Mũi tiến công chủ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông

24/01/2018 09:46
Tiến sĩ Trần Công Trục
(GDVN) - Tuyệt đối không chấp nhận “gác tranh chấp cùng khai thác” trong phạm vi vùng biển hợp pháp của mình mà Trung Quốc gọi là vùng chồng lấn với đường lưỡi bò.

Ngày 06/01/2018, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài: “Chớ xem thường nguy cơ Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở bất hợp pháp ở Trường Sa”

Nhà báo Hồng Thủy đã tổng hợp ý kiến nhận xét, đánh giá của dư luận khu vực và quốc tế cho rằng  “nguy cơ” này là có thật, sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra.

Bởi vì những gì mà Trung Quốc đã triển khai tại Biển Đông trong thời gian qua đã chứng minh điều hiển nhiên đó.  

Chẳng hạn trên tờ The Straits Times, Tiến sĩ Jay L. Batongbacal - Giám đốc Viện Hàng hải và Luật Biển, Đại học Philippines bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc tự do xây dựng trên Biển Đông năm 2017: 

"Nếu các căn cứ quân sự hiện diện ở đó và vũ khí được bố trí, Trung Quốc đã hoàn thành kế hoạch của họ để thống trị vĩnh viễn Biển Đông. Bởi vì một khi họ làm được điều đó, nó sẽ không bao giờ bị đảo ngược".

Hầu hết các chuyên gia tin rằng, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các công trình quân sự lẫn dân sự trên Biển Đông trong năm 2018. 

Thậm chí, Bắc Kinh có thể sẽ tuyên bố cái gọi là đường cơ sở quần đảo ở Trường Sa như đã từng làm với Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) năm 1996, để biến các vùng nước bên trong nó thành "nội thủy”.

Hình minh họa đường cơ sở Trung Quốc tự vẽ ở Hoàng Sa bằng cách "vận dụng" vô lý phương pháp xác định đường cơ sở thẳng, áp dụng cho quốc gia quần đảo theo Điều 47 UNCLOS do học giả Song Phan, Sydney, Úc đồ họa.
Hình minh họa đường cơ sở Trung Quốc tự vẽ ở Hoàng Sa bằng cách "vận dụng" vô lý phương pháp xác định đường cơ sở thẳng, áp dụng cho quốc gia quần đảo theo Điều 47 UNCLOS do học giả Song Phan, Sydney, Úc đồ họa.

Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với những nhận định đánh giá nói trên và đặc biệt là lời cảnh báo: “Chớ xem thường nguy cơ Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở bất hợp pháp ở Trường Sa”

Để cùng bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tìm hiểu về khả năng sử dụng mũi tấn công pháp lý này của Trung Quốc, chúng tôi xin được bổ sung thêm các thông tin liên quan, cùng với những nhận xét, đánh giá như sau:

Thứ nhất, để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã áp dụng và phối hợp đồng bộ các mũi tiến công lợi hạii; trong đó không thể không nói đến mũi tiến công pháp lý. 

Nhiều học giả đã không sai khi ví mũi tiến công này là cuộc “chiến tranh pháp lý”. 

Trung Quốc đã tính toán rất kỹ để phát động cuộc “chiến tranh pháp lý”, có tính toán kết hợp với các cuộc chiến tranh xâm lược bằng vũ lực và các cuộc chiến tranh khác mà dư luận được biết với tên gọi chung là “chiến tranh mềm”, “xâm lược mềm”…

“Cuộc chiến tranh pháp lý” mà Trung Quốc tính toán triển khai nhằm thực hiện chủ trương chiến lược “giành lấy sự công nhận trên thực tế” yêu sách phi lý của họ trên biển;

Thủ đoạn của họ thông qua việc cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, để hợp thức hóa yêu sách "lưỡi bò” đầy tham vọng của họ trong Biển Đông.

Thứ hai, một trong số những nội dung của “cuộc chiến pháp lý” do Trung Quốc phát động là việc họ đã công bố chính thức đường cơ sở ở quần đảo Hoàng Sa năm 1996; 

Mũi tiến công chủ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông ảnh 2

Biển Đông 2018 có “yên ả”, Singapore sẽ chèo lái con thuyền ASEAN ra sao?

Trong đó họ đã công khai xác nhận họ sẽ làm điều tương tự cho các quần đảo khác trong Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ gọi là Nam Sa, vào lúc thích hợp. 

Việc làm này được các chuyên gia pháp lý khẳng định rằng Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Đó là Trung Quốc đã cố tình lấy quy định về hệ thống đường cơ sở của các quốc gia quần đảo để áp dụng cho các quần đảo xa bờ không phải là quốc gia quần đảo. 

Từ đó, Trung Quốc luôn luôn khẳng định rằng nước này có các vùng biển và thềm lục địa “liền kề” với cái họ gọi là “4 quần đảo” (mà gần đây họ bắt đầu gọi tên là Tứ Sa) ở giữa Biển Đông. 

Sau khi chiếm đóng các thực thể địa lý không phải là đảo, Trung Quốc đã bắt tay ngay việc đầu tư cải tạo chúng thành các đảo nhân tạo cực lớn;

Họ đưa người ra sống trên các thực thể đó, xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế, dân sự, quân sự, thành lập các đơn vị hành chính (như cái gọi là thành phố Tam Sa…);

Trung Quốc công bố các quyết định hành chính cũng như các lệnh cấm đánh bắt cá bất hợp pháp hàng năm…là nhằm chứng minh rằng, các thực thể địa lý đó hoàn toàn “thích hợp cho con người ở và có đời sông kinh tế riêng”

Vì vậy, chúng có hiệu lực trong việc mở rộng phạm vi các vùng biển và thềm lục địa tối thiểu là 200 hải lý.

Đá Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện cấu trúc này bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, bồi đắp và quân sự hóa thành pháo đài quân sự. Ảnh: Straits Times.
Đá Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện cấu trúc này bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, bồi đắp và quân sự hóa thành pháo đài quân sự. Ảnh: Straits Times.

Và với bằng chứng ngụy tạo đó, cuối cùng Trung Quốc sẽ khẳng định rằng yêu sách “lưỡi bò” hoàn toàn có cơ sở pháp lý; thậm chí rất “phù hợp với quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Thứ ba, mỗi khi Trung Quốc giành lấy “sự công nhận trên thực tế” yêu sách phi lý do họ chính thức nêu ra, các bên phải chính thức công nhận yêu sách phi lý này.

Và đó chính là “cơ sở” đề Bắc Kinh đòi quyền “thăm dò, khai thác chung” tài nguyên trong vùng biển nước khác, mà Trung Quốc gọi là vùng “chồng lấn” được tạo nên bởi yêu sách đầy thâm vọng này. 

Trong thực tế họ đã sử dụng “lý lẽ” này để mặc cả, răn đe, hăm dọa, mua chuộc các quốc gia, các công ty, các cá nhân đang thực hiện các dự án đầu tư khai thác tài nguyên trong phạm vi hoàn toàn nằm trong các vùng biển hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông.

Thứ tư, có thể thấy những tuyên bố và hành động kể trên chính là các thành phần của cuộc “chiến tranh pháp lý” mà Trung Quốc đang triển khai.

Cuộc chiến này sẽ còn được Bắc Kinh đẩy mạnh trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Bởi lẽ điều này đã được xác lập trong nội hàm của “Trung Quốc mộng”, được chính thức đặt ra trong chương trình nghị sự của Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Mũi tiến công chủ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông ảnh 4

Ứng xử của “bên thắng kiện” và tác động tới cục diện Biển Đông

Trong khi đó dư luận giới nghiên cứu tiến bộ trong và ngoài Trung Quốc đang đòi cắt bỏ cái “lưỡi bò” bởi tính chất bất hợp pháp, phi lý, phản khoa học của nó.

Bởi vậy, chúng tôi thiết nghĩ Trung Quốc sẽ phải tính đến việc sớm công bố hệ thống dường cơ sở bất hợp pháp ở Trường Sa theo cách mà họ đã thực hiện ở Hoàng Sa năm 1996.

Và họ có thể coi đây là một mũi tiến công chủ lực trong cuộc “chiến tranh pháp lý” mà họ đã và đang phát động.

Thứ năm, các nước liên quan trong Biển Đông không nên xem thường “nguy cơ” này. Bởi vì đây mới là nội hàm của cuộc “chiến tranh pháp lý” thực sự. 

Trước hết là phải tạo được sự đồng thuận trong dư luận, mà đầu tiên là cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi động thái của Trung Quốc;

Trên cơ sở đó, kịp thời có những cảnh báo và phân tích, thông tin cho mọi người hiểu rõ bản chất của “cuộc chiến pháp lý” này; không để Trung Quốc mua chuộc lôi kéo, kích động, đe dọa gây sức ép.

Chẳng hạn trong đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), các nước ASEAN phải kiên quyết bác bỏ yêu sách “lưỡi bò”;

Đồng thời ASEAN phải khẳng định giá trị của Phán quyết Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016 trong việc xác định phạm vi áp dụng của COC.

Một phiên điều trần trong tiến trình tố tụng vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ở Biển Đông. Ảnh: PCA.
Một phiên điều trần trong tiến trình tố tụng vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ở Biển Đông. Ảnh: PCA.

Cần tỉnh táo và cảnh giác với chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác” của Trung Quốc. 

Muốn thực hiện giải pháp tạm thời “cùng phát triển” (joint-development) theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, nhất thiết phải lưu ý đền việc xác định rõ phạm vi vùng chồng lấn (overlapping area)

Các nước liên quan ở Biển Đông tuyệt đối không chấp nhận “gác tranh chấp cùng khai thác” trong phạm vi vùng biển hợp pháp của mình mà Trung Quốc gọi là vùng chồng lấn được hình thành bởi yêu sách “lưỡi bò” phi lý.

Dù nhắc đến lưỡi bò hay không, Trung Quốc vẫn đang tính toán để hợp thức hóa, theo chủ trương “giành sự công nhận trên thực tế”,với rất nhiều cạm bẫy mà họ giăng ra hết sức tinh vi, nguy hiểm... /. 

Tiến sĩ Trần Công Trục