Rượu bia, đánh nhau và văn hóa ứng xử

01/02/2017 07:00
Nguyễn Cao
(GDVN) - Nhiều người đánh nhau nhưng khi ra pháp luật lại đổ lỗi tại rượu bia nhưng rượu bia thì làm gì… có lỗi. Cái lỗi lớn là do ý thức con người hết.

LTS: Câu chuyện về tác hại của rượu bia đã được báo chí, truyền thông nêu ra nhiều lần. Tuy nhiên, dịp Tết, chuyện uống rượu bia thường khó tránh khỏi.

Từ câu chuyện về rượu bia, tác giả Nguyễn Cao gợi ra nhiều suy ngẫm về cách ứng xử của con người trong xã hội hiện nay. Qua đó, nhắn nhủ những điều cần chú trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết!

Trong Báo cáo tình hình phát triển công nghiệp, thương mại của Bộ Công Thương cho biết, sản lượng bia năm 2016 của Việt Nam ta là 3,788 tỷ lít bia. 

Theo dữ liệu này, nếu tính trung bình thì năm qua mỗi người Việt uống 42 lít bia, số lượng này tăng khoảng 4 lít so với năm 2015. Đây có phải là một con số đáng mừng? 

Theo thống kê thì lượng rượu bia trung bình sử dụng trên thế giới trong vòng một thập kỷ qua không tăng nhưng ở Việt Nam thì lượng tiêu thụ rượu bia liên tục tăng. 

Nếu như năm 2008, Việt Nam mới đứng thứ 8 châu Á thì đến năm 2016 nước ta đã vượt lên 5 bậc, chỉ còn sau Nhật Bản và Trung Quốc. 

Theo quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 được Bộ Công Thương phê duyệt, mục tiêu đặt ra của ngành rượu bia là sẽ tăng lên 4,6 tỷ lít bia vào 2025; 5,6 tỷ lít vào 2035. 

Như vậy, trong 2 thập kỷ tới, lượng bia sản xuất sẽ tăng gấp rưỡi so với con số 3,8 tỷ lít năm 2016. 

Một điều song hành với sự phát triển của bia rượu là số lượng vụ đánh nhau cũng tăng lên khá nhanh. 

Bảy ngày Tết năm 2016, có gần 4.000 người phải nhập viện vì đánh nhau thì năm nay (Tết 2017), từ ngày 28 đến sáng ngày mồng 2 Tết có 2.200 vụ đánh nhau phải nhập viện, trong đó có 14 người chết (chưa kể các vụ đánh nhau không nhập viện) khiến chúng ta bàng hoàng và xót xa và suy ngẫm. 

Ngày Tết là ngày đoàn viên của các gia đình, người thân, bạn bè, là ngày mà chúng ta thường kiêng kị cái xấu, cái ác, kiêng cả những lời cự cãi mà sao hậu quả lại đáng cho thế suy ngẫm nhiều đến thế. 

Xã hội sẽ ra sao nếu chúng ta không ngăn ngừa cái ác, cái xấu đang hiện hữu ở mọi nơi, mọi lúc. 

Rượu bia, đánh nhau và văn hóa ứng xử ảnh 1
Nhậu say rồi đánh nhau gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, biếm họa trên cand.com.vn

Ở cái thời mà chúng ta luôn nơm nớp lo sợ khi ra đường hay phải dè dặt ngay cả với người thân của mình. 

Chỉ một cái nhìn không đúng chỗ, chỉ những câu nói bâng quơ, một lời trêu chọc, thậm chí nhiều thanh niên đi trên đường làng khác chẳng đụng chạm đến ai cũng bị đánh. 

Nhiều vụ đánh nhau ngay khi cùng bàn nhậu, thậm chí giỗ chạp, đám ma, đám cưới, nơi chùa chiền…

Nhiều người đang muốn chứng tỏ mình, muốn lấy số, lấy má trước mọi người hay chúng ta thiếu kiềm chế bản thân và thiếu các kĩ năng ứng xử trong cuộc sống?

Nhiều người đánh nhau nhưng khi ra pháp luật lại đổ lỗi tại rượu bia nhưng rượu bia thì làm gì… có lỗi. Cái lỗi lớn là do ý thức con người hết. 

Cuộc sống hiện đại đang làm mai một đi giá trị đạo đức truyền thống. Cái ác lên ngôi, cái ác lộng hành mà phần nhiều có nguồn gốc từ bia rượu. Những năm qua, các nhà máy, xí nghiệp bia rượu mọc lên khắp nơi. 

Số lượng tiêu thụ ngày một gia tăng, vì thế khi ta đi trên các đường phố, hay ngõ xóm thì việc tìm quán bia rượu dễ gấp vạn lần tìm một hiệu sách hay một đại lí bán gạo. 

Ở cái thời mà mua bia rượu dễ hơn… mua cá ngoài chợ bởi cá thì còn kén chọn cá tươi, cá ngon chứ rượu bia thì có thương hiệu cả rồi, miễn lựa chọn loại nào phù hợp túi tiền là chỉ cần “a lô” vài tiếng là có người chở đến tận nhà.

Có tiền trả cũng được mà không có tiền thì khất nợ cũng chẳng sao.

Rượu bia, đánh nhau và văn hóa ứng xử ảnh 2

Xuân về, nói chuyện rượu bia

Mấy ngày nay, trên mạng xã hội và các trang báo chính thống đã có nhiều bài viết về một clip ghi lại hình ảnh cực kì phản cảm là 5-6 thanh niên đuổi đánh ông Hoàng Tiến Vin - một cựu chiến binh là thương binh hạng 2/4 vì cho rằng xe ba gác của ông vị cựu chiến binh này va quẹt vào xe của họ. 

Đuổi đánh một người đáng tuổi cha chú (ông Vin sinh năm 1955) mà lại là thương binh cụt mất một chân mới thấy sự nhẫn tâm của một bộ phận giới trẻ ngày nay. 

Nhìn những thanh niên ăn mặc đàng hoàng, ra dáng có học thức mà hành xử một cách thiếu tình người ngay tại thủ đô Hà Nội… mặc cho những lời can ngăn và xin họ dừng tay.

Cuộc sống thời hiện đại, nhiều gia đình không coi trọng nền tảng giáo dục cho con em mình. Nhiều người lớn coi thường “tính nêu gương” trong gia đình. 

Nhiều gia đình cứ mải mê chạy theo đồng tiền, mải lo cuộc sống gia đình mà ít gần gũi, trò chuyện, uốn nắn, giáo dục con em mình ngay từ nhỏ. 

Nhiều gia đình vì ít con nên đã dung dưỡng cái ác, cái xấu của các em từ lúc chập chững bước vào đời. Cái gì con em mình làm cũng đúng, cũng tốt, có sai cũng xí xóa cho qua. 

Chính vì tình cảm gia đình không được coi trọng, các kĩ năng sống không được tiếp cận, suốt ngày cứ bám riết vào các trò chơi bạo lực trên điện thoại hay máy tính thì khi các em trưởng thành rất khó trở thành người tốt.

Đất nước ta có hơn 8.000 lễ hội trong một năm. Có hơn 18 triệu/22 triệu gia đình được công nhận là gia đình văn hóa. Phần lớn các cơ quan, công sở được công nhận là cơ quan văn hóa. 

Trong trường học thì phần lớn học sinh, sinh viên có học lực khá giỏi, có hạnh kiểm tốt… mà những năm gần đây, Tết năm nào cũng có cả hàng ngàn vụ đánh nhau phải nhập viện, hàng chục người bị chết vì đánh nhau. Nghĩ buồn thay…!

Nguyễn Cao