Trung với Đảng, hiếu với dân, thêm tự hào tiến bước

21/12/2017 09:09
Theo Quân đội nhân dân
(GDVN) - Tối 20/12, chương trình nghệ thuật “Hát mãi khúc quân hành” đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tối 20/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 28 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 45 năm Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", Báo Quân đội nhân dân, Đài Truyền hình kỹ thuật số (VTC) cùng các cơ quan, đơn vị tổ chức chương trình nghệ thuật “Hát mãi khúc quân hành”.

Chương trình ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, ôn lại chặng đường 73 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển của quân đội anh hùng, với những chiến công hiển hách, đã đi vào lịch sử dân tộc.

Đến dự chương trình có các đồng chí: Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương;

Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng;

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam;

Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Thị Hoàng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục-Thể thao;

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Trưởng ban tổ chức chương trình nghệ thuật;

Đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và nhân dân Thủ đô.

Tiến bước dưới quân kỳ

Mặc dù thời tiết giá lạnh, nhưng chưa đến 19 giờ, tiền sảnh Nhà hát Lớn Hà Nội đã rất đông khán giả đến với chương trình.

Cầm giấy mời trên tay, ông Hoàng Ngọc Thạch ở quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, cho biết:

Tôi rất vui được đến xem chương trình nghệ thuật, với những tiết mục ca ngợi Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, được nhân dân mến gọi bằng cái tên trìu mến: Bộ đội Cụ Hồ"…

Các đại biểu, khách quý và Ban tổ chức trao quà tặng các đơn vị tại chương trình. Ảnh: PHÚ SƠN/Qdnd.vn
Các đại biểu, khách quý và Ban tổ chức trao quà tặng các đơn vị tại chương trình. Ảnh: PHÚ SƠN/Qdnd.vn

Đúng 20 giờ, khán phòng Nhà hát Lớn bừng sáng.

Liên khúc múa hát: “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Bài ca Hà Nội” và “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, do các nghệ sĩ, diễn viên đến từ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội biểu diễn, tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi, tự hào về truyền thống 73 năm quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Qua phóng sự "Tiến bước dưới quân kỳ" được trình chiếu tại chương trình, ai cũng tự hào về quân đội ta... 73 năm trước, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, với 34 chiến sĩ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ sau ba ngày thành lập, đội đã ra quân đánh thắng hai trận Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu trang sử truyền thống "ra quân là đánh thắng".

Tiếp đó, Quân đội ta đã làm nòng cốt cho Tổng khởi nghĩa, làm nên thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, đưa dân tộc thoát khỏi ách nô lệ, xây dựng nhà nước công-nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Trong các cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Quân đội ta luôn mang trong mình tinh thần "kiên quyết không ngừng thế tiến công", "lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều";

Đánh giặc trường kỳ, với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng. Bộ đội Cụ Hồ ngày càng lớn mạnh.

Kết hợp truyền thống quân sự của dân tộc và tinh hoa quân sự thế giới, Quân đội ta đã tạo ra một bước chuyển mới trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Mùa đông năm 1946, các chiến sĩ quyết tử quân của Hà Nội đã đào giao thông hào, dựng chiến lũy, sử dụng bom ba càng đánh xe tăng, cầm chân quân địch để cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Trung với Đảng, hiếu với dân, thêm tự hào tiến bước ảnh 2

Toàn cảnh trận "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12 năm 1972

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy chiến dịch đã kịp thời thay đổi phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc", làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu.

Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, cùng với việc tạo ra một lưới lửa phòng không, bộ đội ta đã cải tiến tên lửa, hạ gục "pháo đài bay B-52” của đế quốc Mỹ.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, bộ đội ta đã mưu trí nghi binh, rồi bằng trận “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột thắng lợi, đã chia cắt, phá vỡ thế trận của địch;

Tạo thời cơ lớn để những cánh quân chủ lực từ các chiến trường thần tốc, táo bạo, tiến công như vũ bão, giành toàn thắng vào ngày 30/4/1975, thu non sông về một mối...

Theo dõi chương trình nghệ thuật, bạn Thái Thị Minh Phương, sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, chia sẻ:

Xem chương trình, em thêm hiểu và tự hào về Quân đội ta.

Mong rằng, cán bộ, chiến sĩ quân đội sẽ tiếp tục lập nhiều chiến công, thành tích to lớn hơn nữa, xứng đáng với lời khen tặng của Bác Hồ kính yêu:

“Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Điểm nhấn trong chương trình nghệ thuật là các nghệ sĩ đã tái hiện “Hào khí Thăng Long” - những ngày chiến đấu kiên cường của quân và dân Thủ đô Hà Nội cuối tháng 12/1972.

Những trận bom hủy diệt của máy bay địch ở Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên, Mễ Trì, An Dương… không khuất phục được ý chí của quân và dân ta.

Trong đau thương, tinh thần đoàn kết, lòng quả cảm, ý chí kiên cường là bệ phóng cho những chiến công.

Suốt 45 năm qua, Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không mãi là niềm tự hào của quân và dân Thủ đô.

Trung với Đảng, hiếu với dân, thêm tự hào tiến bước ảnh 3

Toàn cảnh trận "Điện Biên Phủ trên không" (2)

Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, luôn là niềm kiêu hãnh, tự hào, là niềm tin và hy vọng.

Với tình cảm yêu mến và trân trọng dành cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiều nhạc sĩ đã viết lên những giai điệu đẹp ca ngợi quân đội anh hùng và Bộ đội Cụ Hồ, với những trang sử vẻ vang trong suốt 73 năm qua.

Trong không gian nghệ thuật đặc sắc, các nghệ sĩ hát vang những ca khúc đi cùng năm tháng, như: “Lời người ra đi”-sáng tác Trần Hoàn; “Quê hương anh bộ đội”-sáng tác Xuân Oanh...

Vang mãi khúc quân hành

Bằng những giai điệu tự hào, các nghệ sĩ đã tái hiện truyền thống hào hùng của Quân đội ta.

Từ 34 chiến sĩ ban đầu, Quân đội ta đã lớn mạnh không ngừng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu;

Không chỉ là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, mà còn là đội quân văn hóa, là hình mẫu của quân đội cách mạng, hết mực trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, gắn bó máu thịt với nhân dân.

Xem phóng sự "Hát mãi khúc quân hành" tại chương trình, càng thấy rõ hơn sự tận trung với nước, tận hiếu với dân của Bộ đội Cụ Hồ.

Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã xông pha trong phòng, chống lụt bão, cứu người bị nạn trên biển; thức trắng đêm tìm kiếm người bị nạn trong lũ quét;

Góp phần cùng nhân dân sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, tạo động lực và niềm tin trong nhân dân.

Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ trong quân đội được trang bị tri thức, khoa học, văn hóa và truyền thống;

Luôn có mặt ở những nơi gian khó nhất, từ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc;

Thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng, các công trình có ý nghĩa chiến lược của đất nước;

Tham gia thi đấu tại các đấu trường quốc tế, mang vinh quang về cho Tổ quốc…,

Đến khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...

Đã có biết bao câu chuyện cảm động về tình quân-dân gắn bó trong những hoạt động đó.

Những câu chuyện về sự hy sinh, vượt khó của cán bộ, chiến sĩ khi giúp dân chạy lũ, tìm kiếm, cứu nạn, miệt mài mang con chữ đến với các em nhỏ vùng cao; nghiên cứu những ứng dụng khoa học kỹ thuật, giúp bà con nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, bảo vệ rừng…, càng góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân”, làm sáng đẹp phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Màn hát múa "Hát mãi khúc quân hành" khép lại chương trình nghệ thuật. Ảnh: PHÚ SƠN/Qdnd.vn
Màn hát múa "Hát mãi khúc quân hành" khép lại chương trình nghệ thuật. Ảnh: PHÚ SƠN/Qdnd.vn

Màn hát múa “Hát mãi khúc quân hành” đã khép lại chương trình nghệ thuật, nhưng âm hưởng của chương trình còn vang vọng mãi.

Chương trình đã góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí độc lập tự chủ, tự lực tự cường, huy động sức mạnh toàn dân, toàn quân, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước;

Tạo động lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng;

Cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nỗ lực cống hiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao quà tặng 6 cơ quan, đơn vị, thuộc: Quân chủng Phòng không-Không quân, Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, cựu chiến binh Thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, Câu lạc bộ Bóng chuyền nữ Thông tin LienVietPostBank.

Theo Quân đội nhân dân