Con số khoảng 70.000 giáo viên từ cấp tiểu học đến THPT đã khiến nhiều người giật mình, nhất là với những sinh viên ngành sư phạm.
Thất nghiệp thì đi làm công nhân
Trong những năm trở lại đây, năm nào cũng có hàng nghìn sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc làm. Thế nhưng, nhiều bạn vẫn chọn học ngành sư phạm với hy vọng biết đâu mình sẽ may mắn hơn, hay cũng có bạn chọn ngành chỉ vì muốn được đi học.
Và thực tế, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã phải làm đủ nghề để kiếm sống vì không xin được việc.
Liệu sẽ còn bao nhiêu thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm trong những năm tới (Ảnh: Thủy Phan) |
Tốt nghiệp ngành sư phạm Văn ở trường Đại học Quảng Bình với tấm bằng Khá đã gần 2 năm nay, bạn Nguyễn Thị H. (SN 1992, quê Quảng Bình) chưa một lần được đứng bục giảng (ngoài hai lần đi thực tập trước đó).
H. tâm sự, thời gian đầu khi mới tốt nghiệp, H. ở nhà nghe ngóng tình hình và chờ cơ hội để xin việc. Sau đó, H. có nộp hồ sơ vào một trường THPT ở Bình Phước.
Được người ta hứa hẹn, H. và gia đình chắc mẩm trước sau gì cũng sẽ xin được việc làm đúng ngành dù có xa nhà một chút. Trong thời gian chờ việc, H. vào miền nam làm công nhân và vẫn nuôi hy vọng sớm được gọi đi làm.
Thế nhưng, cuối cùng hồ sơ không được nhận, H. đành ngậm ngùi ở lại miền nam kiếm sống một thời gian.
“Mình đã nuôi hy vọng rất nhiều, rằng mình sẽ xin được việc làm đúng ngành học, nhưng đến giờ thì vẫn không được.
Mới đầu mình thấy rất buồn, nhưng lâu rồi cũng quen dần. Hiện giờ mình làm nhân viên ở một quán cà phê, cách nhà không xa lắm. Đây chỉ là công việc tạm thời vì mình vẫn đang chờ cơ hội khác”, H. tâm sự.
Còn với bạn Nguyễn Thị Hà (SN 1994), chỉ một tháng nữa thôi là Hà sẽ tốt nghiệp ngành sư phạm Lịch Sử, nhưng Hà đang rất lo lắng vì vẫn chưa biết ra trường sẽ xin việc vào đâu.
Bằng mọi cách thì hệ thống cũng không "tiêu" hết được số giáo viên thừa(GDVN) - Đây là một trong những nhận định của chuyên gia, nếu chúng ta không có một quy hoạch cụ thể về quy mô, chất lượng ngành sư phạm trong thời gian tới. |
Nhớ lại khoảng thời gian khi mới tốt nghiệp cấp 3, dù được mẹ khuyên ở nhà hoặc học nghề gì đó mà sau này dễ xin việc, chứ học sư phạm sau này khó xin.
Thế nhưng, Hà khao khát được đi học đại học và kiên quyết học sư phạm cho bằng được.
Mặc dù chưa tốt nghiệp, nhưng hàng ngày nghe thông tin hàng nghìn sinh viên thất nghiệp, rồi một vài năm nữa cả nước sẽ thừa hàng chục nghìn giáo viên khiến Hà rất hoang mang.
“Đi học vậy thôi chứ ra trường cũng chưa biết làm gì. Nếu không xin được việc, chắc em đành phải cất bằng đi làm công nhân để kiếm sống thôi.
Em thấy nhiều lớp anh chị khóa trước, mỗi lớp cũng chỉ được một vài người (là con ông cháu cha) mới xin được việc thôi.
Giờ nếu được chọn lại, chắc em vẫn chọn ngành sư phạm, nhưng em sẽ chọn Mầm non hay Tiểu học gì đó vì vẫn có cơ hội hơn”, Hà cho biết.
Từ bỏ giấc mơ đứng bục giảng
Nhiều sinh viên đang theo học ngành sư phạm tâm sự, trước mắt chỉ biết học cho tốt đã, còn công việc thì sau khi ra trường sẽ tính vì hiện giờ chưa có cơ sở nào để xin việc.
Bên cạnh đó, có nhiều em học sinh đã nghĩ sẽ từ bỏ giấc mơ được đứng bục giảng vì nỗi lo thất nghiệp.
Bạn Nguyễn Thị Thu, sinh viên năm thứ 3, khoa giáo dục Tiểu học, trường Đại học sư phạm Huế tâm sự, trước đây em nghĩ chọn ngành Tiểu học ở trường này thì sau này sẽ dễ xin việc hơn.
Thật bất hạnh khi tốt nghiệp đại học rồi đi làm… công nhân(GDVN) - TS.Nguyễn Tiến Luận chia sẻ: "Điều tôi quan tâm nhiều nhất không phải là thời gian đào tạo, mà là dạy cái gì trong thời gian ấy". |
Nhưng giờ nghe thông tin thừa hàng chục nghìn giáo viên, kể cả ngành Tiểu học làm em cũng thấy nản.
“Trước mắt em chỉ biết học thật tốt thôi, rồi sau khi tốt nghiệp thấy chỗ nào có chỉ tiêu thì nộp hồ sơ.
Được hay không thì là hên xui, chứ gia đình em cũng chẳng có cơ sở hay nền tảng gì cả. Em thấy tương lai mịt mù quá”, Thu lo lắng.
Trước thông tin khủng hoảng thừa giáo viên, hơn nữa thấy nhiều anh chị học xong nhưng không xin được việc làm, dù rất yêu nghề giáo viên nhưng em Nguyễn Thị Thương (đang học lớp 11 tại một trường THPT ở Quảng Bình) đành gác lại giấc mơ học sư phạm.
Thương tâm sự: “Từ hồi học cấp 1, em đã luôn ước sau này mình trở thành một cô giáo và em luôn cố gắng học giỏi để sau này thực hiện ước mơ đó.Nhưng bây giờ thấy nhiều anh chị đi trước học sư phạm ra không xin được việc làm nên em thấy rất thất vọng.
Năm sau nữa là em sẽ phải chọn ngành cho mình rồi, nhưng có lẽ khi học xong lớp 12, em sẽ tìm nghề gì đó để học chứ không thi đại học”, Thương nói.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường Sư phạm trên cả nước giảm chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ tuyển sinh dựa trên nhu cầu thực tế. Mục đích nhằm khắc phục tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm.