Tại sao nhà trường thà chết chứ không trả bài thi cho học trò?

18/12/2017 07:00
Nam Phương
(GDVN) - Với bất kì lý do gì, chuyện một số địa phương giữ bài kiểm tra của học sinh là vi phạm tinh thần chỉ đạo của Thông tư 22.

LTS: Sau bài viết “Tha thiết mong Hải Dương trả bài kiểm tra cho học sinh tiểu học” của tác giả Hùng Lan, với mong muốn phản ánh những góc khuất phía sau việc không trả lại bài kiểm tra cho các em học sinh - tác giả Nam Phương cũng đã có những chia sẻ về vấn đề trên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhiều năm về trước, bài kiểm tra (giữa kì, cuối kì, cuối năm học) của học sinh tiểu học đều phải được lưu giữ tại trường.

Thế nhưng vài năm trở lại đây, với sự quy định của Thông tư 22 “…Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh”.

Thế nhưng vẫn có hiện tượng ở một số địa phương bài kiểm tra giáo viên không phát cho học sinh mà lưu giữ tại trường (điển hình như Hải Dương) mà tác giả Hùng Lan đã phản ánh trong bài viết “Tha thiết mong Hải Dương trả bài kiểm tra cho học sinh tiểu học” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 17/12.

Việc làm này không chỉ vi phạm quy định trong Thông tư 22 còn gây khó khăn cho việc trữ hồ sơ tại trường.

Những bí mật của công tác chấm bài kiểm tra (Ảnh minh họa: Như Hùng).
Những bí mật của công tác chấm bài kiểm tra (Ảnh minh họa: Như Hùng).

Có đôi chút thắc mắc “bài kiểm tra của học sinh thì phát cho các em, lưu trữ làm gì cho mệt? Sau khi trò chuyện với một số giáo viên, người viết bài đã vỡ ra nhiều điều và tấm màn “bí mật” cũng dần vén lên. 

Những tiết lộ bất ngờ

Nếu như trước đây, học sinh làm bài, giáo viên chấm, lên điểm. Sau khi thầy cô thông báo điểm số, học sinh chỉ biết số điểm mình đạt được.

Sau đó, bài kiểm tra sẽ được nộp về trường, Ban Giám hiệu cũng cho giáo viên kiểm tra chéo theo kiểu sác xuất. Lớp may mắn sẽ không bị phát hiện.

Những sai sót thường gặp chủ yếu nhất (có thể giáo viên chấm sai, chấm sót bài, đề sai, đề quá nặng…). Dù thế, cũng chỉ rút kinh nghiệm nội bộ cho lần thi sau.

Do khâu kiểm tra không chặt chẽ, còn nể nang nhau, thế nên giáo viên chấm bài cũng lơ là mà ngay cả khâu người ra đề cũng chưa được logic đôi khi chưa hợp lý.

Do học trò tiểu học còn quá nhỏ nên hầu như các em ít khi biết thắc mắc “sao con làm bài tốt mà đạt điểm thấp thế?” hay “con làm bài sai sao lại đạt điểm cao như vậy?” thế nên có một số thầy cô cho phép mình toàn quyền tác động đến kết quả làm bài của các em.

Tại sao nhà trường thà chết chứ không trả bài thi cho học trò? ảnh 2Thầy chấm Văn thầy, những thật - giả và áp lực của điểm số

Một bật mí “động trời” hơn vì áp lực thành tích, vì chỉ tiêu thi đua, vì công việc dạy thêm mà một số thầy cô khi biết bài làm của một số “gà” ruột không đạt theo mong muốn nên đã chủ động sửa bài hoặc xin đồng nghiệp sửa giúp bài làm của học sinh ấy (kiểu sai thành đúng) trong khi chấm.

Việc làm này, không chỉ giúp giáo viên nâng tỉ lệ học sinh yếu kém lớp mình lên mà còn tăng tỉ lệ học sinh giỏi để được khen thưởng nhiều.

Không phát bài kiểm tra là biện pháp bảo vệ giáo viên an toàn nhất

Theo Thông tư 22, bài kiểm tra sau khi giáo viên chấm sẽ được phát cho học trò mang về cho gia đình xem.

Một số giáo viên nói “phát bài về mà cũng hồi hộp theo dõi xem có phản ứng gì từ phía phụ huynh không? Phải qua mấy ngày mới biết rằng an toàn”.

Người phân trần “có một số phụ huynh là giáo viên hoặc cũng có kiến thức nên soi kĩ quá. Người tế nhị sẽ gặp thầy cô trao đổi.

Nhưng không ít người sẽ chụp hình tung lên mạng.

Thế là giáo viên, nhà trường sẽ hứng gạch đá đủ xây nhà”.

Vậy nên, giải pháp an toàn nhất là giữ bài kiểm tra không phát cho học trò.

Với bất kì lý do gì, chuyện một số địa phương giữ bài kiểm tra của học sinh là vi phạm tinh thần chỉ đạo của Thông tư 22.

Để hạn chế việc phản ứng của phụ huynh về sao sót trong bài kiểm tra thì nhà trường cần chặt chẽ hơn trong khâu ra đề.

Quán triệt giáo viên chấm bài cẩn thận, công tâm để tạo sự công bằng cho tất cả các em.

Cần tổ chức việc kiểm tra bài thi giữa các tổ chuyên môn, giữa các lớp học với nhau một cách thật nghiêm túc.

Nam Phương