Ngày 25/12, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương trả lời về việc các trường tiểu học lưu trữ bài kiểm tra của học sinh, trái với Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT.
Theo đó, sau bài phản ánh "Tha thiết mong Hải Dương trả bài kiểm tra cho học sinh tiểu học!" đăng ngày 18/12/2017, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương đã có văn bản số 1567/SGDĐT – GDTH do bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc sở ký, trả lời như sau:
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các trường thực hiện đúng theo Khoản d, Điều 10, Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/09/2016 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/08/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương đã có văn bản số 1567/SGDĐT – GDTH trả lời về việc các trường tiểu học lưu trữ bài kiểm tra của học sinh. Ảnh: Hữu Chí |
Theo đó: “Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác.
Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh”.
Tha thiết mong Hải Dương trả bài kiểm tra cho học sinh tiểu học! |
Tại các văn bản hiện hành, Sở Giáo dục và Đào tạo không chỉ đạo các đơn vị lưu giữ bài kiểm tra tại nhà trường, nếu có đơn vị nào thực hiện không đúng, sở này cũng mong muốn được biết để có chỉ đạo, uốn nắn kịp thời.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cũng sẽ có văn bản tiếp tục chỉ đạo phòng giáo dục các huyện, thị xã, thành phố, các nhà trường thực hiện nghiêm túc Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/09/2016 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/08/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngày 02/12/2016 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cũng đã ban hành văn bản số 2172/SGD&ĐT – GDTH về việc hướng dẫn kiểm tra định kỳ năm học 2016 – 2017 gửi tất cả các phòng giáo dục và các trường tiểu học.
Mục đích yêu cầu của việc đánh giá định kỳ là đánh giá kết quả giáo dục của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện, nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh so với chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và sự hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Văn bản số 2172/SGD&ĐT – GDTH của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương về việc hướng dẫn kiểm tra định kỳ năm học 2016 – 2017 gửi tất cả các phòng giáo dục và các trường tiểu học. Ảnh: Hữu Chí |
Trong văn bản hướng dẫn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cũng đã đề cập tại điểm d, mục 1.2 đánh giá định kỳ về học tập là Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh.
Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.
Tại sao nhà trường thà chết chứ không trả bài thi cho học trò? |
Văn bản hướng dẫn trên cũng đề cập đến kế hoạch kiểm tra, mức đánh giá định kỳ, bài kiểm tra định kỳ đối với từng môn học.
Bên cạnh đó văn bản hướng dẫn cũng đề cập đến kế hoạch kiểm tra, ra đề kiểm tra, tổ chức kiểm tra, chấm bài, tổng hợp kết quả đánh giá, phân công trách nhiệm cho từng đơn vị.
Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo: Ban hành các văn bản hướng dẫn kiểm tra định kỳ năm học 2016 – 2017 và triển khai hướng dẫn các phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Kiểm tra, giám sát công tác coi, chấm bài kiểm tra định kỳ tại các nhà trường. Báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo: Triển khai hướng dẫn các trường tiểu học thực hiện việc coi, chấm bài kiểm tra định kỳ; Kiểm tra giám sát công tác coi, chấm bài kiểm tra định kỳ tại các nhà trường. Báo cáo kết quả về Sở Giáo dục và Đào tạo.
Đối với các trường tiểu học: Chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức Kiểm tra định kỳ cuối học kỳ và cuối năm học theo đúng quy định; đảm bảo đánh giá đúng mục đích, đúng nguyên tắc, đúng thực chất.