Chủ biên cam kết chương trình mới học sinh không còn phải sợ học Sử nữa!

23/01/2018 06:42
Thùy Linh
(GDVN) - “Nếu dạy lịch sử theo cách bắt học sinh nhớ dằng dặc những số liệu, ngày tháng, sự kiện… thì ai cũng sợ học Lịch sử và nói thật tôi cũng sợ”.

Tại buổi họp báo thông tin về dự thảo nội dung các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ giáo dục và Đào tạo, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có đặt câu hỏi:

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ khắc phục tình trạng học sinh sợ và chán học môn Lịch sử như thế nào?”.
 
Trả lời vấn đề này, Giáo sư Phạm Hồng Tung - Tổng Chủ biên chương trình môn Lịch sử chia sẻ:

“Nếu dạy lịch sử theo cách bắt học sinh nhớ dằng dặc những số liệu, ngày tháng, sự kiện, hỏi cụ thể trận đánh đó địch chết bao nhiêu, bắn rơi bao nhiêu máy bay mà buộc các em phải trả lời chính xác thì ai cũng sợ và nói thật tôi cũng sợ”. 

Chủ biên chương trình môn Lịch sử cam kết chương trình mới học sinh không còn phải “sợ” học sử nữa! (Ảnh: Thùy Linh)
Chủ biên chương trình môn Lịch sử cam kết chương trình mới học sinh không còn phải “sợ” học sử nữa! (Ảnh: Thùy Linh)

Nhìn nhận từ thực tế, vị này cho biết thêm: “Nếu dạy Lịch sử theo cách áp đặt kiến thức một chiều, không nói cho học sinh hiểu học lịch sử thì có thể làm được gì và vận dụng kinh nghiệm lịch sử vào đâu thì ai cũng chán sử. 

Để khắc phục những hạn chế này, trong chương trình giáo dục phổ thông mới Ban soạn thảo đặt ra 3 nhiệm vụ đối với giáo viên giảng dạy môn Lịch sử. Đó là: Thứ nhất, đảm bảo cho học sinh yêu thích, say mê môn Lịch sử. 

Hai là, dạy môn Lịch sử phải đúng nghĩa là dạy một môn khoa học. 

Thứ ba, giáo viên phải phân tích được cho học sinh hiểu học lịch sử vận dụng vào đâu và làm gì”. 

Chủ biên cam kết chương trình mới học sinh không còn phải sợ học Sử nữa! ảnh 2Giáo sư Vũ Minh Giang kêu gọi cần thêm nhiều tác phẩm về đề tài lịch sử

Từ đó, Giáo sư Phạm Hồng Tung cho hay, để khuyến khích niềm say mê lịch sử của học sinh nên ngay từ bậc tiểu học, cụ thể là từ lớp 4, lớp 5 giáo viên dạy lịch sử thông qua việc cho học sinh tìm hiểu những câu chuyện về lịch sử (ký ức lịch sử).

Nhưng điều này không có nghĩa là thầy cô và học trò chỉ luyên thuyên học về các truyền thuyết, truyện kể vì như vậy sẽ gây ra hội chứng gây mê. 

Thông qua việc tìm hiểu những câu chuyện lịch sử thì giáo viên phải hướng tới việc truyền tri thức lịch sử tới học trò. 

Thầy Tung nêu ví dụ, thay vì ngồi kể dài dằng dặc về nước Văn Lang thì bây giờ hãy bắt đầu bằng việc kể những câu chuyện cổ tích mà học trò yêu thích, phù hợp với tâm lý lứa tuổi như truyện Thánh Gióng, Bánh chưng bánh dày,...

Sau đó thầy cô chiếu lên màn hình hiện vật khảo cổ học để học trò thấy rằng đó không chỉ là huyền thoại mà thực chất đó là lịch sử. 

Từ những hiện vật đó, giáo viên chỉ cho học trò thấy mối liên hệ giữa lịch sử và truyền thống văn hóa. 

Chủ biên cam kết chương trình mới học sinh không còn phải sợ học Sử nữa! ảnh 3Chính chương trình và cách dạy làm học sinh chán môn Lịch sử

Sang bậc trung học cơ sở, nếu trước đây dạy theo kiểu đồng tâm nên có hiện tượng dạy đi dạy lại cùng một nội dung, gây ra tình trạng nhàm chán thì giờ đây môn sử sẽ dạy thông sử theo tiến trình thời gian. 

Và tới bậc trung học phổ thông với sứ mệnh là dạy học phân hóa phù hợp với năng lực, sở nguyện của từng học sinh, có định hướng nghề nghiệp thì chương trình môn Lịch sử sẽ phân thành từng chủ đề để tạo cơ hội mở rộng và nâng cao kiến thức của học sinh. 

“Sứ mệnh chung của môn Lịch sử là thông qua giáo dục lịch sử nhà trường góp phần củng cố tinh thần yêu nước, dân tộc, trân trọng những giá trị văn hóa của Việt Nam và nhân loại…”, thầy Tung nhấn mạnh. 

Thùy Linh