LTS: Mới đây trên các trang mạng xã hội xuất hiện hình ảnh chụp lại đề kiểm tra học kỳ môn Ngữ văn lớp 10 của một trường cấp 3 ở Phú Thọ.
Trong câu hỏi nghị luận của đề văn này, giáo viên đã tóm lược về nhân vật Chi Pu (một ca sĩ) và những lùm xùm trong giới showbiz liên quan đến cô ca sĩ này.
Theo đó, đề văn yêu cầu học sinh “Hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV “Từ hôm nay”.
Ngay sau khi đề văn này xuất hiện đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Trong vấn đề này tác giả Thu Lan đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ quan điểm.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Đề kiểm tra trước tiên phải mang tính giáo dục
Thoạt đọc đề kiểm tra liên quan đến nhân vật Chipu, việc đầu tiên của tôi là gõ lên Google xem đây là nhân vật nào.
Giáo viên ra đề kiểm tra trước tiên phải mang tính giáo dục, định hướng học sinh. Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn |
Việc ra đề gần gũi, dân sinh để các em học sinh được thỏa sức sáng tạo là đúng đắn. Nhưng nó phải làm sao phù hợp với từng lứa tuổi và thực sự mang tính giáo dục hướng tới những điều tốt đẹp.
Nếu lựa chọn nhân vật và diễn biến sự việc để đưa vào đề kiểm tra thì cần sử dụng những nhân vật điển hình.
Liệu rằng Chipu có phải là nhân vật phổ biến, điển hình mà các em học sinh cần phải biết đến hay không? Chắc chắc là không?
Đề cương, đề thi học kỳ, chủ quan, sơ suất và những bài học buồn |
Tôi đã hỏi cậu con trai học lớp 10 của tôi Chipu là ai con? Cậu con lắc đầu.
Khi giải thích sơ lược cô ấy là ca sĩ trẻ vừa ra mắt MV mới, cậu con trai tôi tiếp tục lắc đầu và hỏi lại “con không muốn quan tâm đến vấn đề này được không?”
Tất nhiên tôi hoàn toàn ủng hộ con vì theo cá nhân tôi, đó không phải là nhân vật điển hình trong xã hội, trong giáo dục để cần định hướng con mình quan tâm và tìm hiểu.
Với đề kiểm tra này, chỉ một bộ phận nhỏ học sinh quan tâm đến chuyện showbiz mới biết đến những cái tên xuất hiện trong đề văn như: Tóc Tiên, Thu Minh, Quốc Thiên, Văn Mai Hương…
Còn tôi tin chắc rằng, phần lớn các em khác không biết các nhân vật này là ai.
Vậy khi bắt gặp đề văn kiểu này, các em sẽ phải hướng sự quan tâm của mình đến các vấn đề thị phi của giới showbiz, phải quan tâm đến những lời “chửi xéo” mà giới nghệ sĩ ném về cô ca sĩ trong đề văn.
Điều đó là hoàn toàn vô bổ và mất thì giờ, không hề có tính giáo dục và định hướng giá trị nhân văn.
Hãy định hướng học sinh quan tâm tới những vấn đề nhân văn
Cách đây vài ngày tôi đã rất ấn tượng với đề kiểm tra môn giáo dục công dân tại một trường Trung học phổ thông ở thành phố Hồ Chí Minh.
Đề ra theo tinh thần Thông tư 22, thây và trò quay cuồng ôn tập |
Đề kiểm tra này đã đề cập tới các vấn nạn xã hội như: buôn bán hàng gian, hàng giả, vấn đề tham nhũng, nhận hối lộ và từ các vấn đề này đề cập tới chữ hiếu của người làm con.
Cụ thể, đề kiểm tra này nêu: "Hiện nay trong xã hội có những người dùng tiền thu lợi từ việc mua bán hàng gian, hàng giả; từ việc tham những, nhận hối lộ…để đem về phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ già. Họ nghĩ đó là cách để "báo hiếu" với cha mẹ của mình.
Theo em, việc làm trên thể hiện lòng hiếu thảo có hợp lý không? Vì sao? Em hãy liên hệ với bản thân mình bằng những việc nên làm và việc không nên làm để báo hiếu với cha mẹ ngay ở hiện tại và cả tương lai".
Cũng là một dạng câu hỏi để học sinh thể hiện chính kiến, quan điểm cá nhân xoay quanh các hiện tượng đang xảy ra trong cuộc sống.
Nhưng đây là một câu hỏi mang đầy tính nhân văn và đảm bảo yếu tố giáo dục.
Hiện tượng xã hội được nêu trong đề kiểm tra là những vấn đề nhức nhối cần quan tâm.
Có thể hiện tưởng đó chưa sự phổ biến đối với tất cả học sinh nhưng nó định hướng các em quan tâm đến những vấn đề tích cực.
Sự gần gũi hơn nữa trong đề kiểm tra này là vấn đề báo hiếu. Một vấn đề cốt lõi trong giáo dục nhân cách của học sinh.
Từ đó, thiết nghĩ, giáo dục luôn cần sự sáng tạo, tuy nhiên sự sáng tạo đó phải thực sự nghiêm túc, văn minh, định hướng học sinh tới những giá trị chân – thiện – mỹ.