LTS: Tha thiết mong ngành giáo dục Hải Dương nên chấm dứt việc thuê công ty dạy kĩ năng sống tại trường học để trả lại sự trong sạch cho môi trường giáo dục, cô giáo Hồng Phong dù rất lo cho học trò nhưng phải bí mật viết phản ánh vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả và các cấp quản lý ở Hải Dương.
Hiện nay, các thầy cô giáo và cha mẹ học sinh có con em học tiểu học ở Hải Dương đang băn khoăn không hiểu tại sao nhiều nhà trường có đủ các loại hình giáo viên mà vẫn phải đóng tiền thuê người của công ty về dạy kĩ năng sống với giá quá đắt…
Dạy kĩ năng sống rất cần nhưng không phải thuê
Giáo dục kĩ năng sống cũng là thực hiện mục tiêu giáo dục mà chúng ta đề ra. Thực tế hiện nay, học trò học quá nhiều lí thuyết và ngành giáo dục đang chuyển hướng và khuyến khích các trường tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm thực tế.
Để thực hiện nhiệm vụ này, các nhà trường và lực lượng giáo viên đã xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục kĩ năng sống và lồng ghép kĩ năng sống vào nội dung các môn học chính khóa.
Giảng dạy kĩ năng sống ở bậc tiểu học (Ảnh minh họa: phuonghong.edu.vn). |
Việc này hoàn toàn nằm trong tầm tay của nhà trường vì các trường tiểu học hiện nay đang dư thừa giáo viên, giáo viên lại có đủ các loại hình và lứa tuổi để phù hợp giáo dục học sinh từng nội dung khác nhau.
Vậy thì chẳng cớ gì mà các nhà trường lại phải thuê công ty đến dạy kĩ năng sống cho học sinh để sinh ra những bất công và phiền toái.
Đắt nhưng không có gì là sắt ra miếng
Để con mình được học mỗi tuần 1 tiết kĩ năng sống, cha mẹ học sinh phải đóng 50.000 đồng mỗi tháng. Nếu làm một cuộc phỏng vấn thăm dò thì chắc chả mấy người tán thành với việc thuê công ty dạy cách sống cho con mình.
Họ nói chẳng lẽ các thầy cô trong nhà trường dạy được Toán, Tiếng Việt, Đạo đức,… lại không đủ trình để dạy kĩ năng sống.
Mà giáo dục kĩ năng sống là gì? Kĩ năng sống được hình thành qua nhiều môn học, nhiều hoạt động giáo dục chứ đâu phải đóng tiền thuê công ty dạy mỗi tuần 1 tiết.
Tính ra, trung bình mỗi lớp khoảng 40 học sinh thì mỗi tháng mỗi lớp thu của các con 2 triệu. Vậy là mỗi tiết học 40 phút các con phải trả cho công ty 500.000 đồng. Đắt quá!
Trong khi đó, tiền trả cho vượt giờ của các cô giáo trong nhà trường chỉ khoảng 50.000 đồng/tiết. Có phải đây là một bất công?
Giá như đắt tiền mà các con được trải nghiệm ngoài trời hoặc tham quan đây đó thì là một lẽ. Đằng này vẫn là màn hình máy chiếu với vài ba hình ảnh con vật ngộ nghĩnh,… thật lãng phí!
Đây có phải là sự đồng hành để phát triển giáo dục?
Một công ty dạy kĩ năng sống ở Hải Dương đã tổng kết 5 năm “một chặng đường” và họ nói đây là sự đồng hành cùng phát triển giáo dục.
Thiết nghĩ, đã gọi là việc làm góp phần phát triển giáo dục thì phải được sự ủng hộ (một cách thoải mái) của cha mẹ học sinh với chi phí chấp nhận được.
Đằng này, 50.000/tháng/học sinh mà mỗi tuần chỉ có 1 tiết, nội dung dạy học chẳng có gì đặc sắc, chẳng có gì gọi là trải nghiệm thực tế. Các phụ huynh chẳng qua không muốn con mình chầu rìa nên cắn răng đóng tiền…
Một số thầy cô tiểu học ở Hải Dương cho biết, nếu không thuê người của công ty, các cô vừa không bị giảm số tiết buổi 2 (vốn đã thù lao ít ỏi) lại vừa phối hợp được với cha mẹ học sinh tổ chức trải nghiệm cho các con. Bổ ích biết bao mà chẳng phải đóng góp nặng nề.
Mặt khác, các phụ huynh nói rằng, bình quân mỗi trường 500 học sinh, mỗi năm thu khoảng 200 triệu đồng để thuê công ty về dạy kĩ năng sống. Giá như 200 triệu đồng đó mà để xây nhà xe và công trình vệ sinh cho các con thì tốt biết mấy.
Hiện nay, ở các huyện, các con đang phải học trong điều kiện thiếu quạt nóng bức, nhà vệ sinh cũ bốc mùi khó chịu. Thật là tiêu tiền không đúng chỗ…
Giáo dục kĩ năng sống là cần thiết, tuy nhiên, đây là một quá trình, các hoạt động của nó cần lồng ghép trong nhiều chương trình khác nhau để hình thành nhân cách học sinh chứ không phải cần đến 500.000 đồng cho mỗi tiết học.
Mong ngành giáo dục Hải Dương nên chấm dứt vấn đề này và cha mẹ học sinh hãy mạnh mẽ lên tiếng để trả lại sự trong sạch cho môi trường giáo dục của chúng ta.