Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong thời gian vừa qua nhận được phản ánh của phụ huynh học sinh khối 10 thuộc Trường trung học phổ thông Trần Phú (quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh), nêu lên một số thắc mắc về việc học tiếng Anh của học sinh tại trường.
Phụ huynh nêu ý kiến về việc đóng tiền học tiếng Anh với người nước ngoài, thời gian bắt đầu học áp dụng với học sinh, về sách Smart Time…
Các thắc mắc của phụ huynh liên quan đến việc học tiếng Anh của học sinh ở Trường Trần Phú (ảnh: P.L)) |
Nhằm làm rõ những ý kiến mà phụ huynh nêu lên, trong suốt thời gian từ tháng 12/2017 đến tháng 2/2018, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã rất nhiều lần liên hệ điện thoại, đến trường xin gặp, làm việc trực tiếp với ông Phạm Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trần Phú.
Tuy nhiên, ông Hùng đã rất nhiều lần cáo bận, khi thì lý do đi họp, khi thì bận việc, không có mặt ở trường (dù là thời gian làm việc) để tiếp xúc, làm việc với phóng viên.
Chiều ngày 19/12/2017, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến trường, xin làm việc với lãnh đạo trường về vấn đề phụ huynh phản ánh.
Vì sao Hiệu trưởng Trường Trần Phú không chịu trả lời thắc mắc của phụ huynh? |
Thế nhưng, vào thời điểm đó, ông Phạm Văn Hùng – Hiệu trưởng không có mặt tại trường.
Thay mặt Ban Giám hiệu nhà trường, thầy Trần Hữu Nhân – Hiệu phó đã cẩn thận ghi lại từng câu hỏi của phóng viên vào sổ, hứa là sẽ trình cho Hiệu trưởng để sớm có câu trả lời gửi tới phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tới tháng 2/2018, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Phạm Văn Hùng – Hiệu trưởng cho biết, vẫn chưa nhận được các câu hỏi do thầy Nhân gửi lại.
Một nguồn tin mà phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có được, cho tới nay, thầy Trần Hữu Nhân – Hiệu phó Trường Trần Phú vẫn chưa tìm được các câu hỏi của phụ huynh, mà phóng viên đã đặt ra với lãnh đạo nhà trường hiện giờ đang để ở đâu.
Được biết, ngay sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải những vấn đề có liên quan đến việc học tiếng Anh của học sinh Trường Trần Phú, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức đoàn kiểm tra, xác minh vấn đề này ở trường.
Điều đáng nói, trong quá trình đi thu thập, tiếp cận thông tin về vấn đề này, sáng ngày 3/2/2018, khi trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Phạm Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường Trần Phú đã tự nhận mình có người quen ở Cục Báo chí, muốn tìm hiểu lý lịch, có những câu nói khó nghe đối với người viết bài này.
Kết quả kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo
Ngay sau khi nhận được thông tin về trường hợp của Trường trung học phổ thông Trần Phú, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo đã lập đoàn kiểm tra, tiến hành xác minh cụ thể vụ việc.
Ngay khi có kết quả, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ký văn bản 4553, báo cáo Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, việc dạy học tiếng Anh với người nước ngoài đã được tổ chức từ nhiều năm học trước đây. Năm học 2017 – 2018, nhà trường tiếp tục triển khai chương trình dạy học này, nhằm thực hiện đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông, chuyên nghiệp của thành phố.
Các giải pháp mà nhà trường đã thực hiện: Ngày 3/7/2017, gửi thư ngỏ đến tất cả cha mẹ học sinh khối 10 về việc tổ chức dạy tiếng Anh với người nước ngoài, trong đó có đề cập đến mức thu (200.000 đồng/tháng/học sinh), học từ tháng 9/2017 đến tháng 4/2018, học 2 tiết/tuần với giáo trình Solution.
Việc tổ chức dạy tiếng Anh với người nước ngoài tại trường đã được sự nhất trí của cha mẹ học sinh, tại đại hội cha mẹ học sinh ngày 24/9/2017.
Trường Trần Phú xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ.
2 đơn vị tổ chức dạy tiếng Anh với người nước ngoài tại trường cho học sinh khối 10, 11 có giấy phép hoạt động giáo dục của Sở cấp. Các giáo viên bản ngữ ở 2 công ty có giấy phép lao động do Sở Lao động – Thương binh – Xã hội cấp, còn hiệu lực.
Việc học này là tự nguyện, thể hiện qua danh sách học sinh đăng ký học ở tại trường.
Về tài chính, trường chi theo Quy chế chi tiêu nội bộ tại trường, thu 200.000 đồng/học sinh/tháng, chi 70% dành cho giáo viên bản ngữ (35USD/tiết), 10% chi cho quản lý và 20% dành cho sử dụng cơ sở vật chất, hoạt động giáo dục.
Đối với thông tin sử dụng giáo trình Smart Time trong dạy tiếng Anh tại trường, song song với giáo trình tiếng Anh chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là tài liệu bổ trợ, tăng cường cho hoạt động học tập của học sinh theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam qua điện thoại ngày 9/2/2018, bà Lê Thị Anh Đào – Phó Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố khẳng định, dù vậy, nhà trường vẫn phải tiến hành làm rõ, truyền đạt các thông tin cần thiết này đến phụ huynh vào buổi họp cuối học kỳ 1, để tránh việc phụ huynh tiếp tục thắc mắc.