét và thẩm định hồ sơ của các ứng viên do Hội đồng giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư” (Khoản 2, Điều 17 dự thảo).

Trong khi đó quy định hiện hành chỉ cho phép “Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành thẩm định hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư” (Khoản 2, Điều 14, QĐ-174).

+ Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành ít nhất là 3, việc thẩm định ứng viên bằng bỏ phiếu với quy tắc “tín nhiệm” là 3/4 (Điều 21 dự thảo). Trường hợp Hội đồng này có 3 người thì nghiễm nhiên hóa ra 100%. 

b.  Chưa thấy những biện pháp bảo đảm sự phù hợp của các hội đồng trong bối cảnh mới.

Giáo dục đại học đang đối mặt với thời đại công nghiệp 4.0, một thời đại đặc trưng bởi sự đa dạng và thay đổi nhanh. Nhiều ngành học (và chuyên ngành) mới xuất hiện, nhưng khan hiếm chuyên gia có chuyên môn tương ứng trong các hội đồng giáo sư.

Tuy thế, trong Dự thảo quyết định chưa thấy những biện pháp ứng đối phù hợp. Điều này có thể dẫn đến trường hợp xét duyệt hồ sơ ứng viên không đi sâu vào thực chất mà chỉ cộng điểm quy đổi rồi bỏ phiếu. Như thế không phải lúc nào lá phiếu cũng có độ tin cậy như nó được ủy thác.

 c.  Nhận xét chung về dự thảo quyết định

Dự thảo quyết định vẫn cơ bản lập lại cách làm của Quyết định 174, nghĩa là cơ quan quản lý nhà nước (cấp trên) công nhận trình độ rồi cơ sở giáo dục đại học(cấp dưới) bổ nhiệm, giao nhiệm vụ. Cách làm này không thực hiện được Nghị quyết 14 và không phù hợp với xu thế cải cách hành chính và xu thế “cởi trói” đại học đang được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt thông qua việc triển khai Nghị quyết 77.

Năm là, một số ý kiến của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam 

Từ những phân tích trên, Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam xin có một số kiến nghị.

Những kiến nghị chung đến Thủ tướng Chính phủ khi chỉ đạo xây dựng phương án đổi mới: 

a.  Coi trọng kinh nghiệm quốc tế vì trải nghiệm của họ đã được thử thách qua nhiều thời gian và có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn. Nước ta chậm hội nhập quốc tế nên đã kém hiệu quả trong việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

b. Mạnh dạn giao cho các trường được tự lựa chọn, bổ nhiệm và giao nhiệm vụ cho giáo sư, phó giáo sư thích hợp với từng ngành của trường mình. Chính phủ đã  giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học (Hai Đại học quốc gia theo quy chế riêng, các trường đại học khác theo Nghị quyết 77).

Ở đó có những nhiệm vụ lớn lao, quan trọng, phưc tạp, khó khăn hơn nhiều so với việc lựa chọn, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Nhà nước không nên quá lo ngại mà do dự việc này. 

c. Có một hành lang pháp lý với những chuẩn mực tối thiểu đủ tin cậy, đồng thời có biện pháp giám sát, kiểm soát, thậm chí có chế tài nhằm tránh những tiêu cực, phòng ngừa hiện tượng coi nhẹ chất lượng; không vì thận trọng mà tiếp tục để Nhà nước ôm việc, làm thay cho các cơ sở giáo dục đại học. 

Những kiến nghị cụ thể đến Thủ tướng Chính phủ    

a. Ban hành Qui định về quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Trong đó qui định tiêu chuẩn tối thiểu, quy trình, thủ tục xét công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư; biện pháp giám sát, kiểm soát, thẩm tra, phúc tra thậm chí có chế tài nhằm tránh những tiêu cực...

b. Thực hiện một bước chuyển tiếp từ nay đến 2020 bao gồm:

- Cho phép các đại học (đại học quốc gia, đại học vùng), các trường đại học căn cứ vào Quy định do Thủ tướng Chính phủ ban hành, tự xây dựng phương án bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư của mình, đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo và tổ chức thực hiện. 

-  Cho phép Bộ Giáo dục và Đào tạo (Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước) tiếp tục chỉ đạo thực hiện Quyết định 174  đến hết năm 2020.

c. Từ năm 2021 tất cả các cơ sở giáo dục đại học  tự thực hiện chọn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư theo Qui định do Thủ tướng Chính phủ ban hành.  

Tài liệu tham khảo: 

[*]Những thông tin và số liệu được trích từ báo cáo của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước năm 2015, các góp ý của một số trường đại học hội viên  của Hiệp hội và một số nhà khoa học, nhà giáo...

Linh Hương