Giáo viên đừng vội mừng về việc bỏ viết sáng kiến kinh nghiệm

09/08/2017 07:40
Phan Tuyết
(GDVN) -Theo Khoản 2 Điều 23 Luật số 15/2003 các cá nhân muốn được công nhận danh hiệu thi đua từ Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên đều phải có sáng kiến hoặc tương đương.

LTS: Sau bài "Giáo viên không bị bắt buộc viết sáng kiến kinh nghiệm, ước mơ đã thành sự thật" đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 3/8, đã có rất nhiều thầy cô bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi trước sự thay đổi lớn này của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Song, việc ra đời Nghị định 88/2017/NĐ-CP mới chỉ giảm được áp lực viết sáng kiến kinh nghiệm cho giáo viên hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ, vậy còn một bộ phận giáo viên khác sẽ phải viết gì và viết như thế nào?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nghị định 88/2017/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức chính thức được ban hành đã đem đến niềm vui cho nhiều người mà đặc biệt là giáo viên. 

Bỏ viết sáng kiến kinh nghiệm đã mang lại niềm vui lớn cho các thầy cô (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)
Bỏ viết sáng kiến kinh nghiệm đã mang lại niềm vui lớn cho các thầy cô (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

Nghị định 88 này đã bỏ tiêu chí “Có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận” khi phân loại đánh giá viên chức (không giữ chức vụ quản lý) ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ và phân loại đánh giá viên chức (không giữ chức vụ quản lý) ở mức hoàn thành nhiệm vụ.

Như vậy, đội ngũ giáo viên đã không phải có sáng kiến mới được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ.

Còn nhiều Luật và Nghị định chưa được điều chỉnh

Nghị định mới ra đời nhưng Luật Thi đua khen thưởng vẫn còn hiệu lực. Điều 23, Luật Thi đua khen thưởng số 15/2003 của Quốc hội về thi đua, khen thưởng quy định:

“Danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau: 1. Đạt các tiêu chuẩn của danh hiệu "Lao động tiên tiến" hoặc "Chiến sĩ tiên tiến"; 2. Có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hoặc áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động”.

Luật Thi đua khen thưởng số 39/2013 có sửa đổi Khoản 2 Điều 23 của Luật số 15/2003 cụ thể hơn như sau:
“Có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng...”.

Như vậy, theo Khoản 2 Điều 23 Luật này thì các cá nhân muốn được công nhận danh hiệu thi đua từ Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên đều phải có sáng kiến hoặc tương đương.

Dưới Luật thi đua khen thưởng là hàng loạt các văn bản như Nghị định 42/2010/NĐ-CP, Nghị định 39/2012/NĐ-CP, Nghị định 65/2014/NĐ-CP, Thông tư 07/2014/TT-BNV. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có 1 thông tư riêng về thi đua khen thưởng là Thông tư 35/2015/TT-BGDĐT quy định một trong những điều kiện để xét giáo viên đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở phải có sáng kiến kinh nghiệm. 

Vì vậy việc ra đời Nghị định 88/2017/NĐ-CP chỉ mới giảm được áp lực viết sáng kiến kinh nghiệm cho giáo viên hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Riêng giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đăng kí Chiến sĩ thi đua cơ sở vẫn phải viết sáng kiến kinh nghiệm. Số giáo viên này chiếm khoảng 15% tổng số giáo viên toàn trường.

Không viết “Sáng kiến kinh nghiệm”theo Nghị định 88 nhưng giáo viên vẫn phải viết “Giải pháp hữu ích” và “Sáng kiến kinh nghiệm” để tham gia các hội thi

Không viết sáng kiến kinh nghiệm để xét việc xếp loại công chức thì giáo viên vẫn phải viết “Sáng kiến kinh nghiệm” hoặc “Giải pháp hữu ích” để thi giáo viên dạy giỏi cấp trường và lưu hồ sơ công chức. 

Giáo viên đừng vội mừng về việc bỏ viết sáng kiến kinh nghiệm ảnh 2

Từ 15/9, bỏ "sáng kiến kinh nghiệm" với tất cả giáo viên

Hàng năm, giáo viên nào cũng phải tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường. Để giảm nhẹ gánh nặng cho thầy cô nhiều trường học chỉ yêu cầu giáo viên nộp “Giải pháp hữu ích” thay vì “Sáng kiến kinh nghiệm”. 

Nhưng, giải thích “thế nào là giải pháp hữu ích” chẳng Ban giám hiệu nào trả lời thấu đáo. Câu trả lời giáo viên được nghe nhiều nhất là “viết giải pháp hữu ích đơn giản hơn viết sáng kiến kinh nghiệm”.

Thế rồi, thay vì viết sáng kiến kinh nghiệm khoảng 6-10 trang thì phần lớn giáo viên rút ngắn xuống còn 5 trang là được, còn hình thức viết, nội dung viết cũng gần như nhau. Nhưng, ở Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thị hoặc cấp tỉnh thì giáo viên vẫn phải nộp sáng kiến kinh nghiệm. 

Nay Nghị định 88 bỏ tiêu chí viết sáng kiến kinh nghiệm cho giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng hàng năm giáo viên vẫn phải tham gia các hội thi giáo viên dạy giỏi từ cấp trường trở lên thì việc phải viết sáng kiến hay giải pháp là điều không thể tránh khỏi.

Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT ban hành điều kiện dự thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông “Giáo viên tham gia Hội thi phải có ít nhất một sáng kiến kinh nghiệm hoặc sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng đã triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục học sinh.

Sáng kiến kinh nghiệm, sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng phải được viết thành báo cáo và đã được nhà trường công nhận và xếp loại”.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Nghị định 88 sửa đổi để giảm nhẹ việc viết sáng kiến kinh nghiệm cho giáo viên thì cũng cần ban hành thêm một số quy định sửa đổi ở các Thông tư về điều kiện dự thi giáo viên dạy giỏi các cấp.

Phan Tuyết