Học hết phổ thông, học sinh sẽ đạt trình độ Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ

22/01/2018 06:23
Thùy Linh
(GDVN) - Kết thúc chương trình giáo dục phổ thông, học sinh có khả năng giao tiếp đạt trình độ Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam.

Ngày 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố dự thảo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Theo đó, Tiếng Anh là môn học trong chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12 

Nội dung cốt lõi của môn học giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp). 

Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ đề và chủ điểm phù hợp với học sinh phổ thông nhằm giúp các em khi kết thúc cấp tiểu học đạt được năng lực giao tiếp Bậc 1, khi kết thúc bậc trung học cơ sở đạt được Bậc 2 và khi kết thúc cấp trung học cơ sở đạt Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Học hết phổ thông, học sinh sẽ đạt trình độ Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ ảnh 1
Kết thúc chương trình giáo dục phổ thông, học sinh có khả năng giao tiếp đạt trình độ Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam. (Ảnh minh họa: Báo Lao động thủ đô)

Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh giúp học sinh có một công cụ giao tiếp mới, hình thành và phát triển cho học sinh năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh thông qua các hình thức nghe, nói, đọc, viết. 

Kết thúc chương trình giáo dục phổ thông, học sinh có khả năng giao tiếp đạt trình độ Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam tạo nền tảng cho học sinh có thể sử dụng tiếng Anh trong học tập, hình thành thói quen học tập suốt đời để trở thành những công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập. 

Về chương trình làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2

Chương trình Làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 được xây dựng để chuẩn bị kiến thức và tâm thế cho học sinh tiểu học học tiếng Anh chính thức từ lớp 3 một cách hiệu quả. Chương trình được xây dựng cho môn Ngoại ngữ tự chọn lớp 1 và lớp 2 cấp tiểu học. 

Quan điểm giảng dạy của chương trình Làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 là quan điểm dạy tiếng Anh theo đường hướng giao tiếp, theo đó, năng lực giao tiếp là mục tiêu của quá trình dạy học; kiến thức ngôn ngữ là phương tiện để hình thành và phát triển các kỹ năng giao tiếp thông qua nghe, nói, đọc, viết. 

Học hết phổ thông, học sinh sẽ đạt trình độ Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ ảnh 2

Điểm khác biệt lớn nhất trong chương trình môn Ngữ văn mới là gì?

Ở hai lớp đầu cấp tiểu học này việc giảng dạy cần nhấn mạnh đến hai kỹ năng nghe và nói.

Chương trình được xây dựng để liên thông với chương trình tiếng Anh lớp 3-12. Đây là môn học tự chọn, giúp học sinh làm quen với tiếng Anh.

Chương trình được xây dựng tập trung vào hai kỹ năng nghe và nói, sắp xếp theo mục tiêu năng lực giao tiếp và lựa chọn ngữ liệu, từ vựng tương ứng để phát triển năng lực giao tiếp tương ứng. 

Một số ví dụ về năng lực giao tiếp:

a) Bước đầu nghe hiểu và có phản hồi phi ngôn ngữ trong một số tình huống giao tiếp rất đơn giản khi đã được thực hành nhiều lần;

b) Bước đầu nghe hiểu và thực hiện theo các hướng dẫn rất đơn giản trong lớp học khi đã được thực hành nhiều lần;

c) Nghe hiểu được các từ và cụm từ gần gũi với hoạt động của học sinh trong ngữ cảnh;

d) Nghe và bước đầu nhận biết được các phụ âm đã học ở vị trí bắt đầu của từ;

đ) Nghe và nhận biết được các chữ cái đã học. 

Một số chủ đề trong chương trình: màu sắc, đồ dùng học tập, đồ uống, gia đình, lớp học, đồ chơi, trò chơi…

Học hết phổ thông, học sinh sẽ đạt trình độ Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ ảnh 3

Học sinh học chương trình mới sẽ phải học bao nhiêu môn?

Đường hướng dạy học chủ đạo trong Chương trình Làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 là Đường hướng giao tiếp.

Đường hướng này có thể sử dụng nhiều phương pháp và kỹ thuật giảng dạy khác nhau nhưng đều nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh. 

Ngoài ra, các phương pháp và hoạt động dạy học cũng chú trọng đến quá trình tiếp thu ngôn ngữ tự nhiên của học sinh ở lứa tuổi này. Một số định hướng và cách tiếp cận chủ đạo trong phương pháp dạy học bao gồm: Tạo môi trường thân thiện, tự nhiên và khuyến khích hồi đáp phi ngôn ngữ. 

Về cách đánh giá kết quả giáo dục


Kiểm tra đánh giá tiếng Anh cần được lồng ghép trong các hoạt động dạy - học với mục đích giúp học sinh yêu thích môn tiếng Anh và thúc đẩy chất lượng dạy và học.

Với mục đích cho học sinh làm quen tiếng Anh, các hình thức kiểm tra, đánh giá cần nhẹ nhàng, thân thiện, được tiến hành ngày trong các hoạt động học tập của học sinh.

Kiểm tra đánh giá có thể thông qua các bài hát, trò chơi, giúp tìm ra những khó khăn và đề xuất hướng khắc phục thông qua các hoạt động trên lớp.

Điều kiện thực hiện chương trình

Các trường triển khai chương trình phải có phòng học rộng rãi, thoáng mát, ánh sáng phù hợp cho học sinh tiểu học lứa tuổi 6, 7 tuổi. Các phòng học có đủ trang thiết bị tối thiểu cho việc học tiếng Anh như tranh ảnh, thiết bị đa phương tiện. 

Chỉ tổ chức cho học sinh làm quen tiếng Anh ở lớp 1, lớp 2 trên cơ sở tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh. Khi tổ chức cho học sinh tự nguyện học chương trình Làm quen với tiếng Anh, nhà trường phải có giải pháp tổ chức các hoạt động phù hợp cho những học sinh không tham gia.

Thùy Linh