LTS: Phản ánh những bất cập trong việc ngành giáo dục tỉnh Hải Dương bắt buộc các trường học phải lưu giữ bài kiểm tra của học sinh trong 5 năm, thầy giáo Hùng Phan mong muốn được cơ quan chức năng làm rõ vấn đề này.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hiện nay, ở Hải Dương, đi vào văn phòng các trường tiểu học, ai cũng thấy có một chiếc tủ lớn đựng bài kiểm tra của học sinh trong 5 năm.
Không hiểu các nhà trường buộc lòng phải làm trái Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT để thêm bao vất vả là do cấp Vụ yêu cầu hay chỉ là quy định mang tính ngẫu hứng của địa phương?
Các thầy cô giáo Tiểu học Hải Dương tha thiết mong Vụ Tiểu học và Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương làm rõ vấn đề này.
Nhà trường vốn đã nhiều hồ sơ, sổ sách, nay lại thêm gánh nặng
Ai cũng biết, không riêng gì Tiểu học mà các nhà trường nói chung rất nhiều sổ sách. Sau mỗi năm học, hồ sơ về chuyên môn một tủ chất đầy.
Nào là hồ sơ phổ cập, hồ sơ tuyển sinh, hồ sơ kiểm định, hồ sơ đánh giá giáo viên, hồ sơ đánh giá học sinh,… kể ra dài lắm, không xuể.
Vậy mà nay, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Hải Dương lại được “thống nhất” bất đắc dĩ “Lưu bài kiểm tra định kì của học sinh trong 5 năm”.
Mỗi năm học, học sinh tiểu học có 4 lần kiểm tra định kì.
Nếu một trường có khoảng 500 học sinh thì bài kiểm tra các môn Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử, Địa lí, Tin học, Tiếng Anh có đến hàng tạ giấy.
5 năm sau, không tủ nào đựng hết số bài kiểm tra của học sinh.
Việc lưu bài kiểm tra của học sinh trong vòng 5 năm gây ra nhiều bất cập. (Ảnh minh hoạ trên Báo Hà Nội Mới) |
Đi ngược tinh thần Thông tư 22?
Khoản d Điều 10 Thông tư 22/2016 và văn bản hợp nhất số 03 của Bộ Giáo dục ghi rõ:
“…Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh.”
Cụm từ “Được trả lại cho học sinh” ở đây có nghĩa hoàn toàn khác với cho học sinh mượn để xem.
Vậy thì tại sao Hải Dương lại yêu cầu cho học sinh mượn rồi thu lại bài để lưu tại trường?
Việc làm này đi ngược lại tinh thần nhân văn của Thông tư 22 là cha mẹ học sinh cũng tham gia đánh giá học sinh.
Việc lưu giữ bài kiểm tra của học sinh cũng đang đi ngược lại tinh thần tinh giản hồ sơ trong các nhà trường mà Bộ đã chỉ đạo nhiều năm nay.
Có cần phải lưu giữ bài kiểm tra của học sinh?
Bộ đang có chủ trương giảm áp lực thi cử ở Tiểu học nên giáo dục tiểu học chỉ có bài kiểm tra định kì.
Đánh giá học sinh tiểu học là đánh giá cả quá trình nên bài kiểm tra chỉ là một trong các căn cứ đánh giá.
Khi đã trả bài cho học sinh, nếu cha mẹ học sinh có thắc mắc về bài kiểm tra thì họ sẽ đem bài ra trường trao đổi với cô giáo để đi đến thống nhất.
Đây cũng chính là nét nhân văn của đổi mới đánh giá học sinh.
Nếu cha mẹ học sinh không ý kiến gì và nếu học sinh trót làm mất bài kiểm tra định kì thì việc đó không gây tác hại gì cả vì điểm kiểm tra đã được vào bảng tổng hợp.
Đây chỉ là bài kiểm tra chứ không phải bài thi hết năm học hay hết cấp mà phải lưu lại.
Còn nếu nói để phục vụ kiểm tra sau này mà yêu cầu nhà trường giữ lại bài kiểm tra của học sinh thì không đúng vì chẳng có kiểm tra gì mà yêu cầu giáo viên lục bài kiểm tra từ năm học trước trình ra.
Việc giữ lại bài kiểm tra chỉ thêm vất vả cho giáo viên. Đã mấy năm nay, đi đến trường tiểu học nào ở Hải Dương cũng thấy một tủ lớn đầy căng các túi bài kiểm tra của học sinh.
Các nhà trường nói học sinh hết cấp học thì trả nhưng khi các em ra trường rồi thì cũng thôi vì biết các em cũng chẳng lấy lại bài kiểm tra từ lớp 1, lớp 2,... để làm gì.
Các thầy cô băn khoăn không hiểu đây là yêu cầu của Vụ Tiểu học hay là ngẫu hứng địa phương...
Lời đề nghị: Các thầy cô giáo và các nhà trường cấp tiểu học ở Hải Dương rất mong ngành giáo dục Hải Dương chỉ đạo các trường trả bài kiểm tra định kì về cho học sinh.
Được biết, hầu hết các tỉnh thành đều trả, tha thiết mong Hải Dương không là ngoại lệ trong vấn đề này.