Nhiều thầy cô đang dạy thêm vì tiền

10/01/2018 07:02
Phan Tuyết
(GDVN) - Trong số những thầy cô dạy thêm “khủng”, có không ít những giáo viên luôn sử dụng chiêu bài ép học sinh phải tới lớp học thêm của mình.

LTS: Bày tỏ sự bất bình trước chuyện giáo viên ép học sinh đi học thêm, cô giáo Phan Tuyết nhắn nhủ đến các đồng nghiệp đang đứng trên bục giảng hãy lắng nghe tiếng lòng của các học trò để giữ gìn thanh danh cho nghề giáo.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhiều giáo viên đang lý giải chuyện dạy thêm của mình là do nghèo, do lương không đủ sống.

Thế nhưng trong thực tế, không ít giáo viên dạy thêm các môn Toán, Anh văn thu nhập một tháng từ vài chục đến dăm chục triệu đồng/tháng.

Nếu là vì tiếng tăm, vì năng lực thật sự của thầy cô nên tiếng lành đồn xa các học sinh nhiều nơi tìm về “tầm sư học đạo” là hoàn toàn xứng đáng.

Nhưng trong số những thầy cô dạy thêm “khủng” thế này, có không ít những giáo viên luôn sử dụng chiêu bài ép học sinh phải tới lớp học thêm của mình.

Ngược lại, những giáo viên chỉ sống nhờ đồng lương, dạy thêm thu vài ba triệu đồng chỉ đỡ đần cho cuộc sống đỡ vất vả lại luôn mở rộng vòng tay cưu mang, đùm bọc học sinh nghèo và chẳng bao giờ ép buộc các em đi học thêm với mình.

Ảnh minh họa, nguồn: laodong.vn
Ảnh minh họa, nguồn: laodong.vn

Nghịch lý này đang diễn ra khá phổ biến ngoài đời. Có ai giải thích được vì sao không?

Đọc bức tâm thư mà học sinh huyện Núi Thành gửi cho thầy cô của mình tại Trường Trung học phổ thông Núi Thành không khỏi nghẹn lòng:

Thưa thầy cô, trường mình có nhiều bạn gia đình rất khó khăn chứ không phải ai cũng có điều kiện học thêm.

Có nhiều bạn có bố, có mẹ làm nghề biển lênh đênh trên biển hàng tháng trời.

Những ngày biển động như đợt bão lũ vừa qua, các bạn phải cùng những người mẹ, người chị ngóng trong thắc thỏm đợi người thân từ biển trở về. 

Với những bạn gia đình có điều kiện thì 300 – 500.000 đồng không là gì nhưng với những gia đình nghèo đó là cả một số tiền lớn, không dễ kiếm ra.

Thế nhưng, có nhiều bạn vì không có điều kiện đi học thêm mà phải thi lại, ở lại lớp, có nhiều bạn bỏ đi học nghề, đi phụ quán cơm kiếm tiền…”.

Ai đọc bức thư cũng cảm thấy xúc động, thấy nghẹn ngào. Nhưng chẳng biết những giáo viên thấy hình bóng của mình thấp thoáng trong đó sẽ nghĩ gì?

Nhiều thầy cô đang dạy thêm vì tiền ảnh 2Tâm thư của học sinh nhà nghèo “bị ép học thêm”

Đó không chỉ là bức tâm thư các em học trò dành cho những giáo viên nơi ấy.

Đó là tiếng lòng của những học sinh trên khắp miền đất nước muốn nhắn gửi tới thầy cô, những người đang dạy những điều hay lẽ phải, những người đang rao giảng những bài học đạo đức về tình người.

Và cũng là nỗi bất bình, bức xúc trước sự chèn ép của nhiều giáo viên để bằng mọi cách tận thu càng nhiều tiền học thêm càng ít.

Để đến nỗi học sinh phải thốt lên những lời thảng thốt, bi quan như thế “Những lúc nghe bài hát Người Thầy, nhiều bạn nói nghe sao không đúng gì hết…”.

Nhiều trường, nhiều địa phương chuyện giáo viên dùng thủ thuật thậm chí thủ đoạn để bằng mọi cách bắt buộc học trò đi học thêm với mình khá nhiều.

Có điều các em không đưa lên mạng xã hội Facebook tâm sự, không viết tâm thư hay làm đơn tố cáo nên khá nhiều người nghĩ nơi này nơi kia không có chuyện đó.

Cứ ngồi ở các quán nước ven đường xung quanh trường học thì những câu chuyện về thầy cô (chuyện tốt quá ít ỏi, chủ yếu là chuyện xấu nghe cả ngày không hết).

Nhiều tâm sự giống những học sinh Núi Thành:

Thầy cô có biết trong trường chúng em phải nén ấm ức làm trò ngoan, còn nơi quán trà sữa, quán nước thì những câu chuyện đau lòng như trên được các bạn kể với nhau trong nỗi ấm ức”.

Nhiều thầy cô đang dạy thêm vì tiền ảnh 3Đa số giáo viên dạy thêm vì….tiền

Thế là hình ảnh những người thầy đáng kính đã vĩnh viễn mất đi trong mắt học trò mà thay vào đó là những ông, những “bà la sát” suốt ngày nhắc đến tiền.

Có những giáo viên bước chân vào lớp học thêm câu đầu tiên là hỏi “hôm nay có ai đóng tiền không?”.

Và sau đó là bài ca quen thuộc khi trò đi học hết tháng mà chưa đóng tiền cho thầy.

Có thầy để chắc ăn bèn quy định thu tiền ngày là 25 ngàn đồng/buổi. Trò cứ vào lớp là bày tiền trên bàn tính tính, đếm đếm.

Những nắm tiền lẻ nhàu nát, cũ mèm đôi khi còn dính nước nhèm nhẹp chắc vừa được mẹ dúi vội bên hàng rau hàng cá chẳng phải là hiếm hoi.

Có em năn nỉ thầy cô vì gia cảnh ngặt nghèo, ba mẹ chưa xoay nổi tiền đóng học “mẹ nói thầy cho con nợ tháng sau?”, tiếng thầy vang lên trong bực tức “nợ, nợ hoài. Em biết giờ là mấy tháng rồi không?

Nói thế nhưng thầy còn để cho ngồi học đã là may.

Có thầy thẳng thừng đuổi trò ra về mà không cần lắng nghe thêm vì sao em ấy lại chậm đóng tiền đến thế?

Nhìn em lầm lũi bước ra khỏi lớp học, bạn bè chỉ biết đưa cặp mắt buồn nhìn theo nhưng thầy cô không bộc lộ cảm xúc nghĩ cũng lạ.

Có cô nêu tên trò chưa nộp tiền trước nhóm học “Hương 2 tháng chưa nộp tiền rồi đấy”… và bài ca kể khổ, sự vất vả, cực nhọc khi phải dạy thêm nhưng trò lại quỵt tiền… lại vang lên rỉ rả.

Không ai bảo dạy thêm là xấu, nhưng dùng thủ đoạn để ép trò phải đi học thêm quả không xứng đáng làm thầy.

Đừng vì chút lợi kinh tế trước mắt mà làm vấy đục thanh danh đẹp đẽ của nghề giáo bao đời.

Những thầy cô giáo đang dạy thêm bằng những cách xấu xa, ti tiện ấy, hãy một lần tĩnh tâm, lắng nghe tiếng lòng của những học sinh mình nhé!

Phan Tuyết