Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ góp ý với Bộ Giáo dục về đổi mới kỳ thi quốc gia

13/02/2018 07:11
Thùy Linh
(GDVN) - Ông Nhĩ kiến nghị, Bộ Giáo dục nên nghiên cứu phối hợp với Trung ương Đoàn, các địa phương để học sinh sau khi thi quốc gia xong sẽ được đi thực tế.

Đánh giá về kết quả mà ngành giáo dục đạt được trong năm 2017, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2017 tạo được bước ngoặt lớn. 

Được biết, năm 2017, lần đầu tiên kỳ thi trung học phổ thông quốc gia do các địa phương chủ trì; lần đầu tiên hình thức thi trắc nghiệm khách quan chiếm 4/5 số môn thi, bài thi; lần đầu tiên kỳ thi rút ngắn xuống chỉ còn 2,5 ngày…

Với tất cả những đổi mới đó kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2017 đã để lại ấn tượng mạnh cho xã hội bởi sự nhẹ nhàng, êm ả, nghiêm túc và an toàn.

Điều này cũng cho thấy những đổi mới của ngành giáo dục đang đi đúng hướng, được xã hội ủng hộ. 

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ góp ý với Bộ Giáo dục về đổi mới kỳ thi quốc gia (Ảnh: Thùy Linh)
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ góp ý với Bộ Giáo dục về đổi mới kỳ thi quốc gia (Ảnh: Thùy Linh)

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nhĩ cho hay, kỳ thi quốc gia năm 2017 có nhiều đổi mới so với các năm trước mặc dù ý tưởng về đổi mới kỳ thi đã có từ năm 2011 do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Nhưng mãi tới năm 2017 vừa qua thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chấp nhận những kiến nghị của Hiệp hội. 

Cụ thể, nếu trước đây Bộ giao cho các trường đại học đứng ra tổ chức kỳ thi quốc gia thì năm 2017 là lần đầu tiên các sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong tất cả các khâu của kỳ thi. 

Ông Nhĩ đánh giá, nơi quản lý đào tạo giáo dục phổ thông phải để họ tổ chức và đánh giá để họ biết rằng quá trình quản lý đã làm được gì, còn hạn chế gì để khắc phục do đó, để các sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì là hoàn toàn đúng đắn. 

Về địa điểm tổ chức kỳ thi quốc gia, nếu trước đây Bộ tổ chức ở các khu vực có nhiều trường đại học như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên... đã khiến học sinh đi lại xa, vất vả, huy động toàn bộ lực lượng tham gia vào kỳ thi này gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông, tốn kém nhiều cho xã hội. 

Nhưng đến kỳ thi năm 2017, mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi nên có chuyện “học trò ăn cơm nhà để đi thi”, đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với các năm trước. 

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ góp ý với Bộ Giáo dục về đổi mới kỳ thi quốc gia ảnh 2Thật mừng vì có đề thi minh họa

Ngoài ra, kỳ thi quốc gia năm 2017 có 4/5 môn thi, bài thi được tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Lần đầu tiên có các bài thi tổ hợp gồm các môn thi thành phần và cũng là lần đầu tiên, môn Giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi. 

Mỗi thí sinh trong phòng thi có một mã đề thi riêng, nhằm ngăn chặn tình trạng quay cóp và các gian lận, tiêu cực trong phòng thi.

Phương thức này đã đặt ra yêu cầu học sinh học phải học đều chương trình, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện trong nhà trường phổ thông và hạn chế học tủ, học lệch, luyện thi.
 
Cùng với những thuận lợi đó thì năm 2017, thí sinh được đăng ký xét tuyển đại học cùng lúc với đăng ký dự thi với số nguyện vọng không giới hạn đã tạo điều kiện cho thí sinh phát huy tối đa năng lực sở trường và điều kiện của mình.
 
Trước những đổi mới được đánh giá tích cực này, ông Nhĩ hi vọng rằng, cách thức thi này sẽ được Bộ giữ ổn định trong kỳ thi quốc gia trong vài năm tới, chỉ cần mở rộng nội dung kiến thức thi ra cả chương trình lớp 10, 11, 12 như định hướng hiện nay của Bộ. 

Đồng thời, ông Nhĩ kiến nghị, Bộ cần yêu cầu thí sinh dự thi đủ cả 5 bài thi (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội) và cần thông báo sớm để học sinh, nhà trường có kế hoạch học tập. Có như vậy học sinh mới học toàn diện để chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam được nâng cao trong tương lai. 

Ngoài ra, ông Nhĩ kiến nghị thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu phối hợp với Trung ương Đoàn, các địa phương để học sinh sau khi thi quốc gia xong sẽ được đi thực tế để tăng cường kỹ năng sống mà thời gian qua chúng ta đã làm nhưng chưa hiệu quả. 

Bởi theo ông Nhĩ, học trò hoàn thành kỳ thi quốc gia vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 mà tới tận cuối tháng 8, đầu tháng 9 học sinh mới nhập học ở các trường đại học. Tức là học sinh được nghỉ ngơi 2 tháng liền. 

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ góp ý với Bộ Giáo dục về đổi mới kỳ thi quốc gia ảnh 3Sẽ thay đổi hình thức thi quốc gia vào năm 2021

“Chúng ta đừng nên nghĩ thi xong là kết thúc quá trình đào tạo mà nên có phương án tiếp tục sử dụng lực lượng này trong khi có khoảng 1 triệu thí sinh dự thi mỗi năm, vậy khoảng thời gian 2 tháng là đã có tổng số 60 triệu ngày công cho xã hội thì hiệu quả tới mức nào”, ông Nhĩ nhấn mạnh. 

Nói như vậy không có nghĩa là các em thi xong sẽ phải lao động mệt nhọc, ông Nhĩ gợi ý, ví dụ ngay từ trong năm học 2700 trường trung học phổ thông phối hợp với 2700 xã nghèo ở vùng sâu, vùng xa để sau khi hoàn thành kỳ quốc gia, nghỉ ngơi 1 tuần hoặc 10 ngày là các em “lên đường”. 

Lúc này nhiều người băn khoăn, vậy học trò lên các xã nghèo làm gì? Ông Nhĩ cho hay, về đó cùng nhau dọn dẹp làm sạch môi trường, tuyên truyền về vấn đề chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ người nghèo hay cùng bà con trồng cây nơi đất trống đồi trọc, dạy xóa mù chữ cho bà con nơi đây, dạy tiếng Anh cho trẻ em... đi liền với đó là hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao... 

Tất cả những hành động đó không chỉ mang lại giá trị cho hiện tại mà nó còn nuôi dưỡng những giá trị tương lai. 

Từ đó, ông Nhĩ mong Bộ nghiên cứu nếu chưa làm được toàn bộ thì nên thực hiện thí điểm để đưa hoạt động này vào thực tế để tăng cường kỹ năng sống cho học sinh. 

Thùy Linh