Mừng vui và lo lắng trước ngày công bố chương trình môn học mới

15/01/2018 06:45
Phan Tuyết
(GDVN) - Nhiều ý kiến bày tỏ vui mừng trước những cải tiến về các môn học tại phổ thông, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều băn khoăn, đặc biệt về đội ngũ giáo viên...

LTS: Trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình môn học mới, cô giáo Phan Tuyết tổng hợp một số ý kiến vui mừng trước những đổi mới nhưng đồng thời cũng đưa ra một số băn khoăn.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sắp công bố chương trình môn học mới.

Chia sẻ với báo chí, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, chương trình tiếng Việt/ngữ văn mới dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chú trọng đến những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp.

Trong chương trình trung học phổ thông chỉ còn 6 tác phẩm văn học mang tính bắt buộc gồm: bài thơ "Thần" Nam Quốc Sơn Hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập.

Các tác phẩm văn học khác đưa vào phụ lục.

Và hàng loạt những môn học khác cũng có nhiều điểm mới so với trước đây.

Cụ thể, môn Toán có tới 21% tổng thời lượng chương trình phổ thông dành cho nội dung ứng dụng.

Nhiều người vui mừng trước những đổi mới dự kiến trong chương trình mới nhưng vẫn còn đó những băn khoăn. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Nhiều người vui mừng trước những đổi mới dự kiến trong chương trình mới nhưng vẫn còn đó những băn khoăn. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Các vấn đề liên quan đến tài chính sẽ được đề cập giúp học sinh biết vận dụng kiến thức toán học trong giải quyết một số vấn đề về đầu tư hay lãi suất và vay nợ của tổ chức tín dụng...

Các dạng bài tập lắt léo, phục vụ thi cử sẽ bị loại bỏ.

Ở môn Nghệ thuật, hứa hẹn học sinh bậc Trung học phổ thông sẽ được học thiết kế thời trang, đồ họa, thiết kế trang web, chế tác thủ công...

Các môn khoa học tự nhiên sẽ được thiết kế theo hướng ứng dụng, gắn với thực tiễn cuộc sống và bám sát bản chất môn học.

Các kiến thức quá khó, hàn lâm sẽ được lược bỏ.

Hoạt động trải nghiệm chỉ còn 4 nội dung hoạt động phát triển cá nhân; hoạt động lao động; hoạt động xã hội, thiện nguyện; hoạt động hướng nghiệp.

Thời gian dành cho hoạt động trải nghiệm ngoài các tiết chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp, sẽ có các tiết học theo chuyên đề, hoạt động ngoài giờ lên lớp (8 tiết/tháng).

Mừng vui và lo lắng trước ngày công bố chương trình môn học mới ảnh 2Những yêu cầu mới đối với môn Ngữ văn liệu có thành hiện thực?

Môn Đạo đức, Giáo dục công dân cũng được điều chỉnh mạnh mẽ.

Ở bậc tiểu học, môn Đạo đức hướng tới giáo dục hành vi, kỹ năng.

Bậc Trung học cơ sở chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm công dân, giáo dục pháp luật, bậc Trung học phổ thông chú trọng giáo dục pháp luật và kinh tế.

Niềm vui vì sự thay đổi lớn.

Điều thay đổi được nhiều người quan tâm nhất là học sinh sẽ không phải học thuộc lòng Văn, Sử như trước đây, các em còn được dạy thiết kế thời trang, đồ họa, thiết kế trang web, chế tác thủ công...

Ở môn Toán sẽ khắc phục hạn chế của lối dạy nặng về truyền thụ ứng thí, khiến môn học nặng nề, tạo nhiều áp lực cho học sinh.

Môn Lịch sử ở tiểu học có sự thay đổi khá nhiều. Nếu như trước đây, môn Lịch sử lớp 4 ở tiểu học, kiến thức được trình bày trong 19 bài theo kiểu "thông sử" từ thời kỳ nhà nước Văn Lang cho đến "văn học và khoa học thời hậu Lê".

Môn Lịch sử lớp 5, học sinh phải học từ cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược và đô hộ cho đến thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước từ 1975 đến nay.

Với kiến thức yêu cầu như thế (những đứa trẻ mới lên 9 lên 10) là quá nặng. Để gò trẻ học và nhớ thì thầy cô chỉ còn cách bắt các em học thuộc lòng.

Học mà không hứng thú, không hiểu nên thuộc trước quên sau và hầu như các em chẳng nhớ gì.

Nay kiến thức sẽ chủ yếu dạy những câu chuyện, có chủ đề gần gũi cuộc sống.

Ở lứa tuổi này khi các em mới 9-10 tuổi thì việc tiếp cận với những câu chuyện lịch sử và khám phá sơ lược về kiến thức môn học như thế là vừa sức với các em.

Bày tỏ sự ủng hộ và vui mừng, bạn Thanh Bình tỏ ra khá vui khi “Học sinh sẽ không phải học thuộc lòng Văn, Sử như trước đây gây quá nhiều áp lực.

Ngoài ra, các em còn được dạy thiết kế thời trang, đồ họa, thiết kế trang web, chế tác thủ công...học phải đi đôi với hành chứ”.

Bạn Anh Tri “Hoan nghênh sự đổi mới! Không bắt học sinh học thuộc lòng là giảm được nhiều thời gian lãng phí vô ích.

Đề nghị tiến tới cải cách chương trình giáo dục đại học như giảm bớt thời lượng các môn Triết học, chủ nghĩa khoa học, tư tưởng...

Thay vào đó tăng cường dạy ngoại ngữ, tin học, luật quốc tế cơ bản... để sinh viên Việt Nam dễ dàng thích nghi trong thời kỳ hội nhập, đủ sức làm việc trong môi trường quốc tế”.

Mừng vui và lo lắng trước ngày công bố chương trình môn học mới ảnh 3Tích hợp môn Lịch sử, cuộc “cưỡng hôn kì lạ”

Ban The House ủng hộ “Hay!Tiệm cận với nền giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới.

Hãy để những giáo viên giỏi sáng tạo trên khung chương trình của Bộ Giáo dục”.

Bạn Hoang Hanh cho rằng “Một đề xuất quá hay! Giảm bớt áp lực cho học sinh các môn "học thuộc lòng" và các môn "hàn lâm" mà tăng các môn thực hành”.

Bạn Hiếu Trần cho biết “mình thấy chương trình mới có vẻ hay và phù hợp thực tế hơn, hy vọng sẽ cải thiện được tu duy và cách làm việc của người Việt”.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, vẫn còn không ít những băn khoăn, lo ngại

Chương trình môn Lịch sử và Địa lý mới bắt đầu từ lớp 4 và kết thúc ở lớp 5 với việc tìm hiểu các nước láng giềng, khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Chương trình cũ chỉ mới học Lịch sử Việt Nam mà học sinh còn không nắm được.

Ngay cả những nhân vật nổi tiếng như Quang Trung, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Nguyễn Du, Kim Đồng…

Nay phải học thêm phần Lịch sử thế giới. Với đầu óc non nớt của tuổi mới lớn, các em sẽ phải học và nhớ thế nào đây?

Hai môn Lịch Sử và Địa lý đã được tích hợp thành một môn Lịch sử &Địa lý.

Với kiểu tích hợp cơ học dồn 2 môn vào một cuốn sách để in như hiện nay chỉ làm cho chiếc cặp của học sinh nặng hơn vì ngày học Sử cũng phải mang sách Lịch sử & Địa lý và ngược lại.

Đồng thời làm khổ giáo viên khi ra đề thi buộc phải theo quy định 50% kiến thức Sử, 50% kiến thức Địa nhưng buộc phải xuyên suốt gần 2/3 chương trình đã học với đủ 4 mức độ theo yêu cầu.

Bậc Trung học cơ sở tích hợp 3 môn Lý, Hóa, Sinh thành môn chung Khoa học tự nhiên nhưng vẫn do 3 giáo viên dạy gây không ít rắc rối cho việc phân công chuyên môn, phân chia bài kiểm tra, cộng điểm, vào sổ điểm, theo dõi môn học ở nhà trường…

Vậy có nhất định phải tích hợp như thế không?

Có bạn người thắc mắc việc dạy học sinh thiết kế thời trang, đồ họa, thiết kế trang web, chế tác thủ công… giảm thời lượng lý thuyết tăng việc học thực hành như thế là hay nhưng giáo viên dạy như thế có hiệu quả?

Nếu trông chờ vào đội ngũ giáo viên hiện nay (sau khi đi học tập huấn ít ngày) thì chất lượng giảng dạy những môn học này liệu có được nâng lên?

Chương trình mới nhưng giáo viên vẫn cũ ngay cả hiện nay số sinh viên đang được đào tạo trong các trường sư phạm lại yếu và chương trình đào tạo cũng chưa thể gọi là mới thì e rằng sự đổi mới này cũng chẳng thể mang đến hiệu quả như mong muốn.

Phan Tuyết