Những yêu cầu mới đối với môn Ngữ văn liệu có thành hiện thực?

13/01/2018 06:48
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Mấu chốt, “sống còn” của môn Ngữ văn nằm ở cách biên soạn nội dung, chương trình, sách giáo khoa và chất lượng, phương pháp dạy học của người thầy.

LTS: Là giáo viên đang giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở bậc trung học phổ thông (22 năm), trước những yêu cầu mới về chương trình môn Ngữ văn, tác giả Đỗ Tấn Ngọc đã đôi điều chia sẻ và phân tích.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới đây, trao đổi với báo Tuổi trẻ nhân việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sắp công bố chương trình môn học mới, về môn Ngữ văn, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đặc biệt lưu ý tới các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Theo Giáo sư Thuyết, Chương trình tiếng Việt/Ngữ văn mới dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chú trọng đến những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp. 

Giảng dạy bộ môn Ngữ văn (Ảnh minh họa: Anh Khôi).
Giảng dạy bộ môn Ngữ văn (Ảnh minh họa: Anh Khôi).

Sẽ chỉ có 6 tác phẩm đưa vào chương trình mang tính bắt buộc là bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc Tuyên ngôn độc lập. Các tác phẩm văn học khác đưa vào phụ lục. 

Các nhóm tác giả viết sách giáo khoa có thể chủ động lựa chọn các tác phẩm khác nhau đưa vào sách giáo khoa, nhưng đều hướng đến việc thông qua các ngữ liệu để phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Việc thi cử ở bộ môn này cũng có sự đổi mới. Trước đây đề thi môn ngữ văn chỉ gói gọn trong một số tác phẩm văn học có trong sách giáo khoa.

Nhưng khi đề thi hướng đến kiểm tra năng lực, phẩm chất người học, chứ không kiểm tra nội dung kiến thức học thuộc, thì thí sinh hoàn toàn có thể sử dụng các ngữ liệu khác nhau để đáp ứng yêu cầu của đề thi.

Chương trình môn Ngữ văn sẽ chú trọng hình thành phương pháp đọc hiểu, cách tạo lập văn bản, thực hành, vận dụng nhiều kiểu loại văn bản khác nhau, cách trình bày, nhằm phát triển năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ của người học.

Trong yêu cầu của môn học, nhóm soạn thảo cũng đặt ra điều kiện dạy học tối thiểu là ngoài sách giáo khoa các nhà trường cần có tủ sách tham khảo với nhiều loại sách, có đủ các văn bản từ tác phẩm văn học đến văn bản thông tin.

Trong 6 tác phẩm mang tính chất bắt buộc ở bộ môn Ngữ Văn bậc trung học phổ thông thì có đến 5 tác phẩm thuộc Văn học trung đại, 1 tác phẩm (Tuyên ngôn độc lập, thực ra là văn bản chính luận) thuộc Văn học hiện đại. Chủ nghĩa yêu nước và cảm hứng nhân đạo vẫn là nội dung, tư tưởng chủ đạo của các tác phẩm trên.

Những yêu cầu mới đối với môn Ngữ văn liệu có thành hiện thực? ảnh 2Hai năm tới là cơ hội và thách thức của các thầy cô dạy môn Ngữ Văn

Là giáo viên đang giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở bậc trung học phổ thông (22 năm), xin nói thật, tôi không thích 3 tác phẩm: bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Văn nghĩa sĩ Cần Giuộc…cho lắm.

Hơn nữa, 2 tác phẩm: Hịch tướng sĩ, Văn nghĩa sĩ Cần Giuộc thật sự nặng nề, khó hiểu, nhiều điển tích, điển cố, thi liệu, văn liệu của văn hóa, văn học Trung Hoa. Thầy cô và học sinh từng chán ngán, mỏi mệt khi dạy học 2 tác phẩm này.

Tôi mong các nhà soạn thảo chương trình nên chọn những tác phẩm khác thuộc văn học hiện đại và nội dung, tư tưởng phong phú, đa dạng (như yêu nước và nhân đạo) để thầy - trò dễ cảm nhận, dạy và học trong môi trường văn hóa - giáo dục hiện đại.

Các nhà soạn chương trình, sách giáo khoa nên hỏi ý kiến giáo viên dạy văn bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông cả nước, có mấy người thích thú và dạy tốt những tác phẩm văn học trung đại ấy?

Theo tôi, trước hết, trong thiết kế, biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới bộ môn này ở thời gian sắp tới, các nhà viết chương trình, viết sách cần toát lên được đặc trưng, chức năng của môn học khoa học, môn học công cụ và môn học giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, nhân văn. 

Cắt bỏ những thông tin, kiến thức, tác phẩm lạc hậu, trùng lặp, hàn lâm, vô bổ, xa rời thực tế, ít có tính ứng dụng, không phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh.

Cụ thể bớt đi những tác phẩm Văn học trung đại, Thơ Đường (Văn học Trung Quốc) đang chiếm một khối lượng, tỉ lệ khá lớn ở chương trình, sách giáo khoa  trung học cơ sở và trung học phổ thông hiện hành. 

Đặc điểm của nó sử dụng thi pháp Trung đại, có nhiều điển tích, điển cổ, ngữ liệu, thi liệu cổ nên rất khó tiếp nhận đối với  lứa tuổi học sinh, nhất là các em ở bậc trung học cơ sở.

Cần chọn lọc, bổ sung thêm những văn bản, tác phẩm văn học hay, tiêu biểu, có giá trị, đa dạng về thể loại…của thời kỳ hiện đại.

Các em học sinh đọc lên cảm thấy phù hợp, gần gũi, dễ chạm vào cảm xúc, trái tim thì chắc chắn sẽ yêu thích,  hứng thú với các tiết dạy - học văn ở trên lớp.

Mặt khác, chương trình, sách giáo khoa nên tăng cường thời lượng thực hành ở phần làm văn và tiếng Việt để rèn luyện, trau dồi kỹ hơn khả năng hiểu - nói - viết cho học sinh, vì đây đang là điểm yếu nhất của không ít học sinh hiện nay (đúng như tinh thần của chương trình mới).     

Những yêu cầu mới đối với môn Ngữ văn liệu có thành hiện thực? ảnh 3Một số băn khoăn về nội dung chương trình Ngữ văn mới

Hơn nữa, trong dạy học bộ môn văn, vai trò “truyền lửa”, định hướng cảm thụ văn học của thầy, cô giáo vô cùng quan trọng.

Thực ra môn văn, các tiết đọc - hiểu văn bản luôn rất hấp dẫn, dễ lôi cuốn học trò, nếu như người thầy biết cách dạy, biết cách khai thác, gợi mở vấn đề bằng cách  vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học hiện đại.

Bởi trong nhiều thế hệ học sinh và giáo viên trước đây từng “thấm” câu nói quen thuộc: “Học văn, dạy toán, ăn thể dục”. Tức là, học văn là thích nhất, sướng nhất.

Đầu tiên, giáo viên phải được đào tạo bài bản từ các trường sư phạm. Trong quá trình dạy - học, các thầy cô giáo không ngừng rèn luyện và luôn có ý thức tự làm mới mình, làm mới tiết dạy tiết trên lớp, tránh lối dạy áp đặt, gò bó, rập khuôn, máy móc (lúc nào cũng theo trình tự 5 bước, theo văn mẫu…).

Để chất lượng đội ngũ giáo viên được đồng đều, nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, các cấp quản lý giáo dục cần chú trọng đến việc bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu và tăng cường công tác trao đổi, chia sẻ về chuyên môn.

Thực tế, hiện nay, thiết kế giáo án và dạy học theo lối cũ vẫn phổ biến ở nhà trường phổ thông mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều yêu cầu, hướng dẫn về thay đổi cách soạn giáo án, tiến trình bài dạy và cách đánh giá tiết dạy của giáo viên ở trên lớp trong 7 năm nay.

Mấu chốt, “sống còn” của môn Ngữ văn nằm ở cách biên soạn nội dung, chương trình, sách giáo khoa và chất lượng, phương pháp dạy học của người thầy.

Cách kiểm tra, đánh giá theo phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh cũng do chương trình và vai trò của giáo viên mà ra cả.

Yêu cầu về tủ sách, đủ các loại sách đối với các nhà trường phổ thông, có đủ nguồn kinh phí thì không gặp bất cứ khó khăn gì.

Vấn đề đặt ra là cách quản lý, bảo quản và sử dụng sao cho hiệu quả, tất cả các em đều yêu sách, đọc sách.

Không có tình trạng lãng phí tái diễn như hiện nay, mua về để đầy trên thư viện, chẳng có mấy học sinh đến mượn, đọc sách, các văn bản.

ĐỖ TẤN NGỌC