Thông tin được Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Phát – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra tại buổi hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học tư thục”, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức vào ngày 22/1.
Giáo dục đại học tư thục và công lập là hai cánh của một con đại bàng
Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, trong những năm vừa qua, giáo dục đại học tư thục đã có nhiều phát triển vượt bậc, đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung của hệ thống giáo dục đại học nước nhà.
Tuy nhiên, bất cập và hạn chế trong chính sách pháp luật nhằm hỗ trợ cho giáo dục đại học đã ít nhiều được bộc lộ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc (giữa) đồng chủ trì buổi hội thảo ngày 22/1 (ảnh:NTU) |
Trong thời gian vừa qua, khi lấy ý kiến sửa đổi Luật Giáo dục đại học, vấn đề tự chủ chuyên môn gắn liền với trách nhiệm giải trình, quản trị đại học, đại học tư thục không vì lợi nhuận…đã được các trường đại học góp ý nhiều nhất.
Trình bày quan điểm của mình về giáo dục đại học tư thục, Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Phát - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cần thiết phải làm rõ vai trò, vị trí của giáo dục đại học, để xã hội nhìn nhận được cả giáo dục đại học tư thục và công lập là hai cánh của một con đại bàng.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Phát, cho dù tư thục là cánh trái, công lập là cánh phải đi nữa, thì hai cánh phải luôn song song với nhau, cùng tạo ra sức mạnh để làm động lực thúc đẩy cho nền giáo dục phát triển.
Tại sao cứ mãi phân biệt sinh viên trường công với trường tư? |
Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Phát đề nghị, luật cần thiết kế theo tinh thần này, vì hiện xã hội chưa có nhận thức đầy đủ về giáo dục đại học tư thục.
Hiện nay, nhiều người vẫn còn đang thể hiện định kiến, và có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với đại học tư thục. Chính vì vậy, theo Luật sư Chu Hồng Thanh, cần phải phân biệt rõ giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Bởi lẽ, nhà trường là đơn vị sự nghiệp, còn doanh nghiệp là đơn vị kinh doanh. Cho nên, luật đã quy định rõ, trường phải dành 25% để chi cho đầu tư phát triển, cần phải liên tục được đầu tư để phát triển lâu dài.
Giáo dục không phải là lĩnh vực kinh doanh
Ngược lại, đại diện cho Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là Tiến sĩ Phạm Thị Ly thì lại cho rằng, hiện nay, giáo dục là một lĩnh vực kinh doanh vẫn chưa được chấp nhận.
Toàn cảnh buổi hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học tư thục” vào ngày 22/1 (ảnh: NTU) |
Theo Tiến sĩ Phạm Thị Ly, hiện quan niệm kinh doanh giáo dục vẫn còn là một việc rất nặng nề, ảnh hưởng đến những người làm chính sách, và nếu không gỡ được thì sẽ mãi lúng túng.
Trong thời đại kinh tế tri thức, ở nhiều nước trên thế giới, giáo dục đại học đã được coi là một ngành dịch vụ.
“Thật ra, giáo dục đại học là một dịch vụ, nên trường đại học tư thục là một doanh nghiệp là một thực tế” – Tiến sĩ Phạm Thị Ly nhấn mạnh.
Thế nhưng, Phó Giáo sư Trương Quang Mùi – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn không đồng tình, và chia sẻ: Trường học là một môi trường sư phạm, mà ở đó, người thầy được tôn vinh, người học được tôn trọng, mối quan hệ ở đây là thầy – trò và đồng nghiệp.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Giáo dục đại học lần này lại quy định quyền lực của các nhà góp vốn, cổ đông, thì lại là mối quan hệ giữa chủ và người làm thuê, quan hệ giữa kinh doanh và khách hàng, chứ không phải quan hệ trong ngành giáo dục.