LTS: Tiếp tục chỉ ra những bất cập trong vấn đề đặt chỉ tiêu trong nhà trường, nhà giáo có nhiều năm đứng lớp Nam Phương cho thấy thực trạng ngành giáo dục với những chiêu gian dối cần sớm được loại bỏ.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngoài những Thông tư từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa xuống khống chế về các chỉ tiêu chất lượng thì ở từng trường học Ban giám hiệu nhà trường cũng lại đưa ra những chỉ tiêu riêng do chính trường ấn định.
Chỉ tiêu riêng từng trường phụ thuộc vào thương hiệu trường đó.
Trường tiếng tăm càng lớn thì chỉ tiêu đưa ra càng cao mà chẳng cần quan tâm thực lực học sinh của mình thế nào, cứ y như thế mới xứng với đẳng cấp của trường mình.
Dù biết so sánh kiểu này là khập khiễng nhưng quả thật chẳng khác gì một cô gái hôm nay chưa tên tuổi gì được mời đi sự kiện thì cát xê chỉ đủ vài ngày ăn sáng nhưng ngày mai bất ngờ đăng quang một danh hiệu gì đó đã có quyền hét cát xê mức trên trời.
Trường bình thường, trường không tên tuổi thì chỉ tiêu Ban giám hiệu đưa ra cũng dễ thở hơn.
Cụ thể bậc tiểu học, có trường đưa chỉ tiêu học sinh lên lớp thẳng là 99%, trường là 98%.
Học sinh nổi trội và xuất sắc từ 60% trở lên, học sinh đạt từ điểm 5 trong kì thi là 98%...
Nhà trường áp chỉ tiêu chất lượng giáo dục chỉ khiến giáo dục thêm bệnh thành tích và gian dối. (Ảnh: vtv.vn). |
Bậc trung học cơ sở thì chỉ tiêu cho từng môn học có trường phải đạt phải đạt từ 95-99% trở lên, có trường chỉ 85-90% …học sinh lưu ban trường tiếng tăm thường không quá 1% của lớp, trường bình thường là 2%.
Ngay cả việc duy trì sĩ số với các trường chuẩn luôn ở mức 100% …
Sau chỉ tiêu là số điểm trừ áp cho giáo viên không hoàn thành chỉ tiêu theo quy định.
Ví dụ, cứ thua 1% chỉ tiêu theo quy định, giáo viên bị trừ 5 điểm thi đua.
Nếu vượt chỉ tiêu đương nhiên sẽ được cộng bằng số điểm ấy…
Dù chỉ tiêu cao ngất ngưởng như thế, thầy cô nào cũng thấy áp lực đè nặng nhưng không vì thế mà họ bỏ bê học trò.
Nhìn chung phần đông giáo viên đều quyết tâm nỗ lực để đạt được chỉ tiêu theo yêu cầu.
Những nỗ lực của thầy
Thấy rõ nhất là bậc tiểu học, thường thì giáo viên chủ nhiệm dạy từ 20-25 tiết/tuần ở lớp chủ nhiệm.
Ngoài sự tận tình của thầy cô trong từng bài giảng, những tiết nghỉ, những giờ giải lao, có khá nhiều giáo viên vẫn miệt mài ngồi bên những học trò chậm tiến để giảng giải thêm cho các em một số kiến thức thiếu hụt.
Thầy cô kiên nhẫn chờ sự tiến bộ của các em.
Với những đối tượng này khi dạy, giáo viên còn phải vất vả gấp nhiều lần vì cùng lúc dạy hai chương trình trong một lớp.
Nếu các em đang học lớp 2 giáo viên phải dạy cả chương trình lớp 1.
Là lớp 3 thầy cô phải dạy lại chương trình lớp 2…
Những học sinh đặc biệt của lớp còn được giáo viên áp dụng phương pháp dạy phân hóa như đặc cách không phải học một số môn năng khiếu chỉ để tập trung thời gian nâng cao kiến thức toán, tiếng Việt.
Những ngày nghỉ lễ, những ngày hè, có giáo viên còn đến trường để kèm miễn phí cho các em.
Bậc trung học cơ sở học sinh đã lớn nên khá nhiều em học theo ý thức của mình.
Có em học rất tốt môn này nhưng lại bỏ bê môn học khác.
Thế là để học trò học môn của mình, giáo viên đã phải thay đổi rất nhiều như dạy bằng bài giảng điện tử, dạy thực hành ngoài trời, dạy nhóm, dạy theo hoạt cảnh phân vai, đóng kịch… phương pháp dạy học thay đổi, hình thức tổ chức lớp học phong phú, thái độ thầy cô cũng nhẹ nhàng hơn.
Nhưng có phải học sinh nào cũng thấy được sự nỗ lực của thầy cô để học. Có em chây lười và càng tỏ ra chống đối.
Bản thân em và ngay chính gia đình cũng không quan tâm nhiều đến việc học nên thầy cô có dạy dỗ thế nào, có tạo điều kiện ra sao thì trò vẫn cứ không chú ý.
Sau mọi nỗ lực mà chẳng thay đổi được gì, giáo viên buộc phải giở “chiêu trò” để tự cứu lấy mình.
Nếu thầy cô không biết cứu mình thì bao công sức, bao sự nỗ lực suốt cả năm học sẽ trôi sông trôi biển.
Thế là những mánh lới những thủ thuật được bung ra và nguồn cơn của sự dối trá bắt nguồn từ đó.
Đủ kiểu để đạt chỉ tiêu
Với học sinh tiểu học chỉ có 8 bài kiểm tra trong một năm (khối 1, 2, 3 chỉ có 4 bài) thế nên chuyện hợp thức hóa những bài kiểm tra này để học sinh có đủ điều kiện lên lớp chẳng có gì khó.
Ngày thi, thầy cô chỉ cần xếp em giỏi ngồi bên em yếu giáo viên phải “nhờ vả” theo kiểu “có gì con chỉ cho bạn làm bài với”.
Được lời thầy cô, bài làm của học sinh yếu có khi không đạt 5 điểm mà đạt bằng ngay điểm của bạn bên cạnh mình.
Nếu xếp học sinh giỏi ngồi cạnh nhưng bài thi vẫn dưới trung bình thì giáo viên sẽ tự điều chỉnh hay xin đồng nghiệp chấm bài nới tay.
Chính người đồng nghiệp cũng đang rơi vào hoàn cảnh giống mình nên chuyện hiểu và sẵn sàng giúp đỡ nhau là chuyện dễ như trở bàn tay.
Với bậc trung học cơ sở học sinh có khá nhiều cột điểm như điểm miệng, điểm 15 phút, điểm kiểm tra 1 tiết và điểm thi.
Thầy cô cũng có khá nhiều cách để nâng chất lượng học sinh như ra đề cương thật dễ, giới hạn đến mức không thể giới hạn nữa.
Nếu bài làm của các em không đạt, giáo viên sẽ "cấy" điểm miệng, giở "chiêu" cộng điểm khi ngồi trong lớp trật tự, đưa câu hỏi cực dễ, mời học sinh ấy phát biểu và hào phóng ban điểm thưởng… chiêu này công khai mà lại rất hiệu quả.
Ngoài việc phải đảm bảo chi tiêu chất lượng về học tập thì việc thầy cô đêm ngày cũng lo ngay ngáy lớp mình chủ nhiệm có học sinh bỏ học giữa chừng.
Một lớp có 2 em bỏ học xem như giáo viên năm ấy chỉ xếp loại thi đua loại trung bình.
Và sau nhiều lần đến nhà vận động học sinh ra lớp không được thầy cô tự làm hồ sơ khống cho các em chuyển trường.
Thế mới có chuyện một số giáo viên phổ cập nói rằng trong hồ sơ phổ cập của xã phường không có học sinh bỏ học nhưng thực tế có khá nhiều em nghỉ học ở nhà chơi lêu lổng.
Người ta cứ hô hào phải dạy thật, đánh giá thật nhưng chính những người hay hô hào ấy lại đưa cái vòng kim cô treo lơ lửng trên đầu giáo viên để sẵn sàng thít chặt những ai không hoàn thành chỉ tiêu ấy.