LTS: Cho rằng, bỏ chính sách miễn học phí, quy hoạch lại mạng lưới giáo dục, chấn chỉnh tình trạng tiêu cực trong tuyển dụng nhân lực ngành sư phạm là điều cần thiết nhất để giải được bài toán nhân lực trong bối cảnh hiện nay của ngành giáo dục và các địa phương, thầy giáo Nguyễn Cao đã có bài viết phân tích về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Tác động của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên”.
Sau hội thảo này đã có nhiều ý kiến cho rằng nên dừng chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên sư phạm bởi chính sách này đã không còn phù hợp.
Bởi, thực tế dù có tiếp tục duy trì miễn học phí cho sinh viên sư phạm trong thời điểm hiện nay cũng rất khó tuyển sinh được học sinh giỏi vào học.
Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm (Ảnh minh họa: tuoitre.vn). |
Vấn đề học sinh không theo ngành sư phạm không chỉ là vấn đề học phí mà cái chính là ra trường thất nghiệp và nếu xin được việc cũng phải chi phí một khoản tiền rất lớn. Vậy nhưng, thu nhập hàng tháng lại có số lương tương đối thấp so với một số ngành nghề khác.
Theo chúng tôi, trong bối cảnh của ngành giáo dục hiện nay thì việc miễn học phí cho sinh viên là một chính sách “lãng phí kép” đối với cả ngân sách nhà nước và cha mẹ các em sinh viên.
Thực tế, cuộc sống ngày nay của chúng ta thấy phần lớn người dân khi cho con học đại học cũng không đến nỗi khó khăn. Việc đóng học phí hàng tháng đối với ngành sư phạm dù có thu cũng không phải là vấn đề nan giải.
Vẫn biết, còn có một số sinh viên khó khăn nhưng những em những hoàn cảnh như vậy thì chúng ta đã có chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ kinh phí học tập cho tất cả các cấp học. Vì vậy, nếu bỏ miễn học phí thì cũng không tác động nhiều đến sinh viên sư phạm.
Vậy, vì sao mà học sinh lớp 12 lại quay lưng với nghề sư phạm? Hẳn không phải là vì các em không yêu thích ngành sư phạm nhưng vào học sư phạm rồi khi ra trường thì tương lai sẽ đi về đâu.
Các ngành nghề khác học xong không xin được việc đúng ngành nghề có thể làm trái nghề chứ nghề sư phạm thì không dễ dàng chút nào.
Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã lạc hậu, lỗi thời |
Hơn nữa, hàng chục ngàn sinh viên sư phạm đang thất nghiệp ở khắp nơi trong cả nước luôn là tấm gương phản chiếu cho những học sinh đi sau nhìn vào để định hướng tương lai cho mình.
Rõ ràng, việc miễn học phí không còn đủ sức hút với học sinh lớp 12 khi các em chọn nghề nghiệp để học tập. Bởi, học ngành gì để làm cơ sở sau này tìm nghề nghiệp cho mình là điều ai cũng phải đắn đo, suy tính.
Nhưng, học xong rồi thất nghiệp, tương lai mờ mịt thì việc miễn học phí có đủ sức hút cho học sinh và phụ huynh không? Nói thật là rất khó.
Cứ nhìn vào thực tế các giáo sinh ra trường nhiều người cố gắng chạy vạy vào các trường học dạy hợp đồng mỗi tiết vài chục nghìn đồng mà không đoán định được hợp đồng của mình duy trì được bao lâu đã làm cho nhiều người nản bước khi vào học sư phạm.
Cùng với sự khó khăn của công việc là chế độ, lương bổng thấp. Vẫn biết là lương nhà nước hưởng theo hệ số nhưng vào sư phạm thì chỉ có đồng lương chính, chỉ có một số giáo viên ở thành phố mới có thể dạy thêm, mà có dạy thêm cũng phải 5-10 cứng tay nghề mới có thể mở lớp dạy thêm được.
Trong khi áp lực công việc ở tất cả các cấp học đều rất lớn và tai nạn nghề nghiệp luôn xảy ra, nhất là đối với cấp mầm non và tiểu học. Vì thế, học sinh giỏi không chọn ngành sư phạm cũng là điều dễ hiểu.
Theo báo cáo từ các hội nghị kế hoạch ngân sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì ngân sách hàng năm chi bù học phí cho sinh viên sư phạm như sau:
“Năm 2011, trong hơn 4.000 tỷ đồng ngân sách chi cho giáo dục thì riêng dự toán chi bù học phí sư phạm là 250 tỷ đồng.
Đến năm 2012, tổng mức chi bù học phí thực tế từ nguồn ngân sách cho các trường sư phạm là 354 tỷ đồng.
Năm 2013, dự toán của Bộ giáo dục- Đào tạo về khoản này là 440 tỷ đồng.
Năm 2014 dự toán ngân sách phân bổ cho nhiệm vụ này là 484 tỷ đồng”.
Miễn học phí chỉ là góc nhỏ trong "cơn bĩ cực" của ngành sư phạm |
Nhìn vào số tiền ngân sách bù học phí cho sinh viên ngành sư phạm, ta thấy đây cũng đã là một con số lớn nhưng nó còn lớn hơn rất nhiều khi cộng với với sự đầu tư của phụ huynh khi cho con em mình học sinh phạm.
Bởi, học mà không được hành, được bố trí đúng công việc thì những đồng tiền nhà nước đầu tư thành lãng phí và sự đầu tư của phụ huynh thành… công cốc.
Vấn đề đặt ra cho ngành giáo dục trong thời điểm hiện nay là phải giải được bài toán nhân lực của ngành.
Trong khi có hàng chục ngàn sinh viên sư phạm đang thất nghiệp mà theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng là từ nay đến năm 2021 phải giảm được 10% tổng biên chế thì cửa nào còn lại cho sinh viên sư phạm đến với nghề.
Mỗi năm lại có hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp rồi thất nghiệp thì chúng ta có cần thiết phải đào tạo sinh viên sư phạm nữa không? Nếu chỉ vì sự tồn tại của các trường sư phạm thì rõ ràng chúng ta đang lãng phí quá nhiều thứ.
Duy trì được công việc cho giảng viên nhưng ngân sách nhà nước tốn kém cho việc trả lương cho giảng viên sư phạm, cấp bù học phí cho sinh viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Sinh viên thì lãng phí thời gian, tốn kém về tiền bạc ăn học rồi ra trường không có việc và dẫn đến chán nản, nhiều người lại trở thành gánh nặng cho gia đình thì sự lãng phí là vô cùng lớn mà ngành giáo dục phải tính đến.
Bỏ chính sách miễn học phí, quy hoạch lại mạng lưới giáo dục và chấn chỉnh tình trạng tiêu cực trong tuyển dụng nhân lực ngành sư phạm là điều cần thiết nhất trong bối cảnh hiện nay của ngành giáo dục và các địa phương.
Khi chúng ta giải quyết được bài toán nhân lực thì không cần miễn học phí ắt cũng có nhiều học sinh khi tốt nghiệp lớp 12 vào học ngành sư phạm và tất nhiên ngành giáo dục sẽ tuyển được những học sinh giỏi chứ không phải là điểm đầu vào là 3 điểm/môn như bây giờ.