Quy chế số 4555 về đào tạo tiến sĩ của Đại học Quốc gia Hà Nội vừa được ký ban hành ngày 24/11 vừa qua.
Theo đó, về điều kiện dự tuyển yêu cầu người có bằng tốt nghiệp đại học chính quy ngành đúng từ loại giỏi trở lên.
Với yêu cầu bài báo, quy chế của Đại học Hà Nội cũng yêu cầu cụ thể phải là tác giả hoặc đồng tác giả tối thiểu 1 bài báo thuộc tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc 1 bài báo cáo khoa học đăng tại kỷ yếu hội nghị, hội thảo có phản biện, có mã số xuất bản ISBN liên quan tới lĩnh vực nghiên cứu, được hội đồng chức danh giáo sư, phó giáo sư của ngành/liên ngành công nhận.
Đối với những người đã có bằng thạc sĩ nhưng hoàn thành luận văn thạc sĩ với khối lượng học tập dưới 10 tín chỉ trong chương trình đào tạo thạc sĩ thì phải có tối thiểu 2 bài báo/báo cáo khoa học.
Đại học Quốc gia Hà Nội vừa chính thức ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ với nhiều nội dung đáng lưu ý. (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet) |
Về chương trình đào tạo tiến sĩ, ngoài các học phần bổ sung và học phần ở trình độ tiến sĩ và luận án tiến sĩ như quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì quy chế mới ban hành của Đại học Quốc gia Hà Nội bổ sung 2 nội dung quan trọng là nghiên cứu khoa học và tham gia sinh hoạt chuyên môn, công tác trợ giảng và hỗ trợ đào tạo.
Với nội dung nghiên cứu khoa học, quy chế quy định rõ: Đơn vị đào tạo có trách nhiệm tạo điều kiện về kinh phí và cơ sở vật chất để nghiên cứu sinh tiến hành các nghiên cứu cần thiết cho luận án.
Nghiên cứu sinh phải đảm bảo tính trung thực, chính xác, tính mới của kết quả nghiên cứu khoa học của mình, chấp hành các quy định về sở hữu trí tuệ của Việt Nam và quốc tế.
Và cũng giống như quy chế của Bộ, quy chế của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng yêu cầu nghiên cứu sinh công bố tối thiểu 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trên tạp chí khoa học chuyên ngành.
Trong đó tối thiểu có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI/Scopus hoặc 02 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có uy tín xuất bản bằng tiếng nước ngoài có phản biện, có mã số ISBN; hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín của nước ngoài.
Ngoài ra, điểm mới đáng chú ý trong quy chế của Đại học Quốc gia Hà Nội là bổ sung quy định với các nghiên cứu sinh là tác giả chính của tối thiểu 3 bài báo trên các tạp chí ISI với tổng chỉ số IF từ 3.0 trở lên và kết quả công bố phù hợp với đề tài nghiên cứu của luận án, được đặc cách bỏ qua quy trình phản biện độc lập.
Về tiêu chuẩn người hướng dẫn, quy chế yêu cầu người hướng dẫn chính phải chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư hoặc có học vị tiến sĩ khoa học với chuyên môn phù hợp với đề tài luận án hoặc lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh.
Quy chế của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng quy định rõ, đối với người có bằng tiến sĩ nhưng chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc học vị tiến sĩ khoa học, phải có tối thiểu 03 năm (36 tháng) hoạt động chuyên môn kể từ khi được cấp bằng tiến sĩ, thì được giao hướng dẫn phụ cho nghiên cứu sinh.
Trường hợp tiến sĩ có kết quả nghiên cứu xuất sắc (tác giả chính của 02 công bố ISI/năm liên tục trong 3 năm gần nhất), đơn vị đào tạo có thể đề nghị Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét cho phép làm hướng dẫn chính hoặc hướng dẫn độc lập tối đa 3 nghiên cứu sinh.
Bên cạnh đó, với tiêu chí về công bố khoa học, quy chế của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng yêu cầu rõ, các công bố này phải trong vòng 5 năm tính đến thời điểm được phân công hướng dẫn nghiên cứu sinh...