Ngày 20/12, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và xã hội) tổ chức lễ tổng kết đánh giá, chuyển giao, kiểm định và công nhận 22 bộ chương trình cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế từ Cộng hòa liên bang Đức.
Theo lãnh đạo Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp, việc tổ chức chuyển giao, kiểm định và công nhận 22 bộ chương trình cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế từ Cộng hòa liên bang Đức là cần thiết.
Bởi điều này vừa phù hợp với chủ trương về đổi mới và phát triển dạy nghề theo tinh thần của Đảng và Nhà nước, vừa phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Danh sách 22 bộ chương trình cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế mà Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) tiếp nhận từ Cộng hòa liên bang Đức (Ảnh chụp tài liệu) |
Được biết, theo Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2010-2020 (Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29/5/2012) đã xác định:
“...Đến năm 2015 ban hành 130 chương trình, giáo trình cho các nghề trọng điểm quốc gia, sử dụng 49 chương trình, giáo dục cấp độ khu vực và 26 chương trình, giáo trình quốc tế...”
Và “....Đến năm 2020 bổ sung, chỉnh sửa và ban hành 150 chương trình, giáo trình trọng điểm quốc gia; sử dụng 70 chương trình, giáo trình cấp độ khu vực và 35 chương trình, giáo trình quốc tế...”.
5 tiêu chí đánh giá trường cao đẳng chất lượng cao của Bộ Lao động |
Lý do chọn Liên bang Đức là đối tác để chuyển gia các nghề được lãnh đạo Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp cho rằng:
Đức là một trong những quốc gia đi đầu về đào tạo nghề trên thế giới với bằng cấp nghề được công nhận rộng rãi.
Ngoài ra, Đức là đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp với Việt Nam và Đức đã thực hiện công việc chuyển giao bộ chương trình tương tự với nhiều quốc gia khác nên có kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp cao.
22 bộ chương trình của 22 nghề do Đức chuyển giao cho Việt Nam đã có văn bản công nhận bản quyền của Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời 22 bộ chương trình này cũng đã được Viện Tiểu thủ công nghiệp và kỹ năng nghề của Leipzig (HWK Leipzig) của Đức công nhận.
Và trong từng bộ chương trình đã có quy định cụ thể về quy định đào tạo, chương trình đào tạo, tài liệu học tập/giảng dạy (giáo trình), bộ công cụ đánh giá học tập và bộ danh mục thiết bị.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Lê Quân cho rằng, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp cần tập trung trọng điểm về chỉ đạo và dựa trên sự chủ động về vai trò của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để triển khai có hiệu quả những chương trình, giáo trình này.
Thứ trưởng Lê Quân giao 3 nhiệm vụ mà trong thời gian tới Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp cần triển khai (Ảnh: Linh Hương) |
Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Quân cũng giao nhiệm vụ, trong thời gian tới Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp cần triển khai mạnh một số nội dung như sau:
Thứ nhất, không tiếp tục triển khai theo tư duy làm thay, trông chờ quá nhiều vào ngân sách mà cần phải triển khai dựa trên tư duy tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nếu các cơ sở giáo dục không chủ động thì chương trình, giáo trình sẽ rất khó triển khai.
Thứ hai, cần đẩy mạnh hơn vai trò của các doanh nghiệp – người sử dụng nhân lực mà các cơ sở giáo dục đào tạo ra. Do vậy, tùy vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong nước để có điều chỉnh nghề phù hợp.
Còn nếu hướng tới việc đào tạo cung ứng cho thị trường quốc tế thì cũng phải gắn nghề đó với các đối tác quốc tế.
Thứ ba, cần công khai toàn bộ chương trình, giáo trình trên các phương tiện thông tin đại chúng để tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước có quyền tiếp cận đặc biệt là đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục.
Đơn vị đầu mối chuyển giao bộ chương trình, đào tạo giáo viên, đào tạo thí điểm và cấp phát bằng, công nhận bằng đối với Việt Nam là Tập đoàn đào tạo AVESTOS, Đức. |