Mỗi năm một sáng kiến mới sinh ra dối trá

26/12/2017 07:08
Phan Tuyết
(GDVN) - Không nên xóa phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm nhưng cũng đừng chạy theo số lượng, theo thành tích.

LTS: Câu chuyện về việc viết sáng kiến trong giáo dục đã và đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều độc giả trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Trong bài viết này của mình, tác giả Phan Tuyết đã chỉ ra những nguyên nhân vì sao nhiều giáo viên không muốn viết sáng kiến kinh nghiệm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đọc bài viết “Bản chất sáng kiến kinh nghiệm rất tốt sao lại bị phản đối” của tác giả Nhật Khoa đăng trên Báo Điện tử giáo dục Việt Nam ngày 24/12, bản thân là một nhà giáo nên tôi khá đồng tình với cách đặt vấn đề, cách lập luận của tác giả.

“Sáng kiến không có tội, cái sai, cái không tốt ở đây là những người làm cho sáng kiến trở nên “bát nháo” như hiện nay”.

Tuy nhiên cũng còn một số điều tôi và nhiều đồng nghiệp của mình không đồng ý với một vài đề xuất của tác giả.

Ảnh minh họa: T.Trang / Báo Tuổi Trẻ.
Ảnh minh họa: T.Trang / Báo Tuổi Trẻ.

Phải nói thẳng, nếu ngành giáo dục thực hiện theo những đề xuất của tác giả nêu trong bài “Phải đổi mới cách thực hiện, chấm sáng kiến kinh nghiệm” chúng tôi dám chắc rằng cũng chẳng thể thay đổi được gì.

Mặc dù giáo viên nào cũng hiểu việc phổ biến những sáng kiến của mình cho đồng nghiệp học hỏi là điều tốt. Thông qua việc chia sẻ ấy, sẽ giúp nhiều thầy cô giáo giảng dạy và giáo dục học sinh tốt hơn.

Thế nhưng chẳng mấy ai đồng tình, chẳng mấy ai muốn viết sáng kiến chủ yếu là vì những nguyên nhân sau.

Thứ nhất, hiện nay việc quy định viết một sáng kiến kinh nghiệm quá rườm rà, rắc rối. Chỉ là một số kinh nghiệm (có khi rất nhỏ nhưng hiệu quả lại khá cao) mà phải trình bày như một đề tài, một công trình khoa học lớn.

Nào là lý do chọn đề tài, thực trạng, điểm mới trong sáng kiến, cơ sở lý luận thực tiễn, ý nghĩa, nội dung trình bày, một số giải pháp, phạm vi áp dụng, hiệu quả dự kiến, kiến nghị đề xuất…

Với một chút kinh nghiệm mà phải diễn giải ra các phần, các mục như thế đã gây khó cho giáo viên và làm cho họ chẳng còn mặn đôi khi rất sợ khi phải đăng kí viết.

Trong khi, những kinh nghiệm từ giảng dạy của giáo viên nếu nói bằng lời chỉ vài câu là hết. Nếu viết ra giấy đôi khi chỉ vài gạch đầu dòng nhưng lại rất hiệu quả trong giảng dạy.

Chẳng hạn, thời dạy bình dân học vụ nếu chỉ dạy theo thông thường các âm a, b, c o, ô, ơ…nhiều người khó nhớ, khó thuộc.

Mỗi năm một sáng kiến mới sinh ra dối trá ảnh 2

Sáng kiến của giáo viên: Cần giảm số lượng ngay cho đỡ tốn kém!

Có người nghĩ ra cách gieo vần theo kiểu o tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ già mang râu.

Hay "a bê cê dắt dê đi ..., dê không ...dắt dê về chuồng. Nhờ đọc vần như thế, nhiều người đã thuộc bài và nhớ nhanh và nhớ lâu.

Hay như bài vè về công thức sin - cốt, bài hát về tính diện tích hình thang…

Những mẹo nhỏ này giúp trò học bài thuộc và nhớ lâu như thế cũng được gọi là sáng kiến kinh nghiệm. Các nhà giáo có thể truyền tai nhau, bày vẽ cho nhau cùng làm.

Thế nhưng theo quy định, những sáng kiến này phải được viết và trình bày như một mẫu chung giống nhiều đề tài khoa học lại chẳng hề đơn giản chút nào.

Thứ hai,ở đâu mà mỗi năm giáo viên có một sáng kiến kinh nghiệm?

Bạn Lê Quốc Vũ nói rằng “cả đời đi dạy cùng lắm gom góp, đúc kết được một vài kinh nghiệm giúp học sinh học tập và rèn luyện tốt. Thế mà cứ mỗi năm lại yêu cầu một sáng kiến không sao chép, ăn cắp lẫn nhau mới lạ”.

Trong thực tế, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những đề tài giúp học sinh yếu kém học tốt, kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo dục học sinh chăm ngoan, biện pháp giúp học sinh hợp tác nhóm hiệu quả…dù tên gọi khác nhưng chung quy cũng chỉ là việc học tập và rèn luyện của học sinh.

Bởi thế, khi viết nhất là buộc phải viết một cách bài bản theo mẫu quy định chung thì sao có thể tránh khỏi việc các bài viết cứ na ná nhau giữa cái sáng kiến này với sáng kiến kia?

Chúng ta cứ xem, có người nông dân cả đời phát minh ra cái máy gặt lúa, tuốt rơm hay máy gieo hạt đa năng…đã là thành công quá rồi. Thế mà, giáo viên cả đời lại buộc phải viết đến vài chục cái sáng kiến thử hỏi lấy ở đâu ra?

Kiểu chuộng hình thức thế này nên sáng kiến trong ngành giáo dục nhiều mà thực chất chẳng áp dụng được bao nhiêu là thế. Cũng vì đặt nặng số lượng nên giáo viên mới sinh ra dối trá cho đủ chỉ tiêu.

Không nên xóa phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm nhưng cũng đừng chạy theo số lượng, theo thành tích.

Hãy lấy chất lượng làm đầu, khuyến khích giáo viên trình bày những kinh nghiệm thực tế mà mình trải nghiệm, mình tích lũy được để giúp các em học tốt như học sinh yếu vươn lên khá giỏi, học sinh giỏi trở thành xuất sắc hay học sinh cá biệt trở thành con ngoan trò giỏi đã là thành công vượt bậc của người thầy.

Nếu những kinh nghiệm được giáo viên trình bày thật sự mang lại hiệu quả thì thời gian bảo lưu cho sáng kiến ấy cũng nên được vài năm.

Phan Tuyết