Biển Đông có phải điểm nóng bị lãng quên?

02/01/2018 07:12
Hồng Thủy
(GDVN) - Do đó Biển Đông trong tương lai gần, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sử dụng kế "dĩ dật đãi lao".

CNN ngày 26/12/2017 có bài bình luận đáng chú ý với tiêu đề "Biển Đông - điểm nóng bị lãng quên trong năm 2017 có thể bùng phát trở lại ra sao?" [1]. 

Hãng truyền thông này nhận định, trong năm 2017 Biển Đông bị lu mờ vì vấn đề Triều Tiên, đồng thời bị chính quyền Tổng thống Donald Trump ít chú ý đến.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã tiếp tục đẩy mạnh quân sự hóa, đồng thời xoa dịu các nước có yêu sách trong khu vực.

Trong năm 2017, Trung Quốc tiếp tục bố trí các thiết bị ra đa quân sự trên các cấu trúc chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa và Hoàng Sa. Ảnh chụp từ vệ tinh một phần đá Chữ Thập thuộc Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Nguồn: Asia Times.
Trong năm 2017, Trung Quốc tiếp tục bố trí các thiết bị ra đa quân sự trên các cấu trúc chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa và Hoàng Sa. Ảnh chụp từ vệ tinh một phần đá Chữ Thập thuộc Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Nguồn: Asia Times.

CNN dẫn lời học giả Michael Fuchs, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ cho rằng:

Vấn đề Biển Đông khá êm đềm đối với Trung Quốc trong năm 2017, nhưng điều này có thể thay đổi trong năm 2018, nếu Bắc Kinh quá tự đắc, buộc Washington và các đồng minh phải phản ứng.

Giới quan sát Hoa Kỳ băn khoăn về cách tiếp cận của Washington

Đầu năm 2017, Nhà Trắng cho thấy một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Biển Đông, khi Ngoại trưởng Rex Tillerson công khai tuyên bố hồi tháng Giêng:

"(Trung Quốc) xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa các cấu trúc này cúng giống như việc Nga chiếm Cremia. Họ chiếm đoạt lãnh thổ mà các nước khác yêu sách chủ quyền.

Chúng ta sẽ phải gửi thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc rằng, trước hết việc xây dựng đảo nhân tạo phải dừng lại; thứ hai, việc truy cập vào các đảo (nhân tạo) này sẽ không được phép."

Nhưng sau đó chương trình hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng với khẳng định, đây là "mối uy hiếp rõ ràng, hiện hữu" với lãnh thổ Hoa Kỳ.

Giới quan sát đã phê phán Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Rex Tillerson vì quá tập trung vào bán đảo Triều Tiên, hạn chế các nguồn lực ngoại giao trong các vấn đề nóng khác ở châu Á.

So với vấn đề Triều Tiên, Biển Đông không gây ra những hậu quả sống còn như đe dọa tên lửa, vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Nhưng thay vào đó, tình hình Biển Đông đòi hỏi chính quyền Tổng thống Donald Trump đẩy lùi những nỗ lực của Bắc Kinh hòng xâm phạm chủ quyền (và quyền tài phán) của các nước láng giềng, cũng như các nỗ lực nhằm kiểm soát tuyến hàng hải huyết mạch, phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.

Biển Đông có phải điểm nóng bị lãng quên? ảnh 2

Trung Quốc dụ Mỹ lao vào Đông Bắc Á, âm thầm kiềm tỏa Biển Đông?

Các nhà hoạch định chính sách ở Washington có dành cho Biển Đông một đoạn ngắn trong tài liệu Chiến lược An ninh quốc gia dài 46 trang mới công bố.

Chiến lược An ninh quốc gia của chính phủ Tổng thống Donald Trump viết về Biển Đông như sau:

"Bắc Kinh đã nỗ lực để xây dựng các tiền đồn trên Biển Đông và quân sự hóa chúng, điều này gây nguy hiểm cho dòng chảy tự do thương mại, đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác, làm suy yếu ổn định trong khu vực."

Ngày 28/12/2017 Báo Tuổi Trẻ cũng dẫn lời Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc bình luận:

"Từ Chiến lược An ninh quốc gia mới của Mỹ, có thể suy luận rằng Biển Đông được xem là đấu trường tranh chấp tiềm năng, nhưng nó lại rơi xuống thấp trong thang ưu tiên so với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và chủ nghĩa khủng bố toàn cầu."

Tiến sĩ Bonnie Glaser từ Trung tâm Chiến lược và Quốc tế (CSIS) được The Financial Times dẫn lời nhận định:

Việc ông Donald Trump tiếp quản quyền lực đã khiến các nước trong khu vực (châu Á - Thái Bình Dương) cảm thấy uy tín, cam kết của Mỹ không chắc chắn.

Các nước này tự hỏi, Biển Đông sẽ đứng ở đâu trong chính sách của Washington khi ông Donald Trump đặt "nước Mỹ trên hết"? [3]

Trung Quốc chớp thời cơ củng cố "trạng thái bình thường mới”

The Financial Times cũng dẫn lời ông Diêm Học Thông (Yan Xuetong) - Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế, đại học Thanh Hoa, Trung Quốc bình luận:

"Chiến lược an ninh của Donald Trump ở Đông Á tập trung vào khu vực Đông Bắc Á. Khi anh ít quan tâm đến liên minh với các nước Đông Nam Á, họ sẽ phải xem lại chiến lược an ninh của mình."

Ông Diêm Học Thông, ảnh: The Diplomat.
Ông Diêm Học Thông, ảnh: The Diplomat.

Một ví dụ được ông Diêm Học Thông nêu ra để chứng minh cho nhận định của mình là Singapore.

Quốc đảo này từ lâu là đồng minh của phương Tây, nhưng từ tháng Chín năm nay, họ đồng ý tăng cường các hoạt động tập trận chung với Bắc Kinh.

Còn Tiến sĩ Bonnie Glaser tin rằng, Trung Quốc đã lặng lẽ tiếp tục các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng và chuẩn bị cho các hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo.

Tờ Business Mirror, Philippines ngày 30/12/2017 dẫn nguồn tin từ Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định: 2017 là năm Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng (bất hợp pháp) trên Biển Đông. 

Trong khi theo đuổi việc tiếp cận ngoại giao với các nước Đông Nam Á, Bắc Kinh vẫn tiếp tục hoạt động bồi đắp, xây dựng các tiền đồn ở một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).

Tổ chức này tính toán, trong năm 2017 Trung Quốc đã xây dựng mới 290 ngàn mét vuông mặt bằng hạ tầng trên đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn ở Trường Sa; đảo Bắc, đảo Cây và đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa.

Việc xây dựng các đường hầm lớn dưới lòng đất làm kho chứa đạn dược, máy bay, tên lửa, nước ngọt, nhiên liệu được bắt đầu trong năm nay và đã hoàn thành; các thiết bị quân sự, ra đa cao tần cũng được lắp đặt. [4]

Điều này đã được ông Tập Cận Bình xác nhận trong Báo cáo Chính trị Đại hội 19.

Có phải Biển Đông bị lãng quên?

Cá nhân người viết cho rằng, Biển Đông hiện nay “nóng” hay “lạnh”, sóng gió hay yêu ả phụ thuộc rất lớn vào 2 siêu cường Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Biển Đông có phải điểm nóng bị lãng quên? ảnh 4

Trung Quốc tăng tốc cuộc đua công nghệ phục vụ mục tiêu bành trướng trên biển

Chúng tôi không tin rằng "những người trong cuộc" có thể "lãng quên" Biển Đông, nhất là người Việt Nam. Tuy nhiên "nóng" hay "lạnh" dưới góc độ truyền thông, còn phụ thuộc vào kẻ giật dây, Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Một số chuyên gia Hoa Kỳ hay học giả đến từ các đồng minh của Mỹ hoài nghi chiến lược an ninh của Nhà Trắng ở Biển Đông là mơ hồ, khó hiểu.

Nhưng nếu quan sát vai trò, hoạt động và sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Biển Đông từ sau Chiến tranh Thế giới II đến nay có thể thấy rất rõ mấy đặc điểm sau đây:

- Mỹ không bao giờ ngăn chặn Trung Quốc thực hiện các hành động xâm chiếm lãnh thổ nước khác, kể cả các chính thể từng là đồng minh của Hoa Kỳ.

- Ngay cả lúc chiến lược xoay trục sang châu Á được người Mỹ đẩy mạnh nhất dưới thời Tổng thống Barack Obama, Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát Scarborough từ đồng minh của Mỹ là Philippines, Washington cũng nhắm mắt làm ngơ.

- Trung Quốc đảo hóa và quân sự hóa bất hợp pháp các cấu trúc địa lý nước này chiếm đóng trái phép trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có thể đe dọa trực tiếp tự do hàng hải hàng không của tuyến đường huyết mạch qua Biển Đông, Mỹ cũng không làm gì ngăn chặn, ngoài phản đối bằng lời và một số hoạt động tuần tra tự do hàng hải.

- Các hoạt động đảo hóa, quân sự hóa mà Trung Quốc tiến hành bất hợp pháp đều do Mỹ phát hiện và chủ động công bố.

Những ví dụ này nói lên điều gì? Theo chúng tôi, chiến lược của Mỹ ở Biển Đông không hề thay đổi. Không có chuyện Mỹ chấp nhận đối đầu với Trung Quốc vì lợi ích của nước khác, cho dù có là đồng minh.

Trong năm 2017, hải quân Trung Quốc từng bắt giữ một thiết bị lặn không người lái của hải quân Hoa Kỳ trên Biển Đông. Ảnh: The Sun.
Trong năm 2017, hải quân Trung Quốc từng bắt giữ một thiết bị lặn không người lái của hải quân Hoa Kỳ trên Biển Đông. Ảnh: The Sun.

Nhưng căng thẳng ở Biển Đông, Bắc Triều Tiên hay eo biển Đài Loan có thể mang lại những hợp đồng béo bở, nhất là vũ khí trang bị, khí tài quân sự.

Còn với Trung Quốc, tham vọng của họ thế nào các nước trong khu vực đều biết rõ, và Bắc Kinh cũng đã tuyên bố công khai.

Trung Quốc đã trở thành một siêu cường kinh tế và quân sự là một thực tế khách quan, ngay cả Hoa Kỳ dù có muốn kiềm chế, cũng không ngăn chặn được. 

Năm 2017, Trung Quốc đã mở rộng được 290 ngàn mét vuông diện tích mặt bằng mà họ bồi lấp được trên các cấu trúc địa lý nước này chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa và Hoàng Sa.

Thời báo Hoàn Cầu cũng khẳng định con số này trong một bài viết xuất bản ngày 24/12/2017.

Chúng tôi cho rằng, "trạng thái bình thường mới" mà Bắc Kinh đã tạo ra trên Biển Đông hiện nay khó có thể đảo ngược. 

Hoạt động tiếp theo của Trung Quốc sẽ là thúc đẩy mạnh mẽ sáng kiến "Vành đai và Con đường" để phục vụ mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường vị thế lãnh đạo toàn cầu và tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ.

Do đó Biển Đông trong tương lai gần, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sử dụng kế "dĩ dật đãi lao", lấy lực lượng đồn trú trên khắp các căn cứ quân sự họ đã thiết lập ở Biển Đông để phục vụ chiến lược Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21.

Chỉ cần các quốc gia ven Biển Đông gặp khó khăn, khủng hoảng hoặc điều kiện địa chính trị khu vực thay đổi, lực lượng này sẽ đánh chiếm các cấu trúc địa lý mà các bên đang đóng giữ ở Trường Sa, thậm chí cả các bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa các nước ven Biển Đông.

Lịch sử kể từ khi thành lập Trung Hoa Dân quốc đến nay cho thấy, người Trung Quốc sẵn sàng chờ thời cơ vài chục năm, chứ không phải vài năm.

Bởi vậy, nếu các nước nhỏ để xảy ra các tình huống tương tự Scarbrough năm 2012, phần thiệt sẽ luôn thuộc về họ.

Trong tình huống này, các nước ven Biển Đông trong đó có Việt Nam, nên ứng xử như thế nào để giữ được hòa bình ổn định cũng như hiện trạng các quyền, lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông, chúng tôi xin bàn trong bài viết tới.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://edition.cnn.com/2017/12/25/asia/south-china-sea-2017-intl/index.html

[2]https://tuoitre.vn/bien-dong-trong-chien-luoc-an-ninh-quoc-gia-cua-my-20171228085849754.htm

[3]https://www.ft.com/content/5817d3de-e564-11e7-97e2-916d4fbac0da

[4]https://businessmirror.com.ph/china-continues-construction-activities-in-disputed-territories-as-it-pursues-diplomacy-towards-asean/

Hồng Thủy