Những nhà giáo nghỉ hưu không nghỉ việc

18/12/2017 06:43
VĂN MƯU
(GDVN) - Phát huy truyền thống tốt đẹp của người giáo viên, những cựu nhà giáo nghỉ hưu mà không nghỉ việc đã và đang đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

Rời bục giảng nhà trường, nghỉ hưu theo chế độ, nhiều giáo viên về địa phương tiếp tục đảm nhận nhiều công việc mới. Với những kinh nghiệm từ quá trình giảng dạy, họ đã và đang góp phần quan trọng vào sự đổi thay của địa phương.

Sau hơn 30 năm công tác tại Trường Trung học phổ thông Phú Bình và Trường Trung học phổ thông Lương Phú của tỉnh Thái Nguyên, năm 2010, thầy Tạ Văn Thái nghỉ hưu theo chế độ về sinh hoạt tại Tổ dân phố Nguyễn 1 Thị trấn Hương Sơn huyện Phú Bình (Thái Nguyên).

 Đầu năm 2011, thầy Thái được nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ Tổ dân phố. Gần 10 năm đảm nhiệm công việc này, thầy Thái đã cùng cấp ủy chi bộ lãnh đạo tổ dân phố ngày một đổi thay, được nhân dân tin tưởng đồng thuận.

Ông Dương Văn Tín, người dân Tổ dân phố Nguyễn 1, thị trấn Hương Sơn chia sẻ: Từ khi làm Bí thư chi bộ, thầy Thái luôn phát huy tinh thần dân chủ được nhân dân tin tưởng. Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Thái, diện mạo tổ dân phố ngày một được đổi thay.

Thầy Thái cùng bà con chuẩn bị cho ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc của Tổ dân phố Nguyễn 1 thị trấn Hương Sơn. (Ảnh: VĂN MƯU)
Thầy Thái cùng bà con chuẩn bị cho ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc của Tổ dân phố Nguyễn 1 thị trấn Hương Sơn. (Ảnh: VĂN MƯU)

Một trong những phần việc quan trọng mà thầy Thái và bà con trong tổ dân phố làm được vừa qua đó là đổ bê tông được trên 1 km đường giao thông nội xóm nội đồng.

Với kinh nghiệm từ những năm còn giảng dạy cùng với việc thường xuyên nắm bắt gặp gỡ người dân đã giúp thầy Thái luôn thành công trong công tác chỉ đạo người dân phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tang tại tổ dân phố.

Bên cạnh đó, thầy Thái còn luôn năng nổ tham gia các hoạt động phong trào, hiện thầy là chủ nhiệm câu lạc bộ Cầu lông Phú Thái với trên 20 thành viên thường xuyên tổ chức thi đấu, rèn luyện sức khỏe.

Chia sẻ thêm về những công việc đã làm được, thầy Thái cho biết: Trong thời gian đảm nhiệm Bí thư chi bộ, tôi và cấp ủy đã chỉ đạo nhân dân nâng cao chất lượng đời sống, 100% đường giao thông được đổ bê tông. Nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Cũng có trên 30 năm công tác, làm cương vị quản lý, Bí thư Chi bộ của các Trường trung học cơ sở Đào Xá, Tân Kim, Bảo Lý của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, khi nghỉ hưu, thầy Nguyễn Văn Cương ở xóm Cô Dạ xã Bảo Lý tiếp tục được nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ.

Luôn trăn trở làm thế nào để xóm ngày một phát triển, thầy Cương đã cùng cấp ủy chi bộ đưa xóm Cô Dạ từ một xóm nghèo trở thành xóm dẫn đầu của xã Bảo Lý.

Không chỉ làm tốt công tác xã hội, thầy Cương còn luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Với hơn 1ha đất vườn đồi, thầy Cương đã trồng trên 300 gốc bưởi, ổi, táo, mít. Đến nay, các loại cây này đã cho thu hoạch năm thứ hai.

Ngoài ra, thầy cũng nuôi 5 thùng ong lấy mật, chăn nuôi hơn 200 con gà thả vườn. Bình quân mỗi năm, thầy Cương thu lãi trên 50 triệu đồng từ trồng cây ăn quả, chăn nuôi.

Thầy Cương cho biết: Nhiều người tâm lý nghỉ hưu là để nghỉ ngơi nhưng tôi luôn suy nghĩ phải đóng góp cho xóm nhà ngày càng phát triển.

Khi mới làm Bí thư chi bộ, tôi đã chỉ đạo nhân dân đối ứng, xây dựng nhà văn hóa, làm đường bê tông, lắp đặt tuyến đường thắp sáng làng quê…

Không chỉ làm tốt công tác xã hội, thầy Cương ở xóm Cô Dạ xã Bảo Lý còn gương mẫu trong phát triển kinh tế. (Ảnh: VĂN MƯU)
Không chỉ làm tốt công tác xã hội, thầy Cương ở xóm Cô Dạ xã Bảo Lý còn gương mẫu trong phát triển kinh tế.  (Ảnh: VĂN MƯU)

Đến xã Đào Xá, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên hỏi bất cứ người dân nào về thầy Nguyễn Văn Diễm, họ đều biết và dành cho thầy những lời nhận xét đầy tình cảm, mến phục.

Đã 77 tuổi, vốn là nhà giáo nghỉ hưu, gần 20 năm nay, thầy Diễm tự nguyện “vác tù và hàng tổng” và được mọi người gọi vui là “cựu nhà giáo nhiều chức nhất tỉnh Thái Nguyên”…

Giã từ nghề cầm phấn với nhiều thế hệ học trò thành danh, thầy lại trở thành một tấm gương hoạt động xã hội ở địa phương. Với quan điểm khi được giao bất cứ việc gì mình đều phải có trách nhiệm và phải cố gắng hoàn thành, vì thế mà trong quá trình tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương dù có khó khăn đến mấy thầy cũng luôn hoàn thành công việc được giao.

Bằng những việc làm thiết thực cụ thể, thầy Diễm luôn tạo được niềm tin yêu của người dân trong xã, điều này được minh chứng bởi sự tín nhiệm và gửi gắm niềm tin của bà con dành cho thầy khi bầu giữ các vị trí trong các tổ chức xã hội tại địa phương như:

Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đào Xá, Ủy viên Ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện; Ủy viên Thường vụ Hội Cựu giáo chức huyện Phú Bình; Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí Văn phòng Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân huyện Phú Bình; Hội trưởng Hội Cộng tác viên Đài Truyền thanh – Truyền hình Phú Bình và Chủ nhiệm Câu lạc bộ tình nguyện viên Cứu nạn cứu hộ chữ thập đỏ sông Đào - Câu lạc bộ do chính ông sáng lập.....

Nhiều “vai” đến vậy nhưng ở bất cứ “vai” nào, thầy cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến là việc ông khởi xướng và thành lập ra Câu lạc bộ tình nguyện viên cứu hộ cứu nạn Chữ thập đỏ sông Đào năm 2011.

Câu lạc bộ gồm 45 hội viên có quy chế hoạt động và nề nếp sinh hoạt rất quy củ. Từ khi thành lập đến nay đã cứu hộ cho 63 trường hợp tai nạn giao thông, đuối nước, tai nạn rủi ro quanh địa bàn.

Thầy Diễm chia sẻ: Tôi có nhiều việc nhưng lúc nào cũng thấy rất vui vẻ và đầy nhiệt huyết. Việc nào tôi cũng luôn cố gắng muốn hoàn thành thật tốt, vì đều là việc giúp dân, giúp nước.

Thầy Diễm ở xã Đào Xá luôn nhiệt tình hết mình với công việc chung (Trong ảnh Thầy Diễm thường xuyên trông nom chăm sóc di tích lịch sử kè Lũ Yên nơi Bác Hồ về thăm năm 1958). (Ảnh: VĂN MƯU)
Thầy Diễm ở xã Đào Xá luôn nhiệt tình hết mình với công việc chung (Trong ảnh Thầy Diễm thường xuyên trông nom chăm sóc di tích lịch sử kè Lũ Yên nơi Bác Hồ về thăm năm 1958). (Ảnh: VĂN MƯU)

Là một trong số ít nữ cựu giáo chức của huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên tham gia làm Bí thư chi bộ, cô giáo Nguyễn Thị Lai ở xóm Phú Dương 2 xã Dương Thành huyện Phú Bình gặp không ít khó khăn khi mới nhận nhiệm vụ.

Tuy nhiên, với kỹ năng sư phạm sẵn có nên việc vận động nhân dân của cô Lai gặp nhiều thuận lợi. Đến nay, xóm Phú Dương 2 xã Dương Thành đã trở thành điểm sáng của xã Dương Thành.

Cô Lai chia sẻ: Là phụ nữ nên khi làm công tác xã hội cũng có đôi chút khó khăn, tuy nhiên, với sự đồng thuận của người dân nên mọi việc chi bộ chỉ đạo  đều gặp thuận lợi.

Các cựu giáo chức có thành tích tiêu biểu được Hội Cựu giáo chức huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên khen thưởng. (Ảnh: VĂN MƯU)
Các cựu giáo chức có thành tích tiêu biểu được Hội Cựu giáo chức huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên khen thưởng. (Ảnh: VĂN MƯU)

Hội Cựu giáo chức huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên hiện có 708 hội viên. Từ năm 2005 đến nay, huyện Phú Bình có 48 nhà giáo về hưu tiếp tục tham gia làm Bí thư chi bộ, trưởng xóm, 165 nhà giáo tham gia làm chủ tịch các Hội: người cao tuổi, Cựu chiến binh, khuyến học …Dù ở vị trí nào, các thầy cô đều nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ông Dương Thanh Tự, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Phú Bình cho biết thêm về vấn đề này: Trên địa bàn huyện Phú Bình, nhiều nhà giáo sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia tích cực các phong trào tại địa phương. Nhiều thầy cô là trưởng xóm, Bí thư chi bộ, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của người giáo viên nhân dân, những cựu nhà giáo nghỉ hưu mà không nghỉ việc. Họ đã và đang góp công sức trí tuệ của mình vào sự phát triển chung của địa phương.

VĂN MƯU