Các thầy cô hãy tưởng tượng, áp dụng dạy 2 môn tích hợp thì sẽ thế nào nhỉ?

28/01/2018 07:07
BÙI NAM
(GDVN) - Học sinh sẽ là người gánh chịu hậu quả của sự thất bại, học sinh phải chấp nhận học môn “thập cẩm” từ các thầy “thập cẩm” bất đắt dĩ.

LTS: Bày tỏ những lo lắng về những khó khăn cho cả thầy và trò khi triển khai các môn học tích hợp vào thời điểm hiện nay, thầy giáo Bùi Nam cho rằng cuối cùng người thiệt thòi nhất chính là các em học sinh.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tiếp tục bàn về những bất cập khi triển khai chương trình mới trong đó có 2 môn tích hợp là Khoa học tự nhiên, Sử và Địa, tôi và rất nhiều nhà giáo khác đều chắc chắn rằng rất e ngại khi chương trình mới được triển khai nhất là 2 môn tích hợp trên.

Chúng tôi là những người hàng ngày tiếp xúc các em học sinh, giảng dạy các em, chúng tôi biết rõ học sinh cần gì, không phải chúng tôi sợ đổi mới, ngại đổi mới, ngại khó, ngại khổ, hay chúng tôi không biết cách dạy…

Nhưng chúng tôi biết rằng trong tình hình hiện nay sẽ có thể thất bại nặng nề, không có gì là an tâm hay nói đúng hơn là lo sợ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm thực hiện 2 môn tích hợp trên.

Thử tưởng tượng sẽ ra sao khi các nhà trường áp dụng dạy 2 môn tích hợp. (Ảnh: thcsnguyenhongdao.hcm.edu.vn)
Thử tưởng tượng sẽ ra sao khi các nhà trường áp dụng dạy 2 môn tích hợp. (Ảnh: thcsnguyenhongdao.hcm.edu.vn)

Thử nhắm mắt lại tưởng tượng giả sử khi chương trình được thông qua và triển khai đồng loạt trong cả nước, thử nghĩ xem 2 môn tích hợp trên nếu áp dụng tại trường trung học cơ sở sẽ như thế nào?

Bước đầu khi chưa có giáo viên tích hợp

Chắc chắn rằng hiện tại không thể cho ra đời giáo viên tích hợp nên một môn Khoa học tự nhiên sẽ có 3 phần trong một sách giáo khoa và do 3 giáo viên giảng dạy từng phần;

Môn Sử và Địa cũng vậy 2 phần trong một sách giáo khoa và do 2 giáo viên dạy.

Nó cũng nôm na như hiện nay ở cấp trung học cơ sở có môn Âm nhạc và Mỹ thuật vào chung một quyển sách do 2 giáo viên dạy, nhưng chỉ khác là đây là 2 môn học riêng biệt do 2 giáo viên dạy độc lập.

Nói vậy để cho thấy nếu đưa môn Khoa học tự nhiên, Sử và Địa một quyển sách mà 2, 3 thầy dạy thì chả có gì gọi là tích hợp, chả có gì mới mẻ.

Điểm mới mà các quý thầy Tổng chủ biên, chủ biên của từng môn muốn là nó vẫn do 2 hay 3 thầy dạy nhưng gọi là một môn có nghĩa là cả 2, 3 thầy cùng dạy 2, 3 phần riêng biệt khác nhau, khi kiểm tra từng phần Lý, Hóa, Sinh cho đề khác nhau nhưng 3 phần đó chung một đề, cùng đánh giá chung một điểm số.

Các thầy cô hãy tưởng tượng, áp dụng dạy 2 môn tích hợp thì sẽ thế nào nhỉ?  ảnh 2Tích hợp 1 sách 2, 3 thầy nếu thất bại, ai sẽ chịu trách nhiệm? Không ai cả?

Nhờ quý thầy chủ biên cho suy nghĩ của mình như thế nào khi một đề kiểm tra hay thi phải có 2 hay 3 ông thầy cùng cho điểm một học sinh;

2 hay 3 ông thầy ngồi lại đánh giá một học sinh, rồi ông thầy bộ môn nào chịu trách nhiệm về học sinh các môn Khoa học tự nhiên, Sử và Địa.

Về việc cho điểm số, đề kiểm tra, đánh giá, nhận xét, vô điểm phần mềm cho một học sinh mà 2 hay 3 ông thầy làm sẽ vô cùng rối rắm, cả trường có hàng ngàn học sinh thì các việc trên sẽ phân chia như thế nào ai sẽ chịu trách nhiệm về các môn đó?

Chắc chắn sẽ xảy ra mâu thuẫn rất lớn của các giáo viên về việc thống nhất nội dung để kiểm tra, đánh giá,… từng học sinh, khi đó mất đoàn kết rất lớn giữa các giáo viên với nhau.

Thử xem như vậy trường học sao có thể phát triển, thử xem như vậy thì học sinh sẽ tiếp thu bài như thế nào?

Tôi không dám tưởng tượng tiếp.

Khi đã có giáo viên tích hợp

Giả sử khi các trường sư phạm đã đào tạo được lứa giáo viên tích hợp, hay các giáo viên tại các trường trung học cơ sở đã được đưa đi bồi dưỡng các môn còn lại ví dụ giáo viên môn Hóa thì học thêm Lý, Sinh, giáo viên môn Sử thì học thêm môn Địa;

Và ngược lại, mỗi giáo viên đào tạo thêm 300 tiết theo tính toán của tôi để có đầy đủ giáo viên tích hợp trong cả nước ít nhất mất gần 15 năm nữa;

Có lẽ lúc đó chương trình đã lạc hậu, có thể phải thay đổi trở về giáo viên đơn môn chăng?

Nếu đã đào tạo đủ giáo viên tích hợp thì khi đó phải thay đổi toàn bộ sách giáo khoa, chứ không thể để bộ sách giáo khoa gồm 2, 3 phần mà do giáo viên tích hợp dạy.

Các thầy cô hãy tưởng tượng, áp dụng dạy 2 môn tích hợp thì sẽ thế nào nhỉ?  ảnh 3Chủ biên khẳng định, dạy tích hợp nhà trường gặp khó khi sắp xếp thời khóa biểu

Lúc đó có thể tốn một khoản tiền rất lớn để thay sách giáo khoa, tiếp tục tập huấn các giáo viên trên (vì trước đó giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn nhưng theo từng môn riêng nhưng giờ tiếp tục đổi sách thành một sách giáo khoa tích hợp nên chắc chắn giáo viên phải được bồi dưỡng tiếp).

Tôi thấy chỉ trong danh sách các chủ biên các bộ môn cũng là sự lãng phí rất lớn, môn Khoa học tự nhiên có một Tổng chủ biên, bên cạnh đó có các Tổng chủ biên của 3 môn Lý, Hóa, Sinh vậy là 3 môn mà tới 4 Tổng chủ biên.

Điều đó chứng tỏ rằng ông Tổng chủ biên môn Khoa học tự nhiên là Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn cũng không thể nào nắm vững kiếm thức cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh để ông có thể cho ra đời chương trình Khoa học tự nhiên, vậy là tốn thêm 3 ông Tổng chủ biên khác.

Vậy vai trò của ông Tổng chủ biên môn Khoa học tự nhiên là gì thưa ông?

Bản thân ông Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn Tổng chủ biên môn Khoa học tự nhiên cũng không thể nào đủ kiến thức cả 3 bộ môn mà ông phụ trách thì làm sao ông có thể đòi hỏi chúng tôi nắm vững kiến thức cả 3 môn trên để giảng dạy cho học sinh.

Như đã nói mỗi bộ môn Lý, Hóa, Sinh là 3 môn riêng biệt kiến thức hoàn toàn khác xa nhau nếu có chỉ trùng nhau ở một vài ý rất nhỏ chưa tới 5% chung thì có lý gì chúng ta tích hợp 3 bộ môn khác nhau thành một môn rồi bắt giáo viên dạy và học sinh học.

Càng đi nguyên cứu chuyên sâu các môn trên càng khác xa nhau, hay nói đúng hơn không có điểm gì giống nhau, nên không thể nào tích hợp chúng lại.

Nếu chúng ta cứ đào tạo kiểu tích hợp thực dụng, vô vị và nhảm nhí như trên thì không thể nào học sinh nắm vững và sâu kiến thức được, chắc chắn mục tiêu của chương trình không thể đạt được.

Các thầy cô hãy tưởng tượng, áp dụng dạy 2 môn tích hợp thì sẽ thế nào nhỉ?  ảnh 4Xin mời thầy Nguyễn Minh Thuyết, thầy Mai Sỹ Tuấn dạy thị phạm 2 môn tích hợp 

Bên cạnh đó, mỗi môn học có phương pháp giảng dạy hoàn toàn khác nhau, không thể để một ông thầy nắm vững phương pháp cả 3 môn mà giảng dạy cho cả 3 môn được.

Lúc đó học sinh sẽ “tẩu hỏa nhập ma” vì một ông thầy cùng một kiểu dạy mà dạy cả 3 phần khác nhau, vì giáo viên lấy phương pháp môn Lý để dạy về bộ môn Hóa, Sinh.

Cuối cùng người thiệt thòi nhất là học sinh

Khi chương trình trên được triển khai, chắc chắn người thiệt thòi nhất là học sinh, học sinh phải chịu quá nhiều đổi mới, thay đổi chưa được kiểm chứng, thử nghiệm.

Học sinh có nhiều em giỏi, yêu thích từng phân môn riêng biệt như Lý, Hóa, Sinh hay Sử, Địa khi áp dụng các môn tích hợp này sẽ không còn các em giỏi đó, khó tạo được điểm nhấn hay tạo mũi nhọn, định hướng tương lai.

Học sinh sẽ là người gánh chịu hậu quả của sự thất bại, học sinh phải chấp nhận học môn “thập cẩm” từ các thầy “thập cẩm” bất đắt dĩ.

Học sinh sẽ không còn học sinh giỏi, chuyên sâu về các môn Lý, Hóa, Sinh mà chỉ là học sinh “thập cẩm”.

Thật tội nghiệp các em!

Nếu thực hiện đơn môn có sai sót dễ khắc phục, sửa đổi còn nếu dạy tích hợp nếu sai lầm hầu như không thể khắc phục.

Tôi tha thiết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cấp các ngành nghiên cứu khả thi, thử nghiệm một cách vô cùng thận trọng trước khi triển khai, tránh theo ý nghĩ chủ quan của các vị, nếu vội vàng có thể làm hỏng cả thế hệ mà không thể quay lại được. 

BÙI NAM