Tiếp theo bài viết Ứng xử của “bên thắng kiện” và tác động tới cục diện Biển Đông, chúng tôi xin phân tích tiếp xu hướng diễn biến cục diện Biển Đông năm 2018 và vai trò của Chủ tịch luân phiên ASEAN - Singapore.
Để có câu trả lời thích hợp nhất, có lẽ chúng ta nên đề cập đến các yếu tố có tác động đến chủ trương và cách thức hành xử của Singapore sau đây:
Biển Đông, “động mạch chủ” của Singapore
The Straits Times ngày 21/8/2016 đưa tin, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng ngày phát biểu tại lễ kỷ niệm Quốc khánh rằng, quốc đảo sư tử này phải giữ vững nguyên tắc của riêng mình trên Biển Đông, không thể vì áp lực mà chạy theo yêu sách của bất kỳ bên nào.
The Straits Times dẫn lời Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, Biển Đông cùng với eo biển Malacca là "hai động mạch quan trọng" kết nối Singapore với thế giới.
Tàu thuyền phải qua một trong 2 "động mạch" này để đến những nơi khác: "Với cả hai động mạch, nếu bị chặn một thì bạn sẽ chết".
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. |
Do đó, điều quan trọng là tàu thuyền và máy bay phải tiếp tục được di chuyển tự do qua Biển Đông, bất chấp những tranh chấp diễn ra ngay tại nơi đó.
Để duy trì hoạt động của “hai động mạch” sống còn đó, Singapore phải tìm cách duy trì “chỗ đứng” của mình trong quan hệ với các siêu cường, nhất là trong hoàn cảnh:
"Các quốc gia khác sẽ thuyết phục chúng tôi đứng về phía họ, bên này hay bên khác, chúng tôi phải chọn vị trí đứng cho mình", Thủ tướng Lý Hiển Long nói.
Duy trì luật pháp quốc tế, bảo vệ tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông và thúc đẩy một ASEAN đoàn kết là 3 điều quan trọng đối với Singapore.
Luật pháp quốc tế chính là chìa khóa để giải quyết tranh chấp.
Ông Lý Hiển Long cũng cảnh báo, quản lý quan hệ với siêu cường không hề đơn giản.
Bình luận về chính sách đối ngoại của quốc gia mình, Phó giáo sư Simon Tay, Chủ tịch Viện Quan hệ quốc tế Singapore nói với Today Online:
"Chúng tôi không thân Mỹ hay ủng hộ Trung Quốc, cũng không chống bất kỳ ai. Chúng tôi đứng trên lập trường vì lợi ích của chính mình và hy vọng bạn bè của chúng tôi hiểu."
Tranh luận tại Singapore: nước nhỏ có nên biết thân biết phận? |
Ông Lý Hiển Long ý thức rất sâu sắc rằng, chỉ có độc lập và hành xử thượng tôn pháp luật, bảo vệ luật pháp quốc tế mới có thể giữ cho Singapore không bị ngả về bên nào, và ngả về bên nào cũng đều không nên là lựa chọn.
Từ đó có thể thấy rằng, quốc đảo này không theo Mỹ, không theo Trung Quốc mà chỉ theo luật pháp quốc tế. Singapore không bênh kẻ mạnh, mà bênh cái đúng.
Tuy nhiên, cũng có không ít quan điểm cho rằng quốc đảo này "an ninh phụ thuộc Mỹ, kinh tế phụ thuộc Trung Quốc".
Nhưng với những gì mà Singapore đã làm trong quá khứ, trong năm 2018 với tư cách Chủ tịch luân phiên ASEAN, Singapore sẽ chỉ có thể nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và eo biển Malacca, phải giữ cho 2 động mạch chủ này luôn được lưu thông.
Vì Biển Đông tắc, Singapore sẽ chết.
Việt Nam và các thành viên ASEAN khác cần đoàn kết, hợp lực với Singapore để giữ cho Biển Đông luôn luôn được hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển
Là quốc gia có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang là đối tượng một số nước nhảy vào tranh chấp, có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa án ngữ ngay vị trí yết hầu với cả hai "động mạch chủ" là Biển Đông và eo biển Maclacca, theo chúng tôi Việt Nam nên:
Thứ nhất, phải thượng tôn pháp luật. Luật pháp quốc tế không còn thì các nước nhỏ khó sống.
Thứ hai, giữ cho được đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và thượng tôn pháp luật, bảo vệ pháp luật quốc tế.
Những căng thẳng trên Biển Đông không chỉ buộc Singapore phải chọn bên này hay bên kia, mà ngay cả dư luận Việt Nam cũng có nhiều quan điểm khác nhau về "chọn bên".
Singapore chọn luật pháp quốc tế, công lý và lẽ phải. Đó là lựa chọn đúng đắn, và cũng là lựa chọn của Việt Nam.
Thiết nghĩ, Singapore chính là một tấm gương cho Việt Nam, đồng thời cũng là tiếng nói quan trọng trong khu vực mà chúng ta cần tranh thủ, để cùng bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông, luật pháp quốc tế và lợi ích chung của khu vực.
Philippines và Việt Nam trước cạm bẫy "gác tranh chấp, cùng khai thác" |
Chính nhờ biết thượng tôn công lý và bảo vệ lẽ phải đã giúp Singapore lớn mạnh mà không lệ thuộc bất kỳ siêu cường nào, mặc dù xuất phát điểm cũng vô cùng khó khăn.
Tư duy và lập trường ấy được thể hiện một cách nhất quán từ cố Thủ tướng Lý Quang Diệu cho đến đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long.
Bởi lẽ, dù nhỏ về diện tích và dân số, nhưng không nước nào dám coi thường Singapore. Trong ứng xử với các siêu cường, Singapore cũng rất đàng hoàng, cương trực và thẳng thắn.
Thứ ba, cần chủ động và linh hoạt trong ứng xử với các tranh chấp trong Biển Đông, “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông, trong xã hội có những ý kiến khác nhau là điều hết sức bình thường và dễ hiểu.
Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy chính sách đối ngoại của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long không phải ai cũng đồng tình, thậm chí có người đã công khai phản đối.
Tuy nhiên, quan hệ hợp tác giữa Singapore với các siêu cường, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai bên bình đẳng và cùng có lợi. Thiết nghĩ làm được điều này là thành công to lớn rất đáng ngưỡng mộ của các nhà lãnh đạo Singapore.
Thứ tư, Singapore và Vương quốc Anh được xem là hai quốc gia phát triển hàng đầu thế giới về các dịch vụ pháp lý quốc tế.
Đó cũng là lý do tại sao rất nhiều hợp đồng giao dịch quốc tế quan trọng thường chọn đơn vị tư vấn pháp lý từ Anh hoặc Singapore.
Vì vậy thượng tôn pháp luật luôn là kim chỉ nam và nguyên tắc sống còn đối với Singapore.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ảnh: NAM News. |
Cách tiếp cận của ông Lý Hiển Long và ông Rodrigo Duterte với Phán quyết Trọng tài 12/7 hoàn toàn không mâu thuẫn nhau;
Trái lại, hai nhà lãnh đạo này đều góp phần thúc đẩy thực thi Phán quyết trong thực tế, nhưng xuất phát từ thực tiễn và lợi ích khác nhau của mỗi nước nên có biểu hiện riêng về chính sách, mặc dù cùng hướng tới 1 đích:
Tự do hàng hải, hàng không, hòa bình ổn định ở Biển Đông cũng như tính thượng tôn của luật pháp quốc tế gắn liền với lợi ích sống còn của quốc đảo này và các nước nhỏ trong khu vực.
Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo Singapore cổ vũ các bên, đặc biệt là Trung Quốc, tuân thủ Phán quyết Trọng tài.
Tuy nhiên giữa pháp lý và chính trị bao giờ cũng có những khoảng cách nhất định, đặc biệt là trong quan hệ với các siêu cường.
Bởi thế, Thủ tướng Lý Hiển Long không thụ động ngồi chờ diễn biến tình hình, mà ông đã rất chủ động đón đầu các xu thế mới để tối đa hóa lợi ích cho đất nước mình.
Ông Lý Hiển Long đã và đang góp phần rất tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông.
Phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long rõ ràng thể hiện một tầm nhìn chiến lược, một triết lý sinh tồn của các quốc gia, dân tộc nhỏ nằm trong vòng tranh đoạt ảnh hưởng, "địa bàn" của các siêu cường.
Đó cũng chính là những chính sách và nỗ lực đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi mà Việt Nam đang theo đuổi.
Luật pháp quốc tế sẽ là sợi dây kết nối hiệu quả các nước trong khu vực với nhau, mặc dù quyền và lợi ích của mỗi bên ở Biển Đông cũng như trong quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ và Trung Quốc có khác nhau.
Sự công bằng trong mái nhà chung Liên Hợp Quốc hay sự giải thích, vận dụng luật pháp quốc tế luôn luôn là một quá trình nỗ lực không mệt mỏi của các nước nhỏ.
Bởi lẽ, dù nhân loại đã tiến vào thời đại văn minh, nhưng giấc mộng siêu cường, thống trị nhân loại vẫn không hề biến mất trong một số siêu cường, đặc biệt là một số chính khách đang ở đỉnh cao quyền lực và đầy tham vọng.
Vì thế, triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến” luôn là lựa chọn khôn ngoan và có lợi nhất.
Có lẽ đây cũng là điều ông Lý Hiển Long trăn trở, cũng là điều người Việt ta phải suy ngẫm trước thời cuộc đổi thay quá nhanh. Và năm 2018, tình hình Biển Đông vẫn có thể sẽ giữ được trạng thái “yên ả” bởi chúng ta sẽ hành động theo triết lý đó!