Trước thông tin Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Nội có ý định muốn mua lại 164 toa hàng đã qua sử dụng của Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - ông Đinh La Thăng đã có “lệnh” xử lý nghiêm, yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xem xét và cách chức ông Nguyễn Viết Hiệp - Tổng giám đốc Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Nội.
Thực tế ông Hiệp không bị “trảm” theo đúng nghĩa là cách chức. Ông Hiệp được Hội đồng quản trị Tổng Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Nội biểu quyết miễn nhiệm thôi không ở vị trí là người đại diện 35% vốn của Đường sắt Việt Nam ở Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Nội.
Sau đó, ông Hiệp được điều chuyển sang vị trí là Phó trưởng ban Vận tải Đường sắt Việt Nam.
Hình ảnh đường sắt Việt Nam (ảnh nguồn VOV giao thông - Đài Tiếng nói Việt Nam). |
Dễ thấy, với cách xử lý trên, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã thực hiện êm đẹp quyết định của nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Dư luận, khi chưa rõ tận tường sự việc, đã phấn kích, hoan nghênh vì người làm sai là phải "trảm", nhất lại là người đi mua đồ thải loại của Trung Quốc, làm nghèo đất nước.
Nhưng... xét lại quy trình, chủ trương mua tàu cũ, nhất là khi Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có quyết định bổ nhiệm ông Trần Thế Hùng - Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh thay ông Nguyễn Viết Hiệp giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội... không ít người băn khoăn: Phải chăng ông Nguyễn Viết Hiệp đã rơi vào tình cảnh “quýt làm, cam chịu”?
Chủ trương mua toa hàng cũ của Đường sắt Côn Minh là từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Chính Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã làm việc với Đường sắt Côn Minh và giao cho Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Nội thực hiện, thể hiện qua công văn số 1442 ngày 3/8/2015 do ông Nguyễn Hữu Tuyên - Trưởng ban vận tải và đầu máy toa xe thừa lệnh ký.
Mua tàu cũ Trung Quốc, người đề xuất chủ trương được thăng chức (GDVN) - Ông Trần Thế Hùng - Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh (đơn vị đề xuất chủ trương mua tàu cũ Trung Quốc) được bổ nhiệm làm TGĐ Tổng Công ty Vận tải Đường sắt HN. |
Nội dung công văn 1442 ghi rõ: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã làm việc với Cục Đường sắt Côn Minh về việc mua các toa xe đã qua sử dụng khổ đường 1000mm của Cục Đường sắt Côn Minh về vận dụng trên đường sắt Việt Nam.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giao cho Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội trực tiếp thương thảo ký hợp đồng và mua các toa xe đã qua sử dụng…
Lạ lùng hơn, văn bản số 399 ngày 15/10/2014 gửi tới ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên và ông Vũ Tá Tùng - Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, do Ban Kế hoạch kinh doanh của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ký. Nội dung: Báo cáo việc thực hiện chỉ đạo của Tổng giám đốc tại bút phê văn bản số 229 ngày 29/8/2014 về việc mua toa xe đã qua sử dụng của Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc).
Ông Trần Ngọc Thành có bút phê tại văn bản số 339 là "đồng ý chủ trương”, còn bút phê “chuyển bà Hương tham mưu lập dự án, xác định chủ đầu tư”, không rõ có phải là của ông Vũ Tá Tùng hay không?
Nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, chỉ mỗi ông Nguyễn Viết Hiệp là chịu “án”. Chỉ đạo của nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trong việc chủ trương mua toa xe hàng cũ của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chỉ mới thực hiện được 1/3, bởi Bộ trưởng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo rõ công văn số 1442 do ông Nguyễn Hữu Tuyên ký.
Chỉ một ngày sau, ông Đinh La Thăng không còn là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nữa khi được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM. Liệu có hay không Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho “êm ru” chuyện phải làm rõ công văn 1442? Nếu làm rõ đúng như chỉ đạo của nguyên Bộ trưởng, thì đâu chỉ mỗi ông Nguyễn Viết Hiệp phải “giơ lưng chịu đòn”?
Không những thế, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lại một lần nữa khiến dư luận bất ngờ khi Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quyết định bổ nhiệm ông Trần Thế Hùng - Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Nội. Ai cũng rõ Ban Kế hoạch kinh doanh lại là đơn vị tham mưu cho việc mua toa tàu cũ của Trung Quốc.
Hẳn, nếu ông Đinh La Thăng còn ngồi ghế Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, liệu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có xử lý vụ việc như kiểu “quýt làm cam chịu” thế không?