Cái đẹp không ăn được nhưng cũng khiến bao người đổ đầu chảy máu, thế người ta mới gọi “anh hùng khó qua ải mỹ nhân”, rồi trong “Binh pháp Tôn Tử” còn có kế “Mỹ nhân kế”.
Hàng chục cuộc thi hoa hậu được tổ chức, hàng chục chiếc vương miện được đội lên, hàng chục số phận bỗng nhiên đổi đời nhưng có đến hàng ngàn bài báo để mô tả sự rắc rối, rườm rà của hoa hậu.
Đóng góp của hoa hậu cho xã hội là gì?
Hoa hậu và "mỹ nhân kế" thời nay (Ảnh minh họa: B.BA/tuoitre.vn). |
Tiêu chí "tôn vinh sắc đẹp người phụ nữ Việt Nam" có vẻ ngày càng mờ nhạt bởi những chuyện thị phi, tai quái.
Có khi người ta chẳng coi đó là sự tôn vinh mà mặc định rằng, đã là người của công chúng đương nhiên phải bị "soi", phải gánh chịu áp lực như một cái giá phải trả cho sự long lanh của chiếc vương miện đội trên đầu.
Có khi cả xã ào ào "ném đá" một cô bé mới hai mươi tuổi đầu và họ tự cho mình cái quyền phán xét kẻ khác một cách không thương tiếc. Có đáng?
Trong khi "kẻ" bị "ném đá" phải là những người "cầm cân nảy mực" trực tiếp chọn lựa người đăng quang.
Bản thân những cô hoa hậu không có lỗi, thậm chí đáng thương.
Hãy tưởng tượng, ông thầy giáo chấm điểm 10 cho một bài văn lạc đề.
Người đáng trách là ông thầy hay người viết bài văn? Ai cũng có thể trả lời được.
Nếu hoa hậu phá vỡ điều kiện tham dự cuộc thi như phẫu thuật thẩm mỹ, nôm na là "gian lận thi cử", hãy khoan nói về đạo đức nhân phẩm, mà lỗi đầu tiên cũng thuộc về hội đồng nghệ thuật trong đánh giá chọn lựa.
Nếu chẳng may thiên hạ phát hiện ra hoa hậu còn có chồng có con thì làm sao?
Thi hoa hậu, tôn vinh sắc đẹp… hay gì đi nữa nó cũng là một cuộc thi cho nên đừng nghĩ rằng người ta không mang đến đó những chiêu trò mánh lới.
Vì điểm đến của một danh hiệu – nói thẳng toẹt ra là biệt thự, siêu xe, cuộc sống vương giả và tuyệt nhiên xã hội không hưởng lợi gì mấy từ vinh quang của hoa hậu ngoài đội ngũ truyền thông có thêm công ăn việc làm.
Sự nở rộ các cuộc thi sắc đẹp cho thấy dường như lĩnh vực "kinh doanh sắc đẹp" đang ăn nên làm ra.
Nếu không, người ta chẳng mất công nghĩ ra "hoa hậu biển", "hoa hậu du lịch", "hoa hậu đại dương"…
Phải chăng các cuộc thi hoa hậu là sân chơi của tầng lớp "đại gia" lắm tiền nhiều của?
Vì sao người ta có thể tước vương miện của hoa hậu mà những người chấm điểm cho cô hoa hậu đó không bị lôi ra ánh sáng.
Trong vài chục nhan sắc, người ta chọn ra một nhân vật đội vương miện, ứng xử ngô nghê khiến cả xã hội chê bai là có vấn đề.
Hay là "con mắt" của hội đồng nghệ thuật khác hoàn toàn "con mắt" thường trong xã hội.
Chẳng biết sao nhưng sau khi bị bàn cãi về nhan sắc, cô hoa hậu Đại dương đã bị tước vương miện do vi phạm điều lệ cuộc thi, cô sốc phải nhập viện.
Có hay không bàn tay "vô hình" của một vài cá nhân sau cánh gà sân khấu?
Cuối cùng là gì? Những người "phán xét" và cả tầng lớp sau cánh gà (nếu có), kể cả dư luận, bàn tán xong xuôi nhà ai nấy về.
Duy chỉ có những cô gái chân dài, những người phụ nữ đáng ra phải được tôn vinh lại là những người nhận đủ ê chề.
Không ít hoa hậu Việt Nam đã bị tước vương miện, họ phải trở lại với những gì vốn có. Thà vứt bỏ chiếc vương miện để thoải mái làm gì mình thích, tự tin phát ngôn, sống thật và không phải duyên dáng bất kể nắng hay mưa.
Thưa các cô gái! Đừng cố đấm ăn xôi nếu không muốn trở thành những con rối và chịu tổn thương.
Khi đạo đức giả lên ngôi song hành với sức mạnh đồng tiền người ta có thể làm tất cả.
Có người đã từng xúc động đến rơi nước mắt khi nghe phần thi ứng xử của một hoa hậu – một bài nói về mẹ, rất mượt mà, thấm đẫm. Nhưng không lâu sau cô ta lại cho thấy tất cả chỉ là "đạo cụ".
Người ta từng tin vào lời hứa giữ gìn và phát huy giá trị người phụ nữ Việt Nam, nhưng cũng không lâu sau đó cô ta cho thấy chính bản thân mình còn không giữ được bản chất người phụ nữ huống hồ sứ mệnh giúp đỡ mấy chục triệu phụ nữ Việt Nam.
Đến lượt miệng lưỡi thế gian lắm lúc làm lòng người phôi phai. Ngày 20/10 mạng xã hội tràn ngập những lời chúc tụng, cưng nựng những người phụ nữ. Nhưng chỉ sau đó một ngày, cũng từ mạng xã hội lại chì chiết một người phụ nữ vì họ cho là chưa đủ đẹp để làm hoa hậu.
Ai cũng biết là hoa hậu thì phải đẹp nhưng không phải ai cũng biết được đẹp là phải như thế nào cho chuẩn.
Có nhà tâm lý phán rằng "sẽ là ngu ngốc nếu ai đó cố gắng định nghĩa thế nào là một cô gái đẹp". Đúng không thưa quý vị?
Thế nào là đẹp? Đôi môi trái tim hay làn da trắng? Chẳng có một cái chuẩn nào cho cái đẹp vì cái đẹp là vô biên giới, đẹp với người này nhưng chẳng là gì so với người kia.
Một người có con mắt "thường tục" đi xem triển lãm ảnh khỏa thân thì thấy rạo rực trong lòng bởi những đường cong, còn người họa sĩ vẽ ra bức tranh ấy lại hào hứng nó ở khía cạnh nghệ thuật phối màu, phối cảnh.
Cơ mà xem tranh khỏa thân bằng con mắt "thường tục" là không…biết thưởng thức cái đẹp?
Phụ nữ đẹp mà không khiến đàn ông say mê thì có gọi là đẹp? Vì cái đẹp sẽ mang đến cảm xúc không chỉ là tinh thần.
Có cuộc thi sắc đẹp nọ sau khi tìm được người đội chiếc vương miện, báo giới nhảy vào ca ngợi, mô tả nép đẹp Á đông của cô. À mà quên, thế nào là Á đông nhỉ?
Trong khi cô hoa hậu nọ da trắng, mũi cao như…Europid chính hãng. Hay là nét đẹp theo quan điểm Nho giáo? Nho kiểu gì mà lên mạng ăn nói cộc lốc, phì phèo chốn ăn chơi…?
Nói một cách mà…không ai cãi là suy cho cùng cái gì cũng mang tính tương đối, không ai đo được cái đẹp hình thể như thế nào là chuẩn cũng chẳng ai biết thế nào là "tri thức đẹp".
Cái đẹp thể xác và cái đẹp tâm hồn không mang tính…toán học. Quan trọng là chúng ta có con mắt đa chiều để nhìn nhận mọi thứ, khuôn mặt hay bộ ngực rồi cũng không chống lại được tuổi tác mà chỉ có tâm hồn thiện lương mới trường tồn mãi mãi.
Mạng xã hội biến tất tần tật mọi người thành nhà thông thái, cái gì cũng hay điều gì cũng tỏ, thoải mái quăng vào người khác đủ thứ mà không mảy may chột dạ. Ơ mà nếu mạng xã hội đều chuẩn mực, kín kẽ thì chắc anh Mark không giàu như thế.
Rồi dăm ba bữa nữa những tranh cãi nảy lửa về hoa hậu cũng lặn mất tăm cho mà xem. Rồi cô cũng sẽ kiếm được nhiều tiền, cũng hào nhoáng đi sự kiện, cũng được đại gia săn đón và sẽ ấm cúng trong một tòa biệt thự nào đó rồi lên mạng xã hội giãi bày về những năm tháng tập tễnh vào nghề biết bao trắc trở khó khăn và cũng có thể sẽ trở thành bài học kinh nghiệm quý giá cho ai đó cũng nên...