Mỗi năm các địa phương trên cả nước đều bầu xét bình chọn các gia đình văn hóa. Tổng kết báo cáo hàng năm những tỉ lệ phần trăm đạt chứng nhận này không hề thấp.
Năm 2016, có gần 18,8 triệu hộ gia đình, chiếm 85,03% tổng số hộ gia đình trên cả nước đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa". Năm 2017, số hộ gia đình văn hóa đạt hơn 17,8 triệu, tức là chiếm khoảng 70%. [1]
Ấy thế nhưng, trên mặt báo vẫn đâu đó xuất hiện những câu chuyện rùng rợn về việc vợ giết chồng chặt xác phi tang, cha giết con tàn nhẫn, con giết cha trên bàn nhậu…
Thậm chí ngay tại Thủ đô Hà Nội vốn được ngợi ca là văn minh, thanh lịch, cách đây không lâu, câu chuyện về việc một cháu bé trên mình đầy vết thương phải trốn khỏi ngôi nhà nơi mà bé bị chính cha ruột và mẹ kế hành hạ hàng ngày.
Những câu chuyện đó làm không ít người cảm thấy đau xót, thậm chí rùng mình trước sự suy đồi về đạo đức và những giá trị về tình cảm gia đình.
“Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt”, đó là những điều chúng ta được giáo dục ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Những giá trị đạo đức, tình yêu thương trong gia đình là điều mỗi con người cần được hun đúc từ tấm bé để hình thành những con người tử tế, có ích cho xã hội.
Ảnh minh họa: Baoquangninh.com.vn |
Vậy mà điều gì đã xảy ra sau những tấm chứng nhận “gia đình văn hóa” được trao phổ biến đến mỗi gia đình mỗi năm?
Những gia đình được trao tặng liệu có thực sự tự hào, trân trọng vì những nỗ lực gìn giữ nếp nhà?
Danh hiệu ấy liệu có giá trị nhắc nhở, giáo dục mỗi con người cùng xây dựng một tổ ấm văn minh, hay đang được phổ cập đến mức chỉ mang tính tượng trưng để lập thành tích?
Nhận thấy những bất cập trong công tác xét tặng danh hiệu này, trong một cuộc họp của Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phúc tra việc xét tặng các danh hiệu văn hóa.
Văn hóa là nòng cốt ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, phát huy những điều tốt đẹp |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh các cơ quan quản lý cần kiên quyết loại bỏ bệnh hình thức, chạy theo thành tích trong xét tặng các danh hiệu văn hóa.
Bày tỏ quan điểm của mình về phong trào xây dựng gia đình văn hóa hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển thẳng thắn cho biết:
"Về mặt lý thuyết, ý tưởng xây dựng gia đình văn hóa là muốn làm cho văn hóa của gia đình ngày càng phát triển, hoàn thiện và tốt đẹp lên, để con người sống với nhau tốt hơn.
Tuy nhiên, khái niệm "gia đình văn hóa" và "văn hóa gia đình" thì nó cũng không rõ ràng, cần trao đổi thêm.
Còn trong thực tiễn với sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của xã hội hiện nay thì nó cũng kéo theo việc gia đình vừa như một xã hội thu nhỏ, vừa là biểu hiện văn hóa của xã hội.
Cho nên, trong sự suy thoái tư tưởng đạo đức, lối sống (đặc biệt là đạo đức, lối sống) thì sẽ ảnh hưởng đến gia đình và gia đình cũng bị lây nhiễm.
Có thể nói, đây là một nỗi đau của xã hội, suy rộng ra, không chỉ ở nước ta, mà vấn đề gia đình cũng là vấn đề của nhân loại".
Theo Phó Giáo sư Lê Quý Đức: "Phong trào gia đình văn hóa chẳng qua là một phong trào xã hội thôi, không phải đi vào thực chất. Cho nên, có người được công nhận gia đình văn hóa mà người ta không muốn treo cái biển đó.
Vì chạy theo phong trào nên chạy theo cái gọi là số lượng, là danh hiệu cho nên 80-90% gia đình văn hóa.
Những con người sống ở đấy có những tội ác, những cái suy đồi như cha giết con, vợ giết chồng... ấy là phản ánh việc chúng ta thiếu sót trong sự giáo dục văn hóa gia đình.
Đặc biệt là trước đây, chúng ta thiếu giáo dục gia đình, thiếu giáo dục đạo đức, thiếu giáo dục cá nhân và giáo dục về tâm linh".
Đưa ra một số ý kiến để làm cho văn hóa gia đình phát triển tốt đẹp lên, Phó Giáo sư Lê Quý Đức cho rằng: "Trước hết, chúng ta cần phải quan tâm đến gia đình: quan tâm đến đời sống vật chất, quan tâm giáo dục trong gia đình, quan tâm đời sống cá nhân, từng ý thức cá nhân mỗi người để con ra con, cha ra cha,... như xã hội truyền thống trước đây.
Bên cạnh đó, cần có sự vận thông trong gia đình, nghĩa là sự thông cảm giữa các thế hệ trong gia đình.
Đặc biệt là phải làm cho xã hội lành mạnh lên, vì nếu xã hội tham nhũng, trộm cắp... thì làm sao giáo dục gia đình tốt được".
Phó Giáo sư Đức cũng nhấn mạnh đến việc giáo dục đạo đức trong đó gắn với sự mẫu mực làm gương của các tổ chức chính trị xã hội cũng như những người lớn trong nhà.
Sự gương mẫu, tôn trọng nhân cách của đối tượng được giáo dục (con em trong gia đình), đầu tư về đời sống vật chất, truyền thống gia đình... tất cả tạo nên nền tảng nhận thức gia đình để phát triển văn hóa gia đình ngày càng tốt đẹp hơn.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://kinhtedothi.vn/binh-xet-danh-hieu-gia-dinh-van-hoa-tim-thuoc-tri-benh-thanh-tich-308722.html