Sinh viên Việt Nam học ngoại ngữ còn thiếu động lực, thụ động tương tác

30/12/2017 06:15
Phương Linh
(GDVN) - Một bộ phận không nhỏ sinh viên còn thiếu động lực học ngoại ngữ, thụ động tham gia tương tác trong giờ học.

Đó là nhận xét của Phó Giáo sư Trần Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội thảo tổng kết, đánh giá triển khai tiếng Anh tăng cường trong các trường Cao đẳng đào tạo giáo viên, các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2008 – 2016, được tổ chức vào ngày 29/12 ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các Cục, Vụ chuyên môn thuộc Bộ, đại diện các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã đến tham dự Hội thảo này.

Báo cáo của Phó Giáo sư Trần Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Đại học cho biết, trong giai đoạn từ năm 2008 – 2016, đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã đạt được một số các kết quả nhất định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức rà soát, đánh giá năng lực tiếng Anh của đội ngũ giảng viên để có cơ sở phân loại, xác định lộ trình và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh, phương pháp giảng dạy cho các giảng viên.

Bộ cũng đã xây dựng, ban hành và giới thiệu 12 chương trình đào tạo, bồi dưỡng tới các cơ sở giáo dục đại học để tham khảo, cho phép Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội đào tạo thí điểm cử nhân sư phạm Hóa, Lý, Sinh, Tin học bằng tiếng Anh, quy định kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học cần đạt sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học…

Phó Giáo sư Trần Anh Tuấn báo cáo về đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 tại Hội thảo (ảnh: P.L)
Phó Giáo sư Trần Anh Tuấn báo cáo về đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 tại Hội thảo (ảnh: P.L)

Cũng theo Phó Giáo sư Trần Anh Tuấn, đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã tác động đến nhận thức từ cấp lãnh đạo đến giảng viên về chuẩn hóa trình độ tiếng Anh cho đội ngũ giảng viên, cải thiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học ngoại ngữ.

Việc ra đời khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam là cơ sở cho việc đánh gia năng lực ngoại ngữ theo hệ thống, chuẩn quốc gia, có nhiều phần mềm học tiếng Anh, học chuyên ngành bằng tiếng Anh giúp người học cải thiện, rèn luyện và nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ của bản thân.

Nhiều trường tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh, do giảng viên nước ngoài phụ trách đã giúp sinh viên tiếp cận môi trường tiếng Anh thực tế. 

100% học sinh lớp 3 đến lớp 6 được học chương trình ngoại ngữ 10 năm từ năm 2025

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ ra một số khó khăn của đề án này, như mục tiêu đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp với xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy, người học, thực trạng nhu cầu, điều kiện tổ chức dạy học.

Lộ trình triển khai của các trường cũng rất khác nhau, nhận thức về vai trò và sự cần thiết của ngoại ngữ chưa đầy đủ, chưa thực sự tạo động lực.

Một bộ phận không nhỏ sinh viên còn thiếu động lực học ngoại ngữ, thụ động khi tham gia tương tác trong giờ học, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, mà chỉ học để đủ điều kiện trúng tuyển và tốt nghiệp đại học.

Một số sinh viên do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể đảm bảo được điều kiện tối thiểu để học ngoại ngữ như đầu tư giáo trình, tài liệu tham khảo, máy cassette, nên chất lượng học tập còn bị hạn chế.

Năng lực tiếng Anh đầu vào của sinh viên không đồng đều.cũng gây khó khăn cho quá trình tổ chức.

Ngoài ra, đề án này còn gặp một số khó khăn về giảng viên, chương trình đào tạo và học tập, giáo trình, công tác khảo thí, điều kiện dạy và học, môi trường học tập, kinh phí.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Hữu – Trưởng ban quản lý đề án, mục tiêu đặt ra của đề án là đến năm 2025, hầu hết các trường đều đào tạo ngoại ngữ, 80% các trường đào tạo ngành khác triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ.

Giai đoạn 2017 – 2025, những trường nào chưa công bố, cần xây dựng chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên, các trường có môn học ngoại ngữ chuyên ngành cần rà soát lại chương trình đào tạo, tiếp tục xây dựng ngoại ngữ chuyên ngành…

Bà Nguyễn Thị Mai Hữu còn cho rằng, cần có một bài thi đánh giá độc lập, để có sự đánh giá tương đương trên quy mô phạm vi toàn quốc.

Bởi lẽ, Thạc sĩ Hữu giải thích, do các trường hiện đánh giá năng lực ngoại ngữ của sinh viên theo chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của trường, hoặc mời đơn vị đánh giá độc lập để đánh giá, công nhận chứng chỉ cho sinh viên.

Chính vì thế, Cục Quản lý chất lượng giáo dục thuộc Bộ sẽ có bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, lộ trình tổ chức để đánh giá năng lực ngoại ngữ của sinh viên trong thời gian sắp tới.

Phương Linh