Ngày 08/12/2017, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn đã ban hành Quyết định số 9698/QĐ – UBND về việc thi hành kỷ luật công chức.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường mầm non Liên Cơ nhận hình thức kỷ luật cách chức do đã vi phạm trong công tác quản lý tài chính năm học 2016 – 2017 và 2017 – 2018. Quyết định do ông Vương Văn Bút, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn ký.
Thời gian chấm dứt hiệu lực của quyết định này đối với bà Xuân là đủ 12 tháng, kể từ ngày ký quyết định. Trong thời gian quyết định có hiệu lực thi hành, bà Xuân phải chấp hành các quy định hiện hành về xử lý kỷ luật công chức.
Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn đã ban hành Quyết định số 9698/QĐ – UBND về việc thi hành kỷ luật công chức đối với bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường mầm non Liên Cơ. Ảnh: Nhân Minh |
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký, Chánh văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng phòng Nội vụ, Trường mầm non Liên cơ và bà Nguyễn Thị Thanh Xuân chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nhiều giáo viên, phụ huynh tỏ ra chưa hài lòng với mức kỷ luật đối với bà Xuân trước những vi phạm nghiêm trọng đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận.
“Vụ việc có dấu hiệu hình sự sao chỉ xử lý về mặt hành chính? Đề nghị chuyển vụ việc này sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ vi phạm của bà Xuân”, một giáo viên (đề nghị giấu tên) kiến nghị.
Huyện Sóc Sơn giấu kín việc kỷ luật Hiệu trưởng trường Liên Cơ |
Tước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, trong thời gian công tác, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân được cho là đã vi phạm trong công tác quản lý, thiếu minh bạch trong các khoản thu chi, lạm dụng chức vụ quyền hạn để tư lợi cá nhân, biến của công thành của riêng, có những lời lẽ thiếu chuẩn mực khi các giáo viên không làm theo yêu cầu.
Cụ thể, năm học 2016 – 2017 khi thu tiền xã hội hóa của học sinh bà Xuân không báo cáo cấp trên mà tự ý chỉ đạo các giáo viên họp phụ huynh đầu năm, và thu tiền mỗi học sinh 250.000 đồng.
Khi bị tố cáo, bà Xuân có dấu hiệu ép giáo viên 10 lớp lập khống danh sách trả lại tiền xã hội hóa cho phụ huynh để xin chữ ký bằng mọi cách với số tiền hơn 100 triệu đồng. Sau đó cho các giáo viên ký khống vào danh sách trả lại tiền nhằm “che mắt” cơ quan chức năng.
Đơn thư cũng đề cập về việc bà Xuân chỉ đạo lập khống chứng từ thu tiền quỹ lớp, tạo lập khống các hóa đơn chi tiêu mua bán để trục lợi.
Cụ thể, trong năm học 2017 – 2018, bà Xuân lại cho họp đại diện giáo viên của 10 lớp để chỉ đạo việc họp phụ huynh đầu năm, thay vì thu tiền xã hội hóa, bà Xuân đã chỉ đạo ép các giáo viên thu tiền quỹ lớp tăng gấp 2 đến 3 lần so với mức thu các năm trước, từ 200.000 đồng/cháu/học kỳ lên đến 500.000 đồng/cháu/học kỳ để che mắt cơ quan chức năng.
Sau đó, mỗi lớp phải trích lại 200.000 đồng giao nộp lại cho bà Xuân, số tiền này được một người thủ quỹ thu nhưng không lập phiếu thu mà chỉ ghi vào sổ tay với lý do để bà Xuân trả nợ tiền đã mua sắm đồ dùng, đồ chơi ở các lớp ở năm học 2016 – 2017.
Tuy nhiên trên thực tế bà Xuân không mua sắm gì nhiều ngoài mỗi lớp vài con búp bê, khay nhựa. Các giáo viên, phụ huynh thắc mắc vậy với số tiền khoảng 100 triệu đồng thì bà Xuân đã trả nợ cho ai? Trong khi đó đầu năm học 2016 – 2017 bà Xuân đã chỉ đạo thu mỗi cháu 150.000 đồng.
Bà Xuân còn chỉ đạo các giáo viên các lớp viết biên bản họp phụ huynh theo nội dung chỉ đạo của bà Xuân, nội dung cuộc họp cả 10 lớp đều tương tự như nhau, biên bản ghi 100% phụ huynh nhất trí với nội dung của cuộc họp nhưng không có chữ ký của phụ huynh.
Không chỉ vậy, bà Xuân còn bắt giáo viên các lớp mua sổ hóa đơn bán hàng thông thường, sau đó yêu cầu các giáo viên phải nghĩ ra các khoản chi tiêu để hợp thức hóa số tiền quỹ lớp từ năm 2016 – 2017.
Đơn thư còn phản ánh thêm, bà Xuân đã chỉ đạo giả mạo, lập chứng từ khống để cắt giảm tiền hè, tiền bán trú của giáo viên.
Cụ thể, bà Xuân đã tự ý thu tiền học phí 03 tháng hè của phụ huynh, học sinh là 150.000 đồng/tháng/cháu, vượt quá 50.000 đồng/cháu/tháng, ngay sau khi bị thanh tra, bà Xuân đã bị yêu cầu trả lại số tiền thu thừa của học sinh.
Tuy nhiên bà Xuân lại chỉ báo cáo lên phòng giáo dục có 150 học sinh đi học, trong khi đó đã có hơn 300 học sinh đi học thêm trong tháng 6, 7.
Không chỉ vậy, sau khi Thanh tra Tài chính huyện Sóc Sơn về thanh tra, các giáo viên mới ngã ngửa với chứng từ chi trả tiền hè cho giáo viên là 2.500.000 đồng/tháng/giáo viên. Tuy nhiên trên thực tế, các giáo viên đi dạy chỉ nhận được số tiền ít ỏi khoảng vài trăm nghìn.
Ngoài những nội dung tố cáo trên, đơn thư còn phản ánh bà Xuân đã chỉ đạo giáo viên làm giả, báo cáo sai lệch về sĩ số các cháu trên lớp, số lượng các cháu ghi trên sổ sách để báo cáo lên cấp trên thấp hơn nhiều so với số cháu đi học thực tế nhằm trục lợi cá nhân.
Tự lập các chứng từ giả với nội dung là chi tiền phúc lợi cho cán bộ, giáo viên hàng năm đi nghỉ mát, đi chùa,… nhưng thực tế lại không chi mà bắt các giáo viên phải nộp tiền và ký khống vào chứng từ chi tiền hỗ trợ của nhà trường 100% cho giáo viên.
Ngoài ra, một số đồ dùng cá nhân của bà Xuân đã qua sử dụng cũng được đưa vào nhà trường bán với giá cao. Theo các giáo viên nhà trường, vào chiều ngày 18/12/2017, một số đồ dùng của bà Xuân đã được người của Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn đến thu hồi.
Được biết, năm 2010 bà Xuân được đề bạt làm Hiệu trưởng Trường mầm non Liên Cơ, trước khi về trường công tác bà Xuân đã từng bị kỷ luật phải điều chuyển công tác do vi phạm trong quản lý.
Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn vẫn để bà Xuân làm công tác điều hành, quản lý tại Trường mầm non Liên Cơ và gây nhiều bức xúc cho giáo viên, phụ huynh trong công tác điều hành, quản lý.