LTS: Nền giáo dục của chúng ta nhiều năm gần đây đang trên đà lao dốc và nguyên nhân phần lớn thuộc về căn bệnh thành tích - một căn bệnh trầm kha đã đang ngự trị, góp phần tàn phá chất lượng giảng dạy tại các nhà trường.
Là một nhà giáo tâm huyết với nghề, tác giả Thanh An đã có những chia sẻ về tình trạng đáng buồn trên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục, điều chúng tôi trăn trở nhất là các hội thi, kì thi, kiểm tra của cả giáo viên và học sinh bây giờ phần nhiều là giả dối, nặng thành tích. Chẳng mấy kì thi được tổ chức và coi thi nghiêm túc để đánh giá đúng thực tế.
Giáo viên cũng chạy theo thành tích, nhà trường cũng chạy theo thành tích và các cơ quan quản lí cũng chạy theo thành tích.
Nhiều giáo viên và các đơn vị nhà trường thì sợ bị cấp trên phê bình, sợ mất thi đua, rồi “thương” học trò…Thành thử bệnh dối trá nhau cứ lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác và không có dấu hiệu “lui bệnh”.
Căn bệnh thành tích, giả dối trong giáo dục (Ảnh minh họa: LEO). |
Phải nói thẳng rằng các cuộc thi, kì thi của cả giáo viên và học sinh hiện nay rất nhiều.
Giáo viên thì thi giáo viên dạy giỏi các cấp, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi viết sáng kiến kinh nghiệm, thi làm đồ dùng dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Học sinh thì thi học sinh giỏi các môn văn hóa, thi qua mạng, thi hội khỏe Phù Đổng, thi kĩ năng, nghi thức đoàn - đội, thi vẽ, thi hát…
Trong vô vàn các cuộc thi như vậy dĩ nhiên là rất tốn kém về tiền của và thời gian của nhà nước, đơn vị và người tham gia nhưng nhiều cuộc thi nó giống như một trò hề, không hơn, không kém.
Đối với giáo viên thì kì thi giáo viên giỏi là kì lạ nhất. Mang tiếng rất oai là “giáo viên giỏi” nhưng thi lý thuyết giáo viên đều đem tài liệu vào… chép.
Những năm gần đây, mạng internet phát triển thì nhiều giáo viên mang điện thoại vào phòng thi để tìm kiếm tài liệu qua goole.com. Trong phòng thi thì trao đổi với nhau để cùng làm bài mặc kệ sự hiện diện của 2 giám thị coi thi.
Kết quả phần thi lý thuyết cực kì hiếm giáo viên thi trượt. Không chỉ đỗ, mà phần lớn giáo viên đều đỗ với kết quả cao!
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện tượng này phổ biến ở khắp các nơi…
Điệp khúc các địa phương cứ đến thời điểm là tổ chức thi - chấm giải - công nhận giải rồi phát thưởng, cuối năm căn cứ vào thành tích để xét thi đua!
Thi sáng kiến kinh nghiệm thì nhiều giáo viên xin xỏ của những giáo viên ở địa phương khác hoặc lên mạng tải về rồi cắt, dán thành sản phẩm cho mình. Thậm chí có người thuê giáo viên khác viết để hòng lấy thành tích.
Thi đồ dùng dạy học thì phần nhiều giáo viên thuê thợ mộc, thợ sắt, thợ điện tử làm sản phẩm…
Ngày trước, hệ đào tạo từ xa còn dạy thịnh hành cho giáo viên tiểu học và trung học cơ sở thì bài kiểm tra toàn là mượn giáo viên khác làm.
Thế rồi cũng tốt nghiệp, được chuyển ngạch và tăng lương bình thường như giáo viên tốt nghiệp các trường đại học chính quy khác.
Chính vì căn bệnh thành tích, bệnh dối trá đã ngấm sâu vào tâm trí của nhiều người nên đầu năm học thì ban giám hiệu giao chỉ tiêu cho từng môn, từng khối.
Vì vậy, trong quá trình kiểm tra, coi thi phải bằng mọi cách để kéo tỉ lệ học sinh lên mức khá giỏi theo đúng chỉ tiêu.
Kì thi học kì thì nhiều giáo viên đã ra đề cương, đáp án sẵn cho học trò. Khi ra đề thì đối với các môn tự nhiên chỉ thay đổi vài con số nhưng vẫn cùng dạng với đề cương, với những bài giáo viên đã ôn tập trên lớp.
Nhiều học sinh tiểu học còn được thầy cô chủ nhiệm đưa sẵn bài văn để học thuộc, rồi viết đi viết lại nhiều lần để khi kiểm tra học kì chép vào. Vậy nên, bây giờ các bài văn cũng mặc áo “đồng phục” như nhau.
Khi tổ chức thi học kì thì dù có xếp số báo danh theo bảng chữ cái để xáo trộn học sinh các lớp nhưng tính trung thực vẫn không được phát huy.
Phần vì các bàn kê sát với nhau, nhiều bàn phải xếp 2 học sinh ngồi nên các em vẫn có thể trao đổi với nhau.
Nhất là đối với các em học sinh cấp 2-3 thì có muôn phương, nghìn kế để giúp đỡ nhau bởi phần nhiều bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm thì việc khoanh tròn các đáp án dễ như trở bàn tay.
Đó là chưa kể nhiều giám thị coi thi chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Ngồi coi thi mà cứ lờ đi những vi phạm của học trò để bấm điện thoại hoặc ra ngoài tán gẫu với nhau ở hành lang…
Với cách kiểm tra như vậy nên học sinh bây giờ thường nói với nhau rằng “kết quả học tập phụ thuộc vào chỗ ngồi và giám thị coi thi”.
Câu nói trên có phần tiêu cực nhưng rõ ràng đã phản ảnh khá trung thực về thực trạng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập hiện nay của nhiều nhà trường.
Với việc tổ chức kiểm tra, coi thi như vậy nên học sinh bây giờ rất hiếm có học sinh trung bình ở các cấp học. Phần nhiều các em đạt kết quả và xếp loại học lực khá giỏi.
Các kì thi có tính ảnh hưởng lớn với ngành và địa phương như thi tuyển sinh 10 thì Sở giáo dục yêu cầu người ra đề thật dễ để học sinh yếu cũng có thể đạt được 5 điểm bởi ra đề khó thì học sinh không làm được bài, điểm thấp quá thì các trường trung học phổ thông “than” chất lượng đầu vào mà lãnh đạo địa phương cũng không vui, uy tín các trường bị đẩy xuống thấp.
Chính vì thế, điểm đầu vào nhiều khi cao bất thường nhưng thực chất thì chỉ người trong cuộc mới hiểu, mới rõ.
Các kì thi văn hóa, phong trào hiện nay thường cơ cấu giáo viên các trường lớn vào làm ban giám khảo. Vì thế, các giải thưởng bây giờ cũng thật giả lẫn lộn. Mỗi kì thi đi qua là mỗi lần giáo viên bàn tán xôn xao.
Nhiều thầy cô ngồi ban giám khảo mà cố giành giật giải thưởng về cho mình, cho đơn vị mình. Kệ mặc hàng trăm đôi mắt đang nhìn vào mình…
Bao giờ ngành giáo dục đánh giá chất lượng giáo đúng với thực chất? Có lẽ, chẳng biết đến bao giờ.
Bởi, các văn bản hướng dẫn hiện hành, hướng dẫn nhiệm vụ năm học, tiêu chí các kì thi đều rõ ràng và đề cao tính trung thực.
Nhưng, cách chỉ đạo miệng, cách thức thực hiện lại không bám vào các văn bản chỉ đạo.
Vì thế, việc đánh giá nửa vời, giả dối đang tiềm ẩn những nỗi lo lớn cho ngành giáo dục và cả xã hội.