Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ trong năm học 2015-2016 chủ yếu là thừa giáo viên trung học cơ sở, trong khi đó, thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, đặc biệt là giáo viên dạy các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nhạc, Mỹ thuật…
Cụ thể, trong 2015-2016, toàn ngành có 500.327 giáo viên, cán bộ giáo dục mầm non.
Trong đó, số lượng giáo viên mầm non là 344.994, tăng 26.661 người so với năm học trước.
Trong khi số lượng giáo viên cấp tiểu học và Trung học cơ sở không thay đổi nhiều so với năm trước thì ở cấp Trung học cơ sở số lượng giáo viên trong năm học 2016-2017 đã giảm.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Chúng ta cần thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ chứ không theo cơ chế thị trường. (Ảnh minh họa: Báo Hưng Yên) |
Cụ thể, năm học 2015-2016 cả nước có 313.526 giáo viên thì đến năm học 2016-2017 cả nước có 308.961 giáo viên, giảm hơn 4.000 giáo viên.
Trước đó, tại hội nghị với 63 Giám đốc Sở ngày 14/1/2017 diễn ra tại Hà Nội, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã cho biết, tình trạng dôi dư, thừa thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học mầm non, phổ thông.
Một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên cấp trung học cơ sở như: Thái Bình: 1.224, Phú Thọ: 1.191, Thanh Hóa: 2.188, Nghệ An: 1.742, Quảng Nam: 1.096; các tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La: 1.040, Bắc Giang: 1.921, Thái Bình: 1.500, Thanh Hóa: 1.405, Nghệ An: 3.328, TP.HCM: 1.195.
Trong khi đó, một số nơi lại thiếu - đặc biệt là tiểu học như Hà Nội (2.696), Sơn La (1.133), Gia Lai (1.196)...
Tính chung trong toàn quốc, tổng số giáo viên công lập dôi dư: 26.750 (trong đó, tiểu học: 3.194, trung học cơ sở: 21.005, trung học phổ thông: 2.551).
Tiến sĩ mắt trước mắt sau là "chạy tháo thân" khỏi các trường cao đẳng sư phạm |
Tổng số giáo viên công lập còn thiếu: 45.058 (trong đó, mầm non: 32.641, tiểu học: 7.824, trung học cơ sở: 2.799, trung học phổ thông: 1.794).
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) cung cấp thông tin:
Theo báo cáo của Phó giáo sư Bùi Văn Quân đến năm 2020 Việt Nam sẽ thừa 70.000 giáo viên bao gồm: 41.000 giáo viên tiểu học; 12.200 giáo viên trung học cơ sở, 16.900 giáo viên trung học phổ thông.
Từ những con số này, ông Khuyến cho rằng, khi thừa giáo viên sẽ ảnh hưởng đến thị phần của các trường sư phạm buộc phải giải thể, sáp nhập hoặc quy hoạch lại trong khi hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên “trăm hoa đua nở”.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện tại, cả nước hiện có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Đó là chưa kể các trường đại học, cao đẳng, trung cấp có ngành đào tạo giáo viên.
Nhìn nhận lại hệ thống các trường sư phạm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, các trường sư phạm đã trải qua nhiều biến động về nhu cầu giáo viên.
Đó là khi phổ cập giáo dục thì quy mô giáo viên “bung ra” đến khi dân số tăng chậm thì tỷ lệ giáo viên suy giảm.
Chính vì vậy, ông Khuyến cho rằng, điều quan trọng lúc này là cần thực hiện phân tầng hệ thống trường sư phạm thành các trường đại học sư phạm /đại học giáo dục trọng điểm, các trường/khoa đại học sư phạm địa phương, các trường/khoa cao đẳng sư phạm địa phương.
Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ chứ không theo cơ chế thị trường.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định nội dung cứng của chương trình đào tạo giáo viên để tạo cơ chế liên thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống”, ông Khuyến nhấn mạnh.
Về phân cấp quản lý, Bộ chỉ nên quản lý họat động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học sư phạm/đại học giáo dục trọng điểm.
Các trường được tự chủ trong đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học.
Còn Ủy ban nhân dân tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương quản lý trực tiếp và giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở cho các trường/khoa sư phạm địa phương.
Và quan trọng, các cơ sở sư phạm không tranh giành nguồn tuyển, đào tạo chồng chéo với nhau.
Nói về cái khó của cơ sở giáo dục hiện nay, đại diện trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An chia sẻ, tại tỉnh Nghệ An có trường Đại học Vinh – một trong 16 cơ sở giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo từ bậc mầm non tới tiến sĩ do vậy trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh.
Vị này thông tin, mùa tuyển sinh năm 2017, trường thông báo tuyển sinh 7 ngành nhưng chỉ tuyển được 3 ngành (mầm non, tiểu học, tiếng Anh).
Với gần 240 cán bộ viên chức của nhà trường do đó khi lượng sinh viên ít khiến trường “chao đảo”.