LTS: Bày tỏ nỗi niềm lo lắng, cùng sự bức xúc khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cho phép 8 trung tâm vào các trường để dạy kĩ năng sống, trong khi nhiều giáo viên tại đây lại đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp, cô Thảo Ly đã đưa ra quan điểm trước vấn đề trên.
Cô Thảo Ly đồng thời cũng đặt ra câu hỏi mà đông đảo dư luận cũng có cùng suy nghĩ đó là việc “Có hay không việc ăn chia hoa hồng với các trung tâm giảng dạy này?”.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nhiều giáo viên ở tỉnh Hải Dương bức xúc vì bị cắt hợp đồng, bị chậm lương vài tháng chưa nhận được. (1)
Giáo viên sống lay lắt với nghề nhưng vẫn cố bám trụ vì lòng yêu nghề cũng như vì cuộc sống mưu sinh.
Thế nhưng điều nghịch lý đang xảy ra, trong khi đời sống giáo viên khốn cùng vì không có việc làm như thế lại không được các cấp, các ngành liên quan nơi này chăm lo.
Trái lại, chính họ còn tạo điều kiện cho một số trung tâm bên ngoài vào giảng dạy kĩ năng sống ở trường học trong khi các thầy cô của mình vẫn thừa năng lực để dạy môn học này.
Giáo viên ở Hải Dương đứng trước nguy cơ thất nghiệp khi Sở giáo dục mời các trung tâm giáo dục kĩ năng sống tới dạy (Ảnh minh họa: giaoducductri.edu.vn). |
Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương đã cho phép 8 trung tâm vào các trường để dạy kĩ năng sống cho học sinh ở cả 3 cấp học.
Điều đáng nói là những kiến thức và phương pháp dạy kĩ năng sống của những trung tâm này chẳng có gì mới.
Theo phản ánh của một số giáo viên nơi đây, những bài dạy của trung tâm hoàn toàn là những kiến thức có trong chương trình môn đạo đức mà giáo viên vẫn dạy hàng ngày.
Đó là những bài học kĩ năng nhưng được trung tâm truyền thụ theo lối thuyết trình và cho học sinh xem ứng dụng trên màn ảnh chứ hoàn toàn không vượt ra khỏi khả năng giảng dạy của nhà trường.
Vậy nên dư luận bức xúc đặt nghi vấn “tại sao ngành giáo dục nơi đây lại bỏ rơi giáo viên của mình?” và “Có hay không việc ăn chia hoa hồng với các trung tâm giảng dạy này?”.
Giáo viên thất nghiệp nhìn các trung tâm bên ngoài chiếm chỗ
Gần một nghìn hai trăm giáo viên tỉnh Hải Dương không được trả lương, lay lắt bám trụ với nghề. Năm học 2017-2018 nguy cơ khoảng 4 nghìn giáo viên mất việc.
Trả lời phóng viên Báo Tiền Phong, Ông Vũ Văn Lương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cho biết, toàn tỉnh có 4.056 giáo viên hợp đồng ở tất cả các cấp học, trong đó có 1.191 giáo viên hợp đồng đã 3 tháng nay không nhận được lương, có 61 giáo viên xin nghỉ việc.
Thầy cô đủ trình độ dạy kỹ năng sống, sao Hải Dương vẫn thuê công ty ngoài? |
Theo ông Lương, có nhiều nguyên nhân khiến các trường phải ký hợp đồng với giáo viên.
Ông Phạm Văn Tỏ, Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương cho biết thêm, quy định hiện nay nêu rõ các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có ngành giáo dục được tăng trường, tăng lớp nhưng phải cân đối quy mô biên chế tỉnh giao.
Có nhiều huyện ký hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế tỉnh giao nhưng có những huyện ký theo định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dẫn đến số giáo viên hợp đồng tăng mạnh.
Khá nhiều giáo viên trong số này đã gắn bó với nghề trên mười năm, đã có không ít thành tích trong việc giảng dạy. Thế nhưng, lại đứng trước nguy cơ thất nghiệp mà lỗi một phần cũng do việc các cấp liên quan “phóng tay” kí hợp đồng với họ.
Vậy nên trước nguy cơ thất nghiệp, trước nỗi đau phải rời bỏ nghề mà mình tâm huyết thì lẽ ra Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương phải dành cho họ một “con đường sống”, dành cơ hội cho những thầy cô giáo này vẫn được đứng trên bục giảng.
Thế nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương lại dành cái “đặc ân” ấy cho người ngoài bằng cách tạo cơ hội cho các trung tâm, các công ty vào trường học dạy kĩ năng sống cho học sinh mà chính các giáo viên chắc chắn sẽ vẫn dạy rất tốt.
Việc này không chỉ buộc phụ huynh phải đóng một khoản tiền khá lớn hàng tháng cho con, còn thu hẹp thu nhập tăng thêm của mỗi giáo viên nơi đây gần 300 nghìn/tháng.
Hiện nay, tỉnh Hải Dương đã cấp phép cho 8 trung tâm vào trường học dạy kĩ năng sống. Trường có 10 lớp bố trí 1 người dạy, trường 20 lớp bố trí 2 người dạy…Mỗi học sinh một tháng đóng 50.000 đồng.
Chúng ta cứ làm một phép tính nhỏ thế này, với trường 10 lớp, sĩ số học sinh tại Hải Dương có lớp ở vùng thành thị lên tới 50 học sinh, vùng nông thôn hơn 30 học sinh (nếu tính bình quân mức thấp nhất khoảng 35 em/lớp). Tổng học sinh trường 10 lớp khoảng 350 em x 50.000 đồng = 17.500.000 đồng/tháng.
Lợi lộc gì mà Hải Dương cấp phép cho 8 công ty dạy kỹ năng sống? |
Số tiền này có thể dùng trả lương cho 3-4 giáo viên với mức lương cũng khá ổn định (gần 5 triệu đồng/tháng). Vậy trường có 20 lớp sẽ tạo điều kiện cho gần chục thầy cô được giảng dạy.
Nếu tính luôn cả tỉnh Hải Dương cũng có thể giải quyết được hàng nghìn giáo viên có công ăn việc làm ổn định mà không phải chịu cảnh sắp bị sa thải vì mấy tháng trời không nhận được một đồng lương.
Có hay không việc ăn chia hoa hồng
Chuyện những trung tâm, những công ty giáo dục kĩ năng sống được Sở Giáo dục Hải Dương kí hợp đồng vào các trường học giảng dạy có trích phần trăm hoa hồng cho nơi này hay không thì chẳng ai dám khẳng định vì nói phải “có sách” mách phải “có chứng”. Mọi kết luận lúc này đều mang tính vu khống, đặt điều.
Chỉ biết rằng hiện nay, mọi dịch vụ cung ứng trên thị trường thì bên mua cũng được bên bán “lại quả”. Phần trăm trích lại từ 5-15% tùy theo mức lợi nhuận mà bên bán nhận được.
Một số người quen làm trong ngành ăn uống tiết lộ “chỉ kí hợp đồng cung cấp các xuất ăn trong trường học nhưng phần trăm trích trên mỗi phần ăn cho hiệu trưởng lên tới 10% thậm chí có nơi phải trả 15%”. Hay như việc may đồng phục học sinh thì phần trăm gửi lại hiệu trưởng cũng luôn ở mức đấy.
Vậy nên, dư luận có quyền đặt nghi ngờ “có hay không chuyện vì món lợi hoa hồng mà Sở Giáo dục lại cho phép những trung tâm này được vào trường giảng dạy?”.
Để chứng tỏ không có chuyện “ăn chia” hay “chia chác món lợi này” ở đây, Sở Giáo dục Hải Dương hãy thanh lý hợp đồng với các trung tâm này mà tạo điều kiện để giáo viên của mình được giảng dạy.
Tài liệu tham khảo:
(1) http://www.nguoiduatin.vn/-hai-duong-yeu-cau-tra-luong-cho-gan-1200-giao-vien-truoc-3112-a351117.html