Cán bộ bị cách chức về lại "ghế" cũ
Ông Đinh La Thăng khi còn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã "trảm" hàng loạt cán bộ có thiếu sót trong chỉ đạo, điều hành, hoặc có vi phạm khi đề bạt, bổ nhiệm.
Trong số này có người bị giáng chức, có người bị chuyển công tác. Tuy nhiên không lâu sau đó, một số người nhanh chóng được quay trở về chức vụ cũ.
Cụ thể, đó là trường hợp ông Nguyễn Viết Hiệp - người vừa được bổ nhiệm (lại) vào vị trí Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội.
Trước đó, tháng 2/2016, sau vụ "lùm xùm" xung quanh việc mua 160 toa xe cũ của cục Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc), ông Đinh La Thăng, đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cách chức ông Hiệp.
Sau đó, ông Hiệp được cho thôi chức Tổng giám đốc công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và được điều động về làm Trưởng ban kế hoạch và kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Nay, ông Hiệp được bổ nhiệm (lại) vào vị trí cũ.
Ông Phạm Tuấn Anh (trái) được trở về chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam. Ảnh trên trang Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam. |
Tương tự là trường hợp ông Phạm Tuấn Anh - người vừa được về lại vị trí Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam.
Trước đó, quyết định bổ nhiệm ông Phạm Tuấn Anh làm Phó Tổng Giám đốc được cho là vượt thẩm quyền và trái quy định hiện hành về trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ.
Tháng 4/2014, ông Đinh La Thăng (khi đó là Bộ trưởng Giao thông vận tải) đã yêu cầu Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam thu hồi quyết định bổ nhiệm sai quy định đối với ông Phạm Tuấn Anh...
Đây là vấn đề rất nhạy cảm
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 2/1/2018, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, cần cân nhắc, thận trọng trong việc bổ nhiệm lại cán bộ từng bị cách chức.
"Trong công tác chỉ đạo, điều hành, bất cứ cá nhân nào cũng có thể gặp phải khuyết điểm, thiếu sót.
Theo luật định, cán bộ, công chức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Quochoi.vn. |
Sau khi hết hạn chịu "án" kỷ luật, nếu cán bộ đó biết ăn năn, hối cải, biết phấn đấu, làm tốt nhiệm vụ được giao thì vẫn được xem xét, bổ nhiệm.
Đồng thời, chúng ta không nên có định kiến và nhìn họ với con mắt, cán bộ mà bị kỷ luật thì mãi là người xấu", Đại biểu Hòa nhận định.
Tuy nhiên, vị Đại biểu Quốc hội cũng lưu ý rằng, việc bổ nhiệm lại vị trí cũ đối với những trường hợp bị cách chức, hủy quyết định bổ nhiệm, là vấn đề rất nhạy cảm.
|
"Cá nhân tôi cảm thấy bất ngờ về những quyết định có phần kỳ lạ này, mặc dù không có quy định nào cấm bố trí lại vị trí, công việc cho cán bộ từng có vi phạm, bị kỷ luật.
Khi nội bộ công tác cán bộ của anh đã có vấn đề này, vấn đề kia, tạo dư luận không tốt thì tốt nhất nên bố trí cán bộ đó vào một vị trí khác, chứ không nhất thiết là vị trí cũ.
Mới đây, vụ việc điều chuyển, bố trí công tác cho một Thượng tá Cảnh sát giao thông Đồng Nai từng có vi phạm, là ví dụ điển hình cho chúng ta thấy, đây là vấn đề rất nhạy cảm, làm không khéo có thể tạo dư luận không hay", Đại biểu Hòa nêu ví dụ.
Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, chỉ nên phục hồi chức vụ cho người đã bị cho thôi chức, cách chức trong trường hợp quyết định kỷ luật đó không đúng người, đúng tội và cán bộ bị kỷ luật có dấu hiệu bị trù dập.
"Nếu người ta bị kỷ luật oan, thì sau khi giải oan nên bố trí lại chức vụ cho người ta.
Còn nếu cán bộ đã có vi phạm, khuyết điểm mà bố trí lại vị trí cũ thì hơi kỳ lạ. Bộ Giao thông vận tải cần xem xét thận trọng vấn đề này", Đại biểu Phạm Văn Hòa lưu ý.