Toàn cảnh trận "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12 năm 1972

18/12/2017 06:20
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Với sức mạnh tàn phá to lớn của máy bay B52, đế quốc Mỹ cho rằng chỉ cần mở chiến dịch tập kích trong 3 ngày cũng đủ phá hủy Hà Nội, Hải Phòng.

LTS: Nhân kỷ niệm 45 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2017), Đại tá Đặng Việt Thủy chia sẻ bài viết về cuộc chiến đấu oanh liệt của quân dân ta để bảo vệ Thủ đô.

Dưới đây là phần 1 của bài viết, tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Sau cuộc tiến công chiến lược đầu năm 1972 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam Việt Nam, chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ có nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn.

Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ buộc phải "Mỹ hóa" trở lại cuộc chiến tranh ở miền Nam, đồng thời tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc.

Đế quốc Mỹ coi đó là biện pháp quyết định hòng cứu nguy cho sự sụp đổ của quân ngụy Sài Gòn - xương sống của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh".

Ngày 6/4/1972, máy bay và tàu chiến Mỹ mở Chiến dịch Linebacker I (Sấm rền I).

Sau 10 ngày đêm ném bom đánh phá dữ dội vùng phía bắc khu phi quân sự, thành phố Vinh, Bến Thủy (Nghệ An), Thanh Hóa và nhiều nơi khác thuộc Quân khu 4, ngày 16/4/1972, Mỹ cho máy bay B52 ném bom thành phố Hải Phòng.

Cùng ngày, vào hồi 9 giờ 30 phút đến 10 giờ 10 phút hơn 60 lần chiếc máy bay chiến thuật của Mỹ chia thành nhiều tốp ném bom Thủ đô Hà Nội.

Các lực lượng phòng không chủ lực và dân quân tự vệ bảo vệ thành phố nổ súng, đánh trả địch quyết liệt.

Trận đánh vừa kết thúc, thường vụ Thành ủy và thường trực Ủy ban Hành chính thành phố họp đột xuất quyết định sơ tán khỏi nội thành từ 25 đến 30 vạn người.

Sau 4 ngày khẩn trương thực hiện, cộng với sơ tán trước, Hà Nội đã chuyển ra khỏi nội thành 26 vạn người.

Đến ngày 25 tháng 4, tình hình có chiều hướng căng thẳng hơn, thành phố quyết định sơ tán thêm 10 vạn người nữa ở nội thành, đồng thời dự kiến các bước sơ tán tiếp theo.

Sau 4 tuần lễ đánh trả các cuộc tiến công bằng không quân và hải quân Mỹ, quân dân miền Bắc đã bắn rơi 90 máy bay, bắn cháy 20 tàu chiến, bắt sống nhiều giặc lái.

Đế quốc Mỹ vẫn không thể ngăn cản được cuộc tiến công của quân và dân ta ở miền Nam, không giành được thế mạnh ở Hội nghị Paris.

Trước tình hình đó, ngày 8 và 9/5/1972, Tổng thống Ních-xơn triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ quyết định đẩy mạnh cường độ ném bom đồng thời dùng mìn, thủy lôi phong tỏa các hải cảng miền Bắc Việt Nam nhằm cắt đứt đến mức tối đa mọi nguồn chi viện quốc tế cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta, "làm cho Hà Nội không có được các vũ khí và đồ tiếp tế cần thiết để tiếp tục chiến tranh" (Tuyên bố của Ních-xơn. Dẫn theo Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, Nhà xuất bản Thông tin lý luận, H.1986, trang 382).

Ngày 10 và 11/5/1972, đế quốc Mỹ huy động hơn 100 lần chiếc máy bay ném bom đánh phá Hà Nội.

Cầu Long Biên, ga Yên Viên, ga Gia Lâm, sân bay Bạch Mai là những mục tiêu chính của đợt đánh phá này.

Các lực lượng phòng không và không quân bảo vệ Hà Nội đánh trả chúng quyết liệt, bắn rơi 12 máy bay.

Đặc biệt trận địa súng máy cao xạ 14,5mm (ba khẩu) của tự vệ nhà máy điện Yên Phụ đã đánh một trận xuất sắc vào 12 giờ trưa ngày 10/5, bắn rơi một chiếc F4.

Từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1972, quân dân thủ đô đã liên tục chiến đấu bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, trong đó có chiếc máy bay thứ 3.700 bị bắn rơi trên miền Bắc (ngày 27/6/1972) và chiếc máy bay thứ 300 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội (ngày 7/7/1972).

Xác máy bay thứ 2500 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Ảnh: Lương Nghĩa Dũng/TTXVN
Xác máy bay thứ 2500 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Ảnh: Lương Nghĩa Dũng/TTXVN

Nhằm tạo thêm sức mạnh trước khi có thể đạt được một giải pháp chính trị có lợi ở Hội nghị Paris và tạo lợi thế cho cuộc chiến tranh cử tổng thống sắp tới, Ních-xơn quyết định tiếp tục tiến công Thủ đô Hà Nội quyết liệt hơn.

Đó là con đường, là chìa khóa mà Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã chọn và cho rằng có thể đạt được mục đích sớm nhất.

Ngày 2/9/1972, hơn 40 lần chiếc máy bay thay nhau đánh phá sân bay Nội Bài và khu vực Đông Anh.

Ngày 10/9, 50 lần chiếc vào đánh phá cầu Long Biên (lần thứ tư), sân bay Gia Lâm và nhiều nơi khác. Ngày 11/9, chúng bắn tên lửa xuống phố Bà Triệu.

Ngày 11/10, máy bay Mỹ tiếp tục ném bom Hà Nội phá hủy nhiều công trình kinh tế, văn hóa, giao thông vận tải, khoa học kỹ thuật, bệnh viện...

Tòa nhà chính của cơ quan Tổng đại diện Pháp ở phố Trần Hưng Đạo bị trúng bom.

Ông Tổng đại diện Pháp Xôxini và một số nhân viên sứ quán bị bom Mỹ giết hại.

Với cuộc bầu cử tổng thống nước Mỹ vào tháng 11 năm 1972, chiến tranh ở Việt Nam trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu phải giải quyết nếu Ních-xơn muốn trúng cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa.

Đầu tháng 10 năm 1972, phái đoàn ta ở Hội nghị Paris chủ động đưa ra bản dự thảo hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trước tình thế bất lợi trên cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam, trước sự phản đối của dư luận quốc tế và nước Mỹ, ngày 20 và 22/10/1972, tổng thống Mỹ gửi thông điệp cho Thủ tướng Chính phủ ta hoan nghênh thiện chí của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hứa hẹn có thể ký hiệp định chính thức vào ngày 31/10.

Tuy nhiên với bản tính tráo trở, Ních-xơn tìm mọi cách dây dưa trì hoãn việc ký hiệp định như đã hứa, đồng thời ráo riết tiến hành bước phiêu lưu mới.

Ngày 26/10/1972, Chính phủ ta ra tuyên bố về Tình hình cuộc đàm phán về vấn đề Việt Nam hiện nay nêu rõ lập trường chính nghĩa, thái độ thiện chí của ta, vạch trần sự tráo trở của chính quyền Mỹ, đòi Mỹ phải thực hiện nghiêm chỉnh những vấn đề đã thỏa thuận.

Ngày 8/11/1972, Ních-xơn trúng cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai.

Ngay sau đó, Mỹ trắng trợn lật lọng, đòi phải sửa chữa lại 126 điểm trong bản dự thảo hiệp định mà trước đó đã thỏa thuận với ta.

Do sự lật lọng của Mỹ, Hội nghị Paris bế tắc. Ngày 13/12/1972, Hen-ri Kít-xinh-giơ, cố vấn đặc biệt của phái đoàn Mỹ tuyên bố bỏ họp vô thời hạn.

Ngày 14/12/1972, với lời lẽ như một tối hậu thư, tổng thống Mỹ gửi điện cho Chính phủ ta đòi trong vòng 72 giờ tới phải trở lại bàn đàm phán ở Paris phải chấp nhận những yêu cầu của Mỹ, nếu không Mỹ sẽ ném bom trở lại.

Cùng với việc gửi điện cho Chính phủ ta, Ních-xơn ra lệnh cho Bộ chỉ huy không quân chiến lược và chiến thuật thực hiện cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52  vào Hà Nội, Hải Phòng.

193 máy bay chiến lược B52, gần 50 máy bay F111 cùng hơn 1.000 máy bay chiến thuật, 6 liên đội tàu sân bay và hàng chục máy bay tiếp dầu KC135... được huy động cho cuộc tập kích chiến lược mang mật danh Chiến dịch Linebacker II (Sấm rền II).

Mục đích của chiến dịch Linebacker II là tàn phá Hà Nội, Hải Phòng hòng đánh sụp ý chí của nhân dân ta, phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, ngăn chặn nguồn tiếp tế của ta cho chiến trường miền Nam, giúp cho chính quyền ngụy Sài Gòn có điều kiện củng cố lực lượng, buộc Chính phủ ta phải chấp nhận các điều kiện của Mỹ.

B52 là loại máy bay ném bom chiến lược của không quân Mỹ, có thể hoạt động ban đêm, trong điều kiện thời tiết phức tạp, ném bom ở độ cao từ 9.000 đến 11.000 mét.

Từ khi tham chiến ở Việt Nam (năm 1965), máy bay B52 đã nhiều lần được cải tiến, đặc biệt là hệ thống tự bảo vệ.

Đến tháng 12 năm 1972, mỗi máy bay B52 đã trở thành một trung tâm tác chiến điện tử với 16 máy gây nhiễu tích cực bằng điện tử, 2 máy gây nhiễu tích cực bằng sợi kim loại (khi hoạt động có thể phủ trắng một khu vực rộng 450 ki lô mét vuông) và 2 quả tên lửa khi phóng ra sẽ có tín hiệu như B52 để đánh lừa ra-đa đối phương.

Máy bay của không quân Việt Nam xuất kích tiêu diệt máy bay Mỹ. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Máy bay của không quân Việt Nam xuất kích tiêu diệt máy bay Mỹ. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Mỗi chiếc B52 được ví như một kho bom lưu động trên không có thể mang được 30 tấn bom.

Mỗi tốp (ba chiếc) có thể rải thảm từ 80 đến 90 tấn bom trên một diện rộng, có thể thay thế cho 120 - 200 máy bay ném bom chiến thuật, hiệu quả lại cao hơn.

Với sức mạnh tàn phá to lớn của máy bay B52, đế quốc Mỹ cho rằng chỉ cần mở chiến dịch tập kích trong 3 ngày cũng đủ phá hủy Hà Nội, Hải Phòng.

Sau nhiều lần xuất kích mà chưa bị trừng trị, đặc biệt là sau vụ ném bom rải thảm thành phố cảng Hải Phòng (ngày 16/4/1972), giới quân sự Mỹ càng chủ quan cho rằng B52 có thể đánh bất kỳ mục tiêu nào của Bắc Việt Nam.

Chúng tin rằng sử dụng loại vũ khí chiến lược này có thể đè bẹp ý chí chiến đấu của quân và dân ta, buộc ta phải khuất phục, chấp nhận các điều khoản của Mỹ, đồng thời để chứng tỏ với thế giới sức mạnh của "thần tượng không lực Hoa Kỳ".

Chúng cũng dự tính rằng hệ thống phòng không của Bắc Việt Nam sẽ không thể phát huy được hiệu quả trước đòn tiến công của B52 và tỉ lệ tổn thất của B52 là không đáng kể.

Việc đế quốc Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B52 đánh phá Hà Nội không phải là điều bất ngờ đối với ta.

Năm 1967, khi làm việc với Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn:

"Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua.

Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy ngẫm chuẩn bị" (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến thắng B52, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, H.1997, trang 44).

Thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã có bộ phận vào chiến trường nghiên cứu đánh B52 và chuẩn bị kế hoạch đánh B52 bảo vệ Thủ đô Hà Nội.

Tự vệ Nhà máy Y Hà Nội ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, bắn rơi máy bay Mỹ gây tội ác ở Thủ đô trong 12 ngày đêm tháng 12/1972. Ảnh: TTXVN.
Tự vệ Nhà máy Y Hà Nội ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, bắn rơi máy bay Mỹ gây tội ác ở Thủ đô trong 12 ngày đêm tháng 12/1972. Ảnh: TTXVN.

Khi cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai bắt đầu, qua đối chọi liên tục với máy bay B52 trên bầu trời các tỉnh Quảng Bình, Vĩnh Linh, Nghệ An, Thanh Hóa, chúng ta đã tổng kết được nhiều kinh nghiệm bổ ích trong phòng chống và đánh trả.

Đến năm 1972, việc nghiên cứu cách đánh B52 càng được chú ý.

Tháng 7 năm 1972 Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện gấp việc tiếp tục nghiên cứu về triển khai kế hoạch đánh máy bay B52, biên soạn tài liệu huấn luyện bộ đội đánh máy bay B52 trong các tình huống phức tạp.

Tháng 11 năm 1972 hội nghị chuyên đề đánh B52 của bộ đội tên lửa được tổ chức tại sở chỉ huy Sư đoàn phòng không 361 bảo vệ Hà Nội.

Sau hội nghị, tài liệu "Cách đánh B52" được chính thức phát hành. Một số sân bay dã chiến được gấp rút xây dựng.

Các biện pháp nghi binh, lừa địch, bố trí đội hình ra-đa để phát hiện địch kịp thời được triển khai khẩn trương.

Công tác hậu cần, kỹ thuật được chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là bổ sung đạn dược cho lực lượng cao xạ và xăng dầu cho máy bay.

Tại Hà Nội, công tác chuẩn bị chiến đấu cũng hết sức khẩn trương.

Thành phố gấp rút cho sơ tán người già, trẻ em và những người không có nhiệm vụ chiến đấu, sản xuất ra khỏi nội thành với thời hạn phải hoàn thành trước ngày 4/12/1972.

Đến ngày 18/12/1972 nội thành đã sơ tán được khoảng 20 vạn người.

Phụ nữ, trẻ em và người già tạm rời Thủ đô đi sơ tán trong những ngày giặc Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972. Ảnh: TTXVN.
Phụ nữ, trẻ em và người già tạm rời Thủ đô đi sơ tán trong những ngày giặc Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972. Ảnh: TTXVN.

Trước đó, ngày 27/11/1972, lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội được phổ biến nhận định của Bộ Tổng tư lệnh:

"Địch sẽ đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả dùng B52 đánh ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng".

Cùng ngày, Quân chủng Phòng không - Không quân nhận được lệnh "tập trung mọi khả năng, nhằm đúng đối tượng B52 mà tiêu diệt".

Với tinh thần chủ động, khẩn trương, ngày 4/12/1972, Quân chủng chính thức báo cáo lên Bộ Tổng Tham mưu mọi công tác chuẩn bị đánh B52 đã xong, phương án đánh B52 đã sẵn sàng.

Giữa tháng 12 năm 1972, Hội đồng Phòng không và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức diễn tập chiến đấu khắc phục hậu quả trên phạm vi toàn thành phố.

Ngoài lực lượng thường trực chiến đấu, hệ thống còi loa báo động, thông tin liên lạc, đài quan sát cũng như lực lượng khắc phục hậu quả qua diễn tập có nhiều tiến bộ.

Tuyến y tế từ thành phố xuống cơ sở có thể cấp cứu 5 nghìn người một ngày, các đội cứu sập, cứu hỏa ở các tuyến được bổ sung thêm phương tiện, thiết bị.

Kế hoạch sửa chữa điện, nước, chôn cất người bị nạn, vệ sinh môi trường... được các ngành chuẩn bị với khả năng cao nhất.

Tình hình ngày càng khẩn trương, ngoài Sở Giao thông vận tải thành phố, Nhà nước thành lập Ban bảo đảm giao thông vận tải khu vực do đồng chí Đỗ Mười, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.

Các bến phà qua sông Hồng ở khu vực Chương Dương, Khuyến Lương, Chèm và một số cầu phao, phà qua sông Đuống được gấp rút củng cố.

Ngành giao thông vận tải đường sắt đã vận dụng thành tựu khoa học kỹ thuật lắp ráp thành công phà và cầu phao cho xe lửa.

Cầu phao cho xe lửa có sức tải lớn nhưng không thuận tiện trong mùa mưa lũ, vì vậy phương tiện chủ yếu chuyển tàu hỏa qua sông là phà xe lửa.

Đại đội 4 pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, trừng trị máy bay Mỹ đến gây tội ác. Ảnh: Văn Bảo - TTXVN.
Đại đội 4 pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, trừng trị máy bay Mỹ đến gây tội ác. Ảnh: Văn Bảo - TTXVN.

Trong thời điểm cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1972, tại phía nam cảng sông Hồng, bằng 2 chiếc phà xe lửa, đội cầu đường Hà Nội - Thái Nguyên đã vận chuyển được một khối lượng hàng hóa lớn.

Trung bình một ngày đêm có 24 lượt toa tàu với hàng ngàn tấn hàng được chuyển từ bờ bắc sang bờ nam.

Hàng qua sông chủ yếu là vũ khí nặng và trang bị kỹ thuật quân sự. Phà xe lửa được ghi nhận như một công trình khoa học mới của ngành giao thông vận tải đường sắt nước ta.

Nó được áp dụng đúng lúc, có hiệu quả, góp phần tích cực cùng các phương tiện khác đáp ứng nhu cầu vận chuyển, phục vụ kháng chiến.

Trải qua hơn 6 tháng chiến đấu, đến tháng 12 năm 1972, lực lượng trực tiếp chiến đấu bảo vệ thủ đô có 4 trung đoàn không quân tiêm kích, 3 trung đoàn tên lửa, 6 trung đoàn pháo cao xạ, một số tàu hải quân.

Dân quân tự vệ thủ đô có 4 đại đội cao xạ 100 mm (20 khẩu), 92 trận địa súng máy cao xạ 14,5mm, hơn 100 trận địa súng 12,7mm, đại liên, trung liên.

Ngoài ra còn có hơn 4 vạn súng trường, tiểu liên, súng cối, ĐKZ tạo thành lưới lửa phòng không tầm thấp đồng thời sẵn sàng cơ động đánh địch đổ bộ đường không và truy lùng giặc lái Mỹ nhảy dù.

Một số tỉnh giáp với Hà Nội như Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hà Tây, Hải Hưng, Nam Hà (địa danh hành chính thời kỳ này)... cũng đã sẵn sàng phương án tác chiến và khắc phục hậu quả, hỗ trợ cho Hà Nội.

Để đảm bảo liên lạc thông suốt, kịp thời, lực lượng thông tin của Bộ tư lệnh Thủ đô và Bộ tư lệnh Thông tin kết hợp với thông tin bưu điện nối liền các mạng liên lạc điện thoại, vô tuyến điện từ Trung ương xuống thành phố và các huyện.

Ngoài ra còn có xe mô tô, xe đạp và các tổ truyền đạt chạy bộ từ xã, huyện lên thành phố.

Qua gần 2 tháng tạm ngừng, ngày 17/12/1972, Mỹ ném bom trở lại tỉnh Thái Bình, thả bổ sung thủy lôi và bắn tên lửa xuống cảng và thành phố Hải Phòng.           

Theo dõi chặt chẽ mọi âm mưu thủ đoạn của địch, 8 giờ sáng ngày 18/12/1972, Bộ Quốc phòng điện nhắc các đơn vị pháo cao xạ, tên lửa, không quân, pháo binh đẩy mạnh công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu cao, kịp thời đánh trả máy bay, tàu chiến địch.

(Còn nữa)

Đại tá Đặng Việt Thủy